Phòng thí nghiệm đầu tiên ngoài Trung Quốc sao chép được coronavirus
TNNN - Một đột phá lớn trong cuộc chiến với toàn cầu coronavirus xuất hiện khi Australia phát triển được một phiên bản virus nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
TS. Julian Druce miêu tả đó là một phát triển đáng ghi nhận trong hiểu biết của toàn cầu về virus này. Nguồn: ABC
Viện nghiên cứu nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty tại Melbourne vào ngày thứ ba đã trở thành phòng thí nghiệm đầu tiên trên thế giới ngoài Trung Quốc sao chép được virus nguy hiểm này. Thành quả này được cho là “kẻ thay đổi cuộc chơi”, giúp các nhà khoa học xác định là liệu loại vaccine được phát triển trong tương lai có thật sự hiệu quả không.
Họ đã chia sẻ kết quả này với Tổ chức WHO ở châu Âu, nơi sẽ tiếp tục chia sẻ nó với các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới tham gia vào cuộc chạy đua phát triển vaccine điều trị bệnh.
Nhóm nghiên cứu nuôi cấy virus từ một bệnh nhân đã bị xác định lây nhiễm từ thứ sáu vừa qua.
Đài truyền hình ABC (Australia) đã có mặt tại phòng thí nghiệm vào thời điểm các nhà khoa học khám phá ra họ đã nuôi cấy thành công virus, cùng với Mike Catton, phó giám đốc Viện Doherty. Ông chỉ xác nhận điều này bằng vài từ ngắn ngủi: “Chúng tôi đã có nó. Thật tuyệt vời!”
TS. Catton cho biết khám phá này là “vô cùng quan trọng” và có thể trở thành một phần không thể thiếu của một bộ kit để kiểm tra là vaccines có hoạt động không, để các nhà khoa học có thể kiểm nghiệm bất kỳ loại vaccine tiềm năng nào có khả năng chống lại phiên bản virus phát triển trong phòng thí nghiệm.
Nó cũng giúp các nhà khoa học phát triển một kiểm nghiệm để nhận diện ai có thể bị lây nhiễm virus, ngay cả khi họ còn chưa có biểu hiện nào về triệu chứng nhiễm bệnh.
Hiện ở Australia, bệnh nhân với triệu chứng mắc coronavirus ban đầu phải trải qua kiểm tra ở bệnh viện và mẫu được gửi đến viện Doherty, phòng thí nghiệm duy nhất ở Australia có thể xác định các mẫu lần thứ hai rồi đưa ra kết quả đúng 100% là liệu người đó có lây nhiễm hay không. Nhưng điều này có thể thay đổi hoàn toàn sau khám phá này.
Việc nuôi cấy virus như vậy sẽ giúp các chuyên gia hiểu hơn về cách hành vi của coronavirus. Do đó, giám đốc Viện nghiên cứu Doherty Julian Druce miêu tả đó là một phát triển đáng ghi nhận trong hiểu biết của toàn cầu về virus này. “Nó sẽ là thứ làm thay đổi cuộc chơi của các phòng thí nghiệm khác ở Australia”, ông nói.
Viện Doherty là phòng thí nghiệm thứ hai trên thế giới sao chép được virus gây dịch viêm phổi này. Một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc đã làm được điều này nhưng lại không chia sẻ khám phá của họ với WHO.
Dẫu sao, một phòng thí nghiệm khác của Trung Quốc đã công khai kết quả giải trình tự gene của virus, điều đó giúp các nhà nghiên cứu của Viện Doherty có thể sử dụng cho nghiên cứu.
TS. Druce cho biết, các nhà nghiên cứu của viện đã nỗ lực làm việc để hiểu hơn về căn bệnh. “Chúng tôi đã làm việc 10 đến 12 giờ mỗi ngày, công việc thường kết thúc vào 2 giờ sáng. Chúng tôi đã thiết kế và lập kế hoạch cho một quy trình làm việc như vậy trong nhiều năm. Đó là những gì mà Viện Doherty đã xây dựng được. Và đó là nguyên nhân tại sao chúng tôi lại có thể có được câu trả lời về chẩn đoán, dò tìm, giải trình tự và cô lập trong khoảng thời gian từ thứ sáu tuần trước đến thứ ba tuần sau”.
Tô Vân lược dịch
Theo Tia sáng