Thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn tại thành phố Hải Phòng
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng phối hợp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật các huyện, quận, công ty chăn nuôi… tổ chức triển khai mô hình “Quầy kinh doanh thịt lợn an toàn” và “Chợ kinh doanh thịt lợn an toàn” nhằm thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng phối hợp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật các huyện, quận, công ty chăn nuôi… tổ chức triển khai mô hình “Quầy kinh doanh thịt lợn an toàn” và “Chợ kinh doanh thịt lợn an toàn” nhằm thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn.
Cửa hàng kinh doanh thịt lợn an toàn trên địa bàn huyện Kiến Thụy thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng
Về mô hình Quầy kinh doanh thịt lợn an toàn, Chi cục phối hợp với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh huyện Kiến Thụy mở 01 quầy thịt an toàn tại thị trấn Núi Đối; Phối hợp với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam mở 20 quầy kinh doanh thịt lợn an toàn tại các quận, huyện: Kiến An, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, Hồng Bàng, An Dương, Kiến Thụy, An Lão.
Về mô hình chợ kinh doanh thịt lợn an toàn, Chi cục phối hợp với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh huyện An Dương tổ chức mô hình chợ kinh doanh thịt lợn an toàn tại 7 chợ: Minh Kha (xã Đồng Thái), Tri Yếu (xã Đặng Cương), Rế (thị trấn An Dương), Vĩnh Khê (xã An Đồng), Hoàng Lâu (xã Hồng Phong), Ngọ Dương (xã An Hòa), Hỗ (xã An Hưng).
Để thực hiện mô hình này, Phòng NN&PTNT các huyện chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng, xã tổ chức tuyên truyền, triển khai lựa chọn địa điểm đặt các quầy thịt, trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh và giết mổ; kiểm soát bán hàng, niêm yết đúng giá sản phẩm... Đồng thời, họp các hộ kinh doanh, để triển khai ký cam kết bán, tiêu thụ thịt lợn an toàn, cung cấp phiếu thông tin tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn. Bản cam kết và phiếu thông tin có chữ ký của người bán hàng, Ban quản lý chợ, cán bộ thú y và xác nhận của Ủy ban nhân dân xã/thị trấn.
Trạm Thú y huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành kiểm soát giết mổ tại các lò mổ, đảm bảo các sản phẩm thịt lợn đưa ra thị trường là thịt sạch, bảo đảm VSATTP...
Bên cạnh đó, các Ban Quản lý chợ cũng đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức: dán pano, áp phích truyên truyền về chợ bán thịt lợn an toàn bệnh dịch tả lợn châu Phi, dấu hiệu phân biệt thịt lợn an toàn và thịt lợn bệnh,… tại cổng chính, cổng phụ vào chợ; Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã để người dân hiểu, không quay lưng lại với thịt lợn.
Theo báo cáo của UBND TP Hải Phòng, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tại tại 11 quận, huyện, làm thiệt hại hầu hết đàn lợn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ. Tại một số vùng chăn nuôi tập trung, dịch tả lợn châu Phi lây lan sang các trang trại, gia trại. Cụ thể, từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5-2019, thành phố Hải Phòng có 69 trang trại, gia trại chăn nuôi, dù đã áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cách ly đàn lợn, khử trùng tiêu độc nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra.
Tính đến nay trên toàn thành phố Hải Phòng có gần 15.700 hộ nuôi lợn bị ảnh hưởng bởi dịch, với số lợn phải tiêu hủy đến nay là khoảng 140 nghìn con, tương đương với 7.423 tấn, chiếm gần 50% tổng số đàn lợn của thành phố trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
Hiện tại, thành phố Hải Phòng còn tổng đàn lợn tại các trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi nhỏ là 259.063 con, số lượng lợn thịt đã đến thời điểm xuất bán: 123.090 con (tương đương khoảng 12.309 tấn) nhưng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Để người dân không quay lưng với thịt lợn, TP Hải Phòng đã có nhiều giải pháp để quản lý, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn.
Vũ Hải