Theo dòng sự kiện

Phát minh máy phun khử khuẩn tự động phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19

07/06/2021, 11:16

TNNN - Thiết bị phun khử khuẩn tự động ra đời nhằm thay thế sức người do nhóm nghiên cứu trường Đại học Sao Đỏ sáng chế.

Trao đổi với PV, tiến sĩ Đỗ Văn Đỉnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), cho biết trong vòng chưa đầy 1 tuần (từ ngày 21-5 đến ngày 25-5), thầy và trò trường Đại học Sao Đỏ đã đưa ra công trình nghiên cứu và chế tạo thành công hệ thống máy phun khử khuẩn tự động xe cơ giới đường bộ.

Thiết bị phun khử khuẩn tự động ra đời nhằm thay thế sức người do nhóm nghiên cứu trường Đại học Sao Đỏ sáng chế

Tiến sĩ Đỗ Văn Đỉnh chia sẻ: "Nhằm góp phần chung tay cùng cả nước nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 một cách hiệu quả, nhóm nghiên cứu của nhà trường đã nảy ra ý tưởng và bắt tay luôn vào việc hoàn thiện sản phẩm. Qua thử nghiệm và trên thực tế có thể thấy hệ thống khử khuẩn tự động hoạt động rất hiệu quả. Đây cũng là thành tựu của nhóm nghiên cứu của trường, hiện chúng tôi vẫn tiến hành nghiên cứu sâu thêm và mong muốn nhân rộng mô hình cho các địa phương đang diễn ra dịch bệnh, giảm thiểu sức người".

Tiến sĩ Đỉnh nói: "Đây là một trong những công trình nghiên cứu tiêu biểu của nhà trường góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch Covid-19 trong giai đoạn diễn biến phức tạp".

Ngay sau khi hoàn thành, nhà trường đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hải Dương triển khai lắp đặt 3 hệ thống trên tại 3 chốt kiểm dịch cấp tỉnh (chốt A) gồm: Chốt tại phường Hoàng Tiến (trên quốc lộ 18, tiếp giáp với thị xã Đông Triều, Quảng Ninh); chốt tại đầu cầu Phả Lại (trên quốc lộ 18, tiếp giáp với huyện Quế Võ, Bắc Ninh); chốt tại nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua địa phận trạm thu phí Gia Lộc). Tổng kinh phí sau khi hoàn thiện lắp đặt hệ thống khử khuẩn tự động là gần 200 triệu đồng.

Thiết bị được lắp đặt đơn giản, hoạt động hiệu quả với các phương tiện lưu thông qua

Theo ghi nhận của phóng viên, hệ thống máy phun khử khuẩn tự động được thiết kế gồm 2 thiết bị đặt hai bên làn xe. Trên hai thiết bị có gắn các cảm biến, dụng cụ phun phù hợp với chiều cao của các loại xe ôtô. Mỗi thiết bị có một động cơ bơm áp lực cao dùng để bơm dung dịch khử khuẩn từ bồn chứa nhiên liệu lên các đầu phun. Khi xe cơ giới đi qua, các cảm biến sẽ nhận dạng chiều cao xe để điều khiển bơm, van áp lực. Cùng với đó, các đầu phun sẽ phun ra dung dịch dạng sương mù phù hợp với chiều cao của xe, kể cả xe bồn; xe container...

Đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sao Đỏ cho hay, tính ưu việt là hệ thống máy phun khử khuẩn tự động có thể hoạt động 24/24 giờ, kể cả trong điều kiện thời tiết có nắng hay mưa. Dung dịch tỏa ra đều khắp bề mặt xe cơ giới giúp tiết kiệm nhân lực, dung dịch mà lại nhanh, hiệu quả hơn cách làm thủ công như trước. Hơn thế, các loại xe ôtô khi đi qua không phải dừng lại mà vẫn lăn bánh từ từ với vận tốc 5 km/giờ, không gây ùn tắc giao thông.


Thiết bị vừa đảm bảo phun khử khuẩn để phòng chống dịch nhưng vừa đảm bảo giao thông, không gây ùn tắc

 
Các đầu phun sẽ phun ra dung dịch dạng sương mù phù hợp với chiều cao của các loại xe
 

Trước đó, đầu năm 2021, giảng viên Khoa Thực phẩm và Hóa học Trường Đại học Sao Đỏ nghiên cứu và tiếp tục sản xuất trên 6.000 lít nước rửa tay khô (Nano bạc) cung cấp kịp thời cho cán bộ, giảng viên và cung cấp miễn phí cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Chí Linh; Nhóm giảng viên Khoa Điện chế tạo thành công buồng khử khuẩn toàn thân với thiết kế nhỏ, gọn, thuận tiện khi di chuyển, hoạt động theo cơ chế tự động; nghiên cứu chế tạo 10 máy sát khuẩn tay tự động trang bị tại các nhà làm việc, khu kí túc xá, giảng đường và các trung tâm thực hành thực nghiệm.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Chí Linh và tỉnh Hải Dương, để ngăn ngừa, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ y tế. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, thần tốc sau 32 giờ làm việc, nhóm cán bộ, giảng viên nhà trường đã chế tạo thành công robot vận chuyển nhu yếu phẩm, trao tặng cho các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh Hải Dương, góp phần giảm bớt khối lượng công việc cho các nhân viên y tế và những người phục vụ.

Nguồn: Khoa học.tv

Bình luận