Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng: Chuyển giao quy trình phân lập và sản xuất nấm xanh
TNNN - Từ việc làm chủ quy trình phân lập và sản xuất nấm xanh, Trung tâm đang hướng đến sản xuất quy mô công nghiệp, tạo ra sản phẩm có hiệu quả cao, bà con dễ sử dụng.
Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao chất lượng cây trồng vật nuôi”, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng đã thực hiện chuyển giao “Quy trình phân lập và sản xuất nấm đầu dòng metarhizium anisopliae phòng trừ rầy nâu hại lúa tại tỉnh Sóc Trăng”. Hiện tại, Trung tâm đã làm chủ quy trình phân lập và sản xuất giống nấm xanh phục vụ nhu cầu người dân trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm được đánh giá đạt hiệu quả khá cao trong phòng trừ các loại côn trùng gây hại, nhất là trên đối tượng rầy nâu hại lúa,...
Việc sử dụng các biện pháp sinh học trong trong quản lý dịch hại hiện nay ngoài lợi ích kinh tế, còn tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường, sức khoẻ cộng đồng. Đồng thời, góp phần tạo sự chuyển biến, thay đổi nhận thức, chuyển từ việc sử dụng thuốc hoá học sang các chế phẩm sinh học, nâng cao nhận thức và niềm tin của nông dân về vai trò, hiệu quả của các chế phẩm sinh học, trong đó có chế phẩm nấm nanh metarhizium anisopliae.
Từ năm 2003-2005, tỉnh Sóc Trăng đã đưa chủng nấm xanh vào nghiên cứu ứng dụng với đề tài “Xây dựng mô hình phòng trừ sâu rầy hại lúa bằng chế phẩm sinh học từ nấm metarhizium anisopliae và beauveria bassiana trong thâm canh lúa chất lượng cao”. Đề tài do Bộ môn Phòng trừ sinh học (Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long) phối hợp với Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Sóc Trăng thực hiện.
Vào cuối năm 2006, khi dịch rầy nâu bùng phát khắp nơi tại Đồng bằng sông Cửu Long, gây ra bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, làm thiệt hại đáng kể đến năng suất của người dân trồng lúa. Trước tình hình đó, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai sử dụng hai sản phẩm sinh học Ometa và Bemetent tại 9 huyện, thị để phòng trừ rầy nâu trên diện rộng, đạt hiệu quả cao.
Tiếp tục duy trì hiệu quả dự án “Nâng cao chất lượng cây trồng vật nuôi”, tháng 11/2008, quy trình nhân nuôi nấm xanh tại nông hộ được thực hiện và Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm nấm M.anisopliae để trừ côn trùng hại cây trồng tại nông hộ vụ Đông Xuân 2008 – 2009”.
Cũng từ dự án “Nâng cao chất lượng cây trồng vật nuôi”, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng đã nhận chuyển giao “Quy trình phân lập và sản xuất nấm đầu dòng M.anisopliae phòng trừ rầy nâu hại lúa tại tỉnh Sóc Trăng” từ Bộ môn Bảo vệ thực vật - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng (Trường Đại học Cần Thơ).
Chế phẩm sinh học nấm xanh của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng
Đến nay, Trung tâm đã làm chủ quy trình phân lập và sản xuất giống nấm xanh phục vụ nhu cầu người dân trong và ngoài tỉnh, được khách hàng trong và ngoài tỉnh đánh giá đạt hiệu quả khá cao trong phòng trừ các loại côn trùng gây hại, đặc biệt là trên rầy nâu hại lúa,...
Sản phẩm nấm xanh của Trung tâm không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng trong tỉnh mà còn được cung cấp cho một số địa phương khác như: Lâm Đồng, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu,…
Trung tâm đang tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng công nghiệp, tạo ra sản phẩm có hiệu quả cao, bà con dễ sử dụng hơn.
Đình Lâm