Theo dòng sự kiện

Nới lỏng giới hạn thời gian nuôi cấy phôi thai người trong phòng thí nghiệm

14/06/2021, 09:43

TNNN - Cơ quan quốc tế ISSCR đã nới lỏng lệnh cấm nuôi cấy phôi thai người trong phòng thí nghiệm quá 14 ngày, mở đường cho các nghiên cứu , có thể giúp tháo gỡ các vấn đề từ sảy thai liên tiếp cho đến cải thiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Trong nhiều thập kỷ qua, lệnh cấm trên đã tồn tại trong luật pháp của một số quốc gia, bao gồm Anh, Úc và được quy định trong hướng dẫn của Hiệp hội nghiên cứu quốc tế về tế bào gốc (ISSCR). Hướng dẫn của ISSCR thiết lập các tiêu chuẩn áp dụng cho hoạt động của các nhà khoa học, tạp chí, cơ quan nghiên cứu trên toàn thế giới, cũng có thể ảnh hưởng đến các nhà hoạch định chính sách.

Tuy nhiên, ISSCR đã nới lỏng lập trường, tuyên bố rằng có thể thực hiện các thí nghiệm nuôi cấy phôi kéo dài hơn 14 ngày. Quy định này áp dụng trong các nghiên cứu được coi là hợp lý về mặt khoa học và không có cách thay thế nào phù hợp, đồng thời phải nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng và phù hợp với các quy định địa phương. Ngoài ra, các nghiên cứu này cũng phải trải qua quá trình đánh giá chuyên môn nghiêm ngặt.

Các nhà khoa học cho rằng việc cho phép nghiên cứu phôi thai người trên 14 ngày sẽ giúp hiểu rõ hơn các vấn đề như sảy thai liên tiếp hoặc dị tật bẩm sinh. Nguồn: The Guardian

“Chúng tôi muốn khẳng định điều này: đây không phải là bật đèn xanh cho những tổ chức muốn tiến tới mở rộng nuôi cấy phát triển người trên 14 ngày. Làm thế là vô trách nhiệm và bị coi là bất hợp pháp ở nhiều nơi”, GS. Kathy Niakan ở ĐH Cambridge và Viện Francis Crick (Anh), người tham gia xây dựng các hướng dẫn của ISSCR, nhận xét. “Những hướng dẫn này là lời kêu gọi mọi người chủ động tham gia vào cuộc đối thoại hai chiều với công chúng để xem xét giới hạn 14 ngày trong việc nuôi cấy phôi thai người”.

Vào thời điểm ban hành lệnh cấm nuôi cấy phôi thai trên 14 ngày, việc nuôi cấy phôi thai người vượt quá 5 ngày là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, khoa học đã tiến bộ: năm 2016, các nhà nghiên cứu tuyên bố đã nuôi cấy phôi thai người sống và hoạt động trong vòng 13 ngày.

Họ cho rằng việc cho phép nghiên cứu phôi thai người trên 14 ngày có thể mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, bao gồm sử dụng các cụm tế bào người để nghiên cứu giai đoạn đầu phát triển của phôi thai hoặc đánh giá mức độ an toàn của các kỹ thuật như liệu pháp thay thế ti thể, nhằm mang đến những hiểu biết mới về tình trạng sảy thai liên tục và các bất thường bẩm sinh.

Robin Lovell-Badge, chủ tịch đội ngũ biệt phái phụ trách bản hướng dẫn của ISSCR và lãnh đạo nhóm cấp cao ở Viện Francis Crick, nhận xét: “Người ta có thể lập luận về mặt đạo đức, rằng giai đoạn này (14-28 ngày) rất quan trọng với sự phát triển của con người. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, việc thiếu hiểu biết về những gì đang diễn ra trong giai đoạn đầu phát triển của con người cũng là một kiểu vô đạo đức”.

Các hướng dẫn của ISSCR cũng bao gồm nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác như sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene trên phôi người và các hoạt động liên quan đến sự phát triển chimera (được tạo ra bằng cách đưa tế bào người vào trong phôi của loài khác).

Daniel Brison, giáo sư phôi thai học lâm sàng tại trường Đại học Manchester, người không tham gia xây dựng các hướng dẫn này, cho rằng việc nuôi cấy phôi người trên 14 ngày sẽ làm thay đổi luật ở Anh, nhưng sự thay đổi này “chắc chắn có giá trị về mặt y học và lâm sàng”.

Tuy nhiên, Brison nhấn mạnh sự đồng thuận của dư luận đóng vai trò quan trọng. Ông nhắc lại rằng quy định 14 ngày được ban hành từ những năm 1980 vì đây là thời điểm xác định danh tính cá nhân trong quá trình phát triển của con người, vì khi đó phôi thai không thể phân đôi được nữa. “Với tư cách là nhà khoa học, chúng ta không nên coi việc thay đổi quy định đơn giản do bây giờ chúng ta có năng lực công nghệ để nghiên cứu phôi thai quá 14 ngày, mà vì chúng ta có thể chứng minh rằng công chúng đang ủng hộ các mục tiêu nghiên cứu”, ông cho biết. “Nếu không có sự ủng hộ rõ ràng từ công chúng, chúng ta có nguy cơ bị cáo buộc thay đổi các quy tắc nhằm mục đích tư lợi”.

Nguồn: Khoa học & Phát triển

 

Bình luận