Theo dòng sự kiện

NIFC khẳng định vai trò trong kiểm nghiệm, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm

06/08/2018, 15:14

Trước nhu cầu phát triển và yêu cầu bức thiết của xã hội về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, ngày 23 tháng 03 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 376/QĐ-TTg về việc thành lập Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (NIFC) trực thuộc Bộ Y tế. Việc ra đời của NIFC là cơ hội cho việc phát triển, nâng cao năng lực nghiên cứu, kiểm nghiệm và thực hiện giám sát, quản lý lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm… đáp ứng yêu cầu của hoạt động kiểm nghiệm, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời kỳ hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế.

Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia được thành lập trên cơ sở Trung tâm Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Viện dinh dưỡng Quốc gia. Thời gian đầu đi vào hoạt động, diện tích của Viện chỉ gồm khu vực Labo rộng 600m2 trong khuôn viên Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đảm bảo yêu cầu của một viện cấp quốc gia, đầu năm 2015, Bộ Y tế đã Quyết định bàn giao toàn bộ trụ sở làm việc của Viện Công nghệ Thông tin (địa chỉ tại 65 Phạm Thận Duật, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia quản lý, sử dụng.

Theo PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia: Với sự quan tâm đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ của cơ quan quản lý cấp trên nên sau hơn 6 năm thành lập, NIFC đã đáp ứng được các yêu cầu của la-bô kiểm nghiệm thực phẩm đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới. NIFC phấn đấu đến năm 2017 đạt chuẩn phòng kiểm nghiệm tham chiếu khu vực và thế giới, trở thành trung tâm đào tạo chuyên ngành kiểm nghiệm an toàn thực phẩm chuyên sâu của cả nước.

Phát huy vai trò là Hội viên Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) cũng như khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh trong việc hỗ trợ các đơn vị kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong năm 2015, NIFC đã tổ chức thành công 8 chương trình thử nghiệm thành thạo miễn phí: Chương trình TNTT vi sinh trong thực phẩm; chương trình TNTT vi sinh trong nước; chương trình TNTT hóa l‎ý trong sữa bột; chương trình TNTT độc tố trong bột ngũ cốc; chương trình TNTT hóa lý trong rượu; chương trình TNTT kháng sinh trong thịt; chương trình TNTT kim loại trong nước… nhận được sự quan tâm ủng hộ và đăng ký tham gia của hàng trăm đơn vị.

Gần đây nhất, NIFC phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ và Thiết bị mới (Newtech) và Công ty CAMAG (Thụy Sỹ) tổ chức tập huấn “Phương pháp xác định bạch quả (Ginkgo biloba) trong thực phẩm chức năng bằng kỹ thuật sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao HPTLC” cho các học viên đến từ Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương; Viện Dược liệu; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trung tâm Kiểm nghiệm các tỉnh từ Nghệ An trở ra Bắc; Phòng kiểm nghiệm các công ty Dược phẩm;...

Theo PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo, khóa tập huấn này rất quan trọng vì với sự phát triển và vai trò của các loại thực phẩm chức năng đối với đời sống, sức khỏe con người hiện nay ngày càng tăng và cần được quan tâm đúng mức. Làm sao để các cơ quan chuyên môn có thể kiểm soát được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm chức năng, để người dân được sử dụng những sản phẩm an toàn, chất lượng... Trên cơ sở đó, khóa đào tạo sẽ chuyển giao các kỹ thuật mới về kiểm nghiệm thực phẩm chức năng cho cán bộ làm công tác kiểm nghiệm.

Các hoạt động kiểm nghiệm của NIFC hiện nay đã đáp ứng yêu cầu của ISO/IEC 17025 – Yêu cầu chung về năng lực phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn; hoạt động kiểm tra nhà nước thực phẩm nhập khẩu đáp ứng yêu cầu ISO/IEC 17020 Chuẩn mực chung cho các hoạt động của tổ chức tiến hành giám định; hoạt động chứng nhận sản phẩm thực phẩm theo ISO/IEC Guide 65 với vai trò là bên thứ ba độc lập, đưa ra sự bảo đảm bằng văn bản rằng một sản phẩm, hàng hóa phù hợp với các yêu cầu quy định trong một tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật.

Nhằm không ngừng mở rộng phạm vi, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, đầu tháng  5/2016, NIFC đã mời các chuyên gia của Văn phòng công nhận chất lượng (BoA) thực hiện đánh giá công nhận mở rộng một số chỉ tiêu kiểm nghiệm theo ISO/IEC 17025:2005 với sự chứng kiến của chuyên gia độc lập APLAC MRA (Asia Pacific Laboratory Acereditation Cooperation Mutual Recognition Arrangement).

Tại các cuộc đánh giá giám sát, chuyên gia BoA đánh giá cao việc tuân thủ theo yêu của TCVN ISO/IEC 17025 của NIFC cũng như 06 phép thử Hóa và 03 phép thử Sinh học đăng ký đánh giá công nhận mở rộng.

Theo đó, 06 phép thử Hóa của NIFC được công nhận mở rộng lần này gồm: Xác định hàm lượng anthocyanin tổng số – Phương pháp UV-Vis trên thực phẩm chức năng bằng phương pháp thử AOAC 2005.02; xác định hàm lượng polyphenol tổng số - Phương pháp UV-Vis trên chè và sản phẩm chè bằng phương pháp thử TCVN 9745-1:2013; xác định hàm lượng cafein – Phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao trên café và sản phẩm café bằng phương pháp thử TCVN 9723-2013; xác định hàm lượng cafein – Phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao trên chè và sản phẩm chè bằng phương pháp thử TCVN 9744-2013; xác định hàm lượng Biotin – Phương pháp sắc khí lỏng khối phổ trên thực phẩm (Sữa và sản phẩm sữa; thực phẩm chức năng) bằng phương pháp thử H.HD.QT.208 (LC-MS/MS); xác định hàm lượng Vitamin B12 – Phương pháp sắc khí lỏng khối phổ trên sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm bổ sung bằng phương pháp thử H.HD.QT.350 (LC-MS/MS).

03 phép thử Sinh học gồm: Phát hiện và định lượng Enterobacteriaceae bằng kỹ thuật MPN tiền tăng sinh trên thực phẩm và thức ăn chăn nuôi bằng phương pháp thử TCVN 5518- 1:2007 (ISO 21528- 1:2004); Phát hiện Salmonella spp trong nước bằng phương pháp thử ISO 19250-2010 TCVN 9717-2013; Phát hiện và định lượng tổng số nấm men và nấm mốc trong thực phẩm bằng phương pháp so màu bằng phương pháp thử AOAC 2002.11-2005.

Trước những băn khoăn của cộng đồng xã hội về nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực biển các tỉnh miền Trung thời gian qua, NIFC đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các ngành liên quan triển khai lấy mẫu thủy, hải sản tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và chủ động phối hợp với Sở Y tế của 4 tỉnh để có thể liên tục tiếp nhận mẫu từ các đơn vị gửi về kiểm nghiệm.

Để có kết quả kiểm nghiệm nhanh, chuẩn xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu thông tin cảnh báo của các cơ quan quản lý nhà nước, tập thể cán bộ NIFC đã làm việc liên tục 24/24h không kể ngày nghỉ, tiến hành kiểm nghiệm các mẫu thủy, hải sản để xác định ảnh hưởng của độc tố (nếu có) và nhanh chóng báo cáo kết quả kiểm nghiệm cho Cục An toàn thực phẩm cũng như các Sở Y tế kịp thời có hướng giải quyết.

Với việc không ngừng cập nhật, cải tiến và phát triển phương pháp kiểm nghiệm mới, chuẩn hóa hệ thống chất lượng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm của doanh nghiệp, cá nhân, cũng như yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều tra,… NIFC đã và đang tiếp tục hợp tác, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm với các tổ chức quốc tế như: WHO; FAO; tổ chức KOICA của Hàn Quốc, JICA (Nhật bản), CIDA (Canada)...

Trên cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học… là tiền đề vững chắc để NIFC có thể hỗ trợ các đơn vị kiểm nghiệm tuyến tỉnh/thành phố, kịp thời thực hiện các chỉ tiêu kiểm nghiệm khó. Đây cũng là tiền đề vững chắc nhằm khẳng định vai trò kiểm nghiệm, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm của NIFC trong những năm vừa qua.

VinaLAB

Bình luận