Thí nghiệm tàn nhẫn kinh điển: Sát hại 15 con chó để chứng minh "hồn ma" có thật, thành quả thu được thành trò cười cho giới khoa học
TNNN - Ý tưởng đằng sau khá đơn giản: Nếu "hồn ma" là một thực thể, nó phải có khối lượng và có khả năng cân đo đong đếm bằng công cụ của con người.
"Hồn ma" có thật hay không? Người tin vào "hồn ma" thường chia sẻ những câu chuyện nhuốm màu sắc tâm linh và có phần hư cấu.
Nhưng ngược lại, người không tin cũng chưa thể chứng minh rằng "hồn ma" không có thật được. Đâm ra, câu hỏi này thực chất đã gây tranh cãi trong rất nhiều năm, kể cả với cộng đồng khoa học.
Bác sĩ người Scotland Duncan MacDougall từ Haverhill, Massachusetts là một trong những người tin vào sự tồn tại của linh hồn.
Vậy nên vào năm 1907, ông quyết định thử chứng minh "hồn ma" là có thật. Tất cả những gì ông cần là có ai đó và một vài con chó chết trước mặt ông .
Ý tưởng của MacDougal rất đơn giản: ông tin rằng linh hồn nếu là thực thể thì phải có khối lượng và phải đo lường được.
Theo giả thuyết của ông, một phần của linh hồn sẽ rời khỏi cơ thể khi qua đời để đến một nơi khác, nhưng sẽ là không thực tế nếu khối lượng ấy đủ lớn để cân được.
Vậy nên, cách duy nhất (tốt nhất) để chứng minh giả thuyết của ông đúng là phải cân trọng lượng của một người ở đúng thời điểm trước khi qua đời và ngay sau đó. Sự chênh lệch về số liệu khi đó sẽ giúp ta xác định khối lượng của "hồn ma".
Tìm kiếm những người hấp hối
MacDougall đã đi tìm những tình nguyện viên sẵn sàng ra đi dưới sự giám sát của ông. Ông cần họ phải ra đi một cách tĩnh lặng, không làm cân bị rung và khiến số liệu trở nên vô giá trị.
Dĩ nhiên, một công việc đặc biệt như vậy không thể dành cho người thường.
Ông đã chọn những người mắc bạo bệnh giai đoạn cuối - thường là bệnh nhân lao phổi hoặc các bệnh tương tự, vì chúng khiến họ kiệt sức, không thể phản ứng quá mạnh.
Để thực hiện thí nghiệm, ông đã sắp xếp một chiếc giường được đặt vững trên một cái cân công nghiệp, có độ nhạy khoảng 5, 6g. Tình nguyện viên khi hấp hối sẽ ngay lập tức được đặt lên chiếc giường này.
Một số tin đồn cho rằng MacDougall đã bắt các tình nguyện viên phải... bịt hết các lỗ bài tiết để tránh việc dịch thể trào ra ngoài làm sai lệch kết quả.
Tuy nhiên điều này không hề chính xác. Bản thân MacDougall cũng đã tính đến vấn đề này, nhưng về bản chất thì mọi dịch thể nếu có tiết ra sẽ vẫn nằm trên giường, nên không gây ảnh hưởng đến kết quả tổng thể.
Kết quả bất ngờ từ một thí nghiệm tranh cãi
Lý thuyết là vậy, nhưng quá trình làm thí nghiệm đã không như kỳ vọng.
MacDougall viết như vậy trong một báo cáo thí nghiệm thất bại: "Thật không may là cái cân của chúng tôi không đủ tinh vi, và có một số ngăn trở từ những người quan sát".
Một trường hợp khác, bệnh nhân qua đời trước khi chiếc cân được chuẩn bị.
Tuy nhiên, đã có một trường hợp thực sự mất đi một phần trọng lượng đúng vào thời điểm qua đời, với con số cụ thể là 21,3g.
Một trường hợp khác mất 14g ngay trước khi xác nhận tử vong, rồi mất thêm 42,5g nữa. Trường hợp thứ 3 vừa nhẹ đi rồi lại nặng lên ngay sau đó (dù bước thay đổi không nhiều như 2 trường hợp trên).
Nhiều người đến đây có thể nghĩ rằng những gì MacDougall phát hiện ra đơn giản chỉ là vì... cân lỗi. Nhưng nhìn chung, vị bác sĩ vẫn tin rằng ông đã thực sự chứng minh được sự tồn tại của linh hồn.
Nhưng vẫn chưa hết đâu. Là một nhà khoa học, MacDougall biết rằng mình cần phải thực hiện một thí nghiệm có kiểm soát, lần này ông chọn đối tượng là chó.
Ông chọn ra 15 con chó khỏe mạnh cho thí nghiệm, vì chó thì khó mà nằm yên, ông quyết định... tự mình ra tay.
Trích trong báo cáo của MacDougall: "Tôi cũng không đủ may mắn để có được vài chú chó đang chết dần vì bệnh tật".
Ý tưởng của thí nghiệm này là động vật không có linh hồn, nên lúc chết chúng sẽ không bị mất khối lượng. Nhưng cứ tưởng tượng 15 con chó bị giết để chứng minh là chúng không có linh hồn, quả là khiến người đời phẫn nộ.
Rốt cục theo báo cáo của MacDougall, toàn bộ số chó dùng trong thí nghiệm đã không thay đổi chút khối lượng nào.
Nhưng không lẽ "hồn ma" là có thật?
Thành thực mà nói thì... không, chúng ta vẫn chưa biết, vì thí nghiệm của MacDougall chẳng nói lên điều gì cả.
Kết quả của MacDougall được giới chuyên môn đánh giá là có rất nhiều lỗi, do cách thu thập số liệu của ông không minh bạch. Bản thân vị bác sĩ thừa nhận rằng việc xác định chính xác thời điểm tử vong là rất khó khăn.
Hơn nữa, bất kỳ thay đổi nào trong số mẫu nghiên cứu quá nhỏ của thí nghiệm có thể đến từ thay đổi nhiệt độ gây đổ mồ hôi nhiều hơn. Trong khi đó, chó không có tuyến mồ hôi, nghĩa là chúng khó mất trọng lượng hơn.
Hơn nữa, người hấp hối dù có mệt đến đâu cũng chưa chắc đã nằm yên, nên kết quả thu được sẽ không hoàn toàn chính xác.
Nhìn chung, thành quả của MacDougall sau đó đã trở thành trò cười cho các đồng nghiệp suốt nhiều tháng sau.
Nguồn: Khoa học.tv