Theo dòng sự kiện

Trồng cây “lính canh” để cảnh báo sâu bệnh

10/04/2020, 12:04

TNNN - Khi một loài côn trùng mới xuất hiện ở một vùng đất mới sẽ nhanh chóng lây lan ra, tàn phá hệ sinh thái và sau đó ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chẳng hạn, loài bọ cánh cứng xanh (Emerald ash borer) có nguồn gốc châu Á xuất hiện lần đầu ở Bắc Mỹ vào năm 2002 đã làm chết hàng trăm triệu cây tần bì và gây thiệt hại lên tới hơn 10 tỷ USD.

Trong nỗ lực ngăn chặn những thảm họa tương tự và để được cảnh báo sớm về những loài gây hại lạ có khả năng tàn phá, các nhà nghiên cứu của Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc đang thử một cách tiếp cận mới: trồng những loại cây “lính canh” có nguồn gốc bản địa ở những quốc gia xa xôi khác và quan sát loài côn trùng nào sẽ tấn công chúng. Các phát hiện đó sẽ giúp nhà chức trách nhanh chóng dập tắt mối nguy từ những loài côn trùng mới nếu chúng xuất hiện ở quê hương của giống cây đó. Theo nhà côn trùng học Jiri Hulcr tại Đại học Florida, những cây lính canh này sẽ là “phòng tuyến mới” trong việc chống sâu bệnh tại các cánh rừng.

Thực tế, những rặng cây gốc Bắc Mỹ và châu Âu đã được trồng ở Trung Quốc, cho phép các nhà khoa học xác định và nghiên cứu hơn một chục loài côn trùng đáng lo ngại. Ở châu Âu, 23 quốc gia đã khởi động một dự án trị giá 5 triệu euro cùng với nhiều hoạt động khác để thiết lập các vườn ươm cây lính canh ở Bắc Mỹ, châu Á và Nam Phi. 

Ảnh minh hoạ/internet

Một nhóm do nhà côn trùng học Alain Roques thuộc Viện Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Quốc gia Pháp dẫn dắt đã sử dụng cách tiếp cận này trong giai đoạn 2007-2011. Họ trồng 7 loài cây ở thành phố Phụ Dương và gần Bắc Kinh, Trung Quốc. Đến năm 2015, họ xác định được hơn 100 loại côn trùng chuyên ăn các loại cây này, trong đó 5 loài được coi là nguy hiểm. Nhóm nghiên cứu đã đưa 1 loài - ngài túi bagworm moth - về châu Âu để xem xét đặc tính thích ăn các loài cây lá rộng của nó. Nghiên cứu được thực hiện dưới sự cách ly nghiêm ngặt, cho thấy loài bướm ngài này có thể phá hủy hàng loạt cây cối.

Hulcr từng thay đổi suy nghĩ sau khi đồng nghiệp ở Trung Quốc phát hiện ra một loài bọ chuyên phá hủy cây bạch đàn Mỹ trồng gần Thượng Hải. Theo báo cáo của nhóm vào năm 2017, nếu loài bọ cánh cứng này tới, nó sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng. Phát hiện này khiến Trung Quốc cấm nhập khẩu loại cây trên để tránh thiệt hại thêm.

Cho đến nay, nhóm của Hulcr đã phát hiện ra 8 loài côn trùng đáng lo ngại. Các nhà nghiên cứu hiện đang nuôi dưỡng và theo dõi những con côn trùng này. Những nghiên cứu như vậy có thể cảnh báo cơ quan chức năng tìm kiếm các loài sinh vật gây hại và có những biện pháp theo dõi và kiểm soát côn trùng tốt hơn.

Việc thành lập các vườn cây ăn trái ở nước ngoài có thể gặp khó khăn, nhà côn trùng học Roques cho biết. Một nông dân Trung Quốc đã phá bỏ một vài cây trồng của ông sau khi thấy côn trùng phá hoại nó mà không biết rằng họ cố tình thiết kế như vậy để cây bị tấn công. Nhóm nghiên cứu không được tiếp cận với những khu vực trồng khác sau khi các cộng tác viên sợ những giống cây này có thể mang sâu bệnh từ châu Âu đến châu Á.

Các quỹ tài trợ đang tăng cường hỗ trợ cho các khu rừng lính canh. Dự án mới của châu Âu “Quản lý toàn diện các loại sâu bệnh hại rừng mới nổi” dự kiến ​​sẽ kéo dài đến năm 2024. Cục Kiểm lâm Mỹ (USFS) cũng đang tài trợ một số dự án, trong đó có dự án của nhà nghiên cứu bệnh học thực vật Enrico Bonello của ĐH bang Ohio trồng những cây lính canh đầu tiên (gồm các loại sồi, nhựa ruồi, phong, và thông) từ châu Á, châu Âu trên đất Ohio và New Hampshire vào tháng 4. Nhiều loại cây Bắc Mỹ và châu Á được trồng tại Thụy Điển, Italy.

Sẽ mất nhiều năm để biết liệu các cây lính canh có cung cấp thông tin hữu ích hay không, ví dụ một số loài côn trùng không tấn công cây non có tấn công cây trưởng thành không, và một số cây có bị côn trùng tấn công hơn khi phát triển ngoài phạm vi bản địa của chúng không. 

Ngô Hà dịch từ https://www.sciencemag.org/news/2020/03/scientists-plant-sentinel-trees-warn-devastating-pests.

Nguồn: tiasang.vn

Bình luận