Theo dòng sự kiện

Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng tỉnh Lâm Đồng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ

06/08/2018, 14:43

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển sản xuất và định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, việc thành lập Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng tỉnh Lâm Đồng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) góp phần đa dạng hóa hoạt động phân tích - kiểm nghiệm, thúc đẩy hoạt động chứng nhận chất lượng sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu hội nhập và xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng Lâm Đồng (gọi tắt là Trung tâm) thành lập ngày 29/6/2010 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2010. Trụ sở chính của Trung tâm tại số 230 Hoàng Văn Thụ, phường 1, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và Chi nhánh tại số 24 Trần Phú, thành phố Đà Lạt đã được đầu tư những thiết bị thí nghiệm đồng bộ, hiện đại do các nước có trình độ khoa học tiên tiến như: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Đức… sản xuất.

Trung tâm có chức năng Phân tích - Kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất và lưu thông phục vụ công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và giám định sản phẩm hàng hóa, quá trình, dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, khu vực, quốc tế và các tổ chức khác; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã được đầu tư gần 60 loại thiết bị thử nghiệm phục vụ cho các hoạt động phân tích Hóa lý, Vi sinh, Vật liệu xây dựng… trong mỗi lĩnh vực hoạt động đều có người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật. Nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, Trung tâm đã đào tạo bên ngoài 4 Chuyên gia đánh giá trưởng theo tiêu chuẩn VietGAP; đào tạo tập huấn cho các cán bộ về nhận thức ISO 9001:2008, ISO 17025:2005, đánh giá nội bộ, tính toán độ không đảm bảo đo, bảo hành thiết bị và kỹ thuật thử nghiệm khác.

Hoạt động chứng nhận chất lượng của Trung tâm đã được công nhận phù hợp với chuẩn mực ISO/IEC guide 65:1996 - Yêu cầu chung đối với các cơ quan điều hành hệ thống chứng nhận sản phẩm. Cùng với phân tích và chứng nhận chất lượng cho một số sản phẩm: chè, cà phê, gạch ngói xây dựng của các đơn vị sản xuất, Trung tâm đang thực hiện chứng nhận sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã hoàn thành đánh giá và chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP trồng trọt cho nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, tiêu biểu như: Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Anh Đào; Công ty TNHH DASA Thảo Mộc; Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thảo Nguyên; Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn… Chứng nhận VietGap lúa cho 3 tổ hợp tác xã tại Gia Lai; Nghiệm thu 1 đề tài “Nghiên cứu đánh giá chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ và phát triển nguồn nước” và 2 dự án: “Nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGap tại Đơn Dương”, “Nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại Đam Rông”.


Mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại Đà Lạt

Để đảm bảo thời gian và chất lượng công việc, cùng với 4 chuyên gia đánh giá VietGAP theo biên chế, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia VietGAP bên ngoài để có thể đáp ứng tối đa các yêu cầu chính đáng của khách hàng theo mục tiêu chính sách chất lượng và cam kết hoạt động của Trung tâm.

Song song với các hoạt động kiểm tra, hiệu chuẩn trang thiết bị theo định kỳ, nhằm không ngừng cải tiến điều kiện làm việc, Trung tâm thường xuyên tổ chức, phối hợp tổ chức đào tạo nâng cao và chuyên sâu cho nhân viên thử nghiệm. Qua đó, các thử nghiệm viên có thể phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, đảm bảo được thời gian trả kết quả đúng hẹn đạt 95%, tỉ lệ sai sót kết quả chỉ tiêu thử nghiệm dưới 1%, số lượng phàn nàn dưới 5%.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trung tâm Phân tích-Kiểm định chất lượng tỉnh Lâm Đồng đã tham gia và chính thức trở thành Hội viên Hội các phòng Thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) để tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ; không ngừng học hỏi nhằm nâng cao trình độ; Xây dựng, áp dụng và cải tiến các giải pháp về khoa học công nghệ thử nghiệm, đẩy mạnh hoạt động thử nghiệm,...

Ban lãnh đạo và nhân viên Trung tâm luôn xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo đảm các nguồn lực cần thiết để duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025: 2005 - Yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn. Bên cạnh đó, tất cả nhân viên có liên quan đến thử nghiệm của Trung tâm đều được phổ biến, hiểu rõ và áp dụng Hệ thống tài liệu theo ISO/IEC 17025:2005 vào công việc.

Hoạt động tự đào tạo cũng được Trung tâm duy trì thực hiện thông qua các trắc nghiệm kỹ năng liên phòng, như: Tham gia trắc nghiệm các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh và vật liệu xây dựng... qua đó, đánh giá được trình độ chuyên môn của cán bộ kỹ thuật để kịp thời rút kinh nghiệm, đưa ra biện pháp khắc phục.

Với chất lượng và năng lực cung ứng các dịch vụ thử nghiệm của Trung tâm, ngày 03/12/2014, Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 11011/QĐ-BCT về việc chỉ định Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng Lâm Đồng thực hiện chứng nhận phân bón vô cơ. Phạm vi được công nhận đối với phân bón vô cơ được quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 184.2014/QĐ-VPCNCL ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Văn phòng công nhận chất lượng (Vicas 012 - Product).

Trên cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước chỉ định, Trung tâm đang từng bước kiện toàn các điều kiện cần thiết để chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện Chương trình phát triển, ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp trên địa bàn (giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020) do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành.

Theo đó, trên cơ sở mở rộng Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng Lâm Đồng, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục để xây dựng Trung tâm chiếu xạ quy mô công nghiệp (vị trí gần khu công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc). Nhiệm vụ trước mắt là ứng dụng quy trình xử lý chiếu xạ (nguồn Gamma Co-60) cho công nghệ sau thu hoạch nhằm bảo quản, kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, như: trà, cà phê, rau hoa, sản phẩm chế biến cá nước lạnh, thịt gia súc gia cầm…

Sự phát triển lớn mạnh trong các lĩnh vực thử nghiệm của Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng Lâm Đồng trong 5 năm qua đã ghi dấu cho sự trưởng thành của Trung tâm nói riêng và Hội viên VinaLAB nói chung.

Thành công này góp phần nâng cao vị thế của Hội VinaLAB trong việc giúp các doanh nghiệp hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị lợi ích khi các sản phẩm được công nhận đạt Tiêu chuẩn quốc tế, Tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, đồng thời, tăng cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đến các nước trong khu vực và thế giới, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

VinaLAB

Bình luận