Tương lai của nước tái chế
TNNN - Gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang khiến nguồn nước uống trở nên khan hiếm, đòi hỏi các đô thị tìm kiếm thêm những nguồn nước bổ trợ. Và “nước tái chế” đang trở thành lựa chọn tối ưu tại nhiều khu vực trên thế giới.
Hơn hai tỉ người trên thế giới đang sống trong tình trạng thiếu nước trầm trọng – chủ yếu tại các quốc gia Bắc Phi; Tây, Trung và Nam Á. Theo dự đoán, dân số thế giới sẽ tăng lên từ 7,7 tỉ lên 10 tỉ vào năm 2020, với 70% phân bố tại các đô thị. Theo một đánh giá của Liên hợp quốc, nhu cầu sử dụng nước dự kiến sẽ tăng từ 20-30% từ nay cho đến năm 2050.
Vì vậy, việc tái chế nguồn nước thải thành nước sinh hoạt đang trở thành một lựa chọn khả thi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông và tâm lý sử dụng nước “thải”, nhiều người vẫn lo lắng về độ an toàn của nước tái chế, dẫn đến một số dự án bị trì hoãn.
Vậy nước tái chế có thực sự đáng lo ngại?
Khái niệm “nước tái chế” dùng để chỉ nguồn nước nước thải qua quy trình xử lý nghiêm ngặt trở thành nước sinh hoạt. Tại các quốc gia có thu nhập trung đến cao, nước sinh hoạt – từ các hộ gia đình và hộ kinh doanh, không bao gồm nước thải công nghiệp – được thu thập tập trung và xử lý tại các nhà máy rồi thải ra sông, hồ và các nguồn nước tự nhiên. Sau đó, nguồn “nước thô” (raw water) sẽ được thu thập xử lý lần nữa và đưa vào sử dụng tại các đô thị ở hạ nguồn với nhiều mục đích, từ sinh hoạt, nông nghiệp, tưới tiêu đến các quy trình công nghiệp.
Để đảm bảo nguồn nước đủ điều kiện trở thành nước uống, nhiều nơi sau khi xử lý lần một tại nhà máy sẽ luân chuyển nước tới nhà máy thứ hai, thứ ba để xử lý chuyên sâu bằng các phương pháp hóa học, sinh học và vật lý. Số nước này sau đó được đưa thẳng vào hệ thống cấp nước uống hoặc nguồn chứa nước tự nhiên (sông, hồ, đập, nước ngầm). Dù được xử lý từ nguồn tự nhiên hay nhân tạo, nước đã được xử lý theo nhiều bước như trên đều được gọi chung là nước tái chế.
Tại nhiều khu vực trên thế giới, nguồn nước thải thường chỉ được xử lý một lần rồi thải ra và chiếm tỉ lệ lớn trong lưu vực nước sông. Dù trên thực tế, tại một số nước, các phương pháp xử lý nước thải ở hạ nguồn (sông) vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng nước thô, giới chức các nước này vẫn coi đó là nguồn “nước sạch từ tự nhiên”. Điều này hẳn nhiên đe dọa đến sức khỏe của người dân, song việc nâng cao tiêu chuẩn xử lý nước thải trong môi trường được kiểm soát và phân loại mục đích sử dụng rõ ràng hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này.
Trên hết, việc quản lý và nâng cấp cơ sở hạ tầng với các công nghệ và cảm biến thông minh vẫn đóng vai trò tối quan trọng. Các công cụ kinh tế, chẳng hạn như quy định giá cũng đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả sử dụng nước tái chế. Bên cạnh đó, các chính sách cũng cần được áp dụng hợp lý nhằm hạn chế ô nhiễm, đồng thời đào tạo các bên liên quan về tầm quan trọng của việc lưu trữ nước.
Quan điểm công chúng
Sự phản đối từ một bộ phận người dân đã khiến một số dự án cung cấp nước tái chế bị trì hoãn trong suốt hai thập kỉ qua.
Năm 2000, nhật báo Los Angeles đưa tin về dự án Tái chế Nước East Valley, bắt đầu được thực hiện ở San Fernando Valley, Los Angeles, California, vào năm 1995 với tiêu đề “Biến nước toilet thành nước máy”. Tin tức này đối mặt với phản ứng lo ngại từ người dân địa phương cho rằng nguồn nước tái chế sẽ chỉ cung cấp cho những khu vực của người thu nhập thấp và sẽ không an toàn để sử dụng. Dự án này đã được các ứng cử viên thị trưởng địa phương đem ra thảo luận và bị Ủy ban phụ trách Nguồn nước và Năng lượng Los Angeles quyết định bãi bỏ. Kể từ đó, nước tái chế chỉ được sử dụng trong tưới tiêu và công nghiệp.
Năm 2006 và 2009, người dân bang Queensland, Australia đã phản đối thành công hai Chương trình Tái chế Nước tại Toowoomba và Hành lang Phía Tây vùng đông nam Queensland, kể cả khi đất nước chuột túi đang hứng chịu hạn hán kỉ lục.
Công nhân bơm nước vào bể chứa nước uống tại Queensland, Australia trong thời điểm hạn hán kỉ lục. Ảnh William West/AFP/Getty
Những hoài nghi về độ an toàn của nước tái chế, thực chất, đến nay, vẫn chưa hoàn toàn dịu lại. Tại Mỹ và Canada, vẫn có một số nhóm dân cư chưa được cung cấp nguồn nước uống an toàn – đặc biệt là các cộng đồng thiểu số và người có thu nhập thấp. Đa phần nguồn nước tại những nơi này chứa hàm lượng chì cao hơn ngưỡng an toàn được quy định. Tháng 10 năm ngoái, kết quả xét nghiệm gần 300 mẫu nước từ giếng và một số nguồn nước tại California phát hiện hàm lượng các hóa chất PFAS có liên quan tới một số loại bệnh, bao gồm ung thư.
Dù vậy, cho đến hiện tại, nước uống tái chế vẫn buộc phải tuân theo những tiêu chuẩn quản lý, đánh giá và kiểm định nghiêm ngặt hơn hẳn nước sinh hoạt bình thường.
Cải thiện hình ảnh nước tái chế
Các chuyên gia đề xuất 3 biện pháp nhằm cải thiện hình ảnh của nước tái chế, bao gồm:
1. Tăng cường nghiên cứu
Nước thải chưa qua xử lý có thể chứa đến hàng trăm loại hóa chất và mầm bệnh khác nhau và nếu không được xử lý đúng cách sẽ thành nguồn bệnh, chẳng hạn như bệnh tả, thương hàn và gây vô số ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Đó là chưa tính tới các loại hóa chất và chủng vi khuẩn, vi rút mới hoặc chưa được phát hiện. Do đó, các cơ quan kiểm định và cơ sở nghiên cứu cần tăng cường nghiên cứu, định lượng và hạn chế các nguy cơ mới, bên cạnh việc liên tục đánh giá phí tổn và lợi ích tổng quát của nguồn nước tái chế với sức khỏe con người và môi trường.
Việc áp đặt các tiêu chuẩn an toàn cấp quốc gia, địa phương và cơ sở cho nguồn nước uống tại các quốc gia có mức thu nhập từ trung bình đến cao là không thể thiếu. Đến nay, các cơ sở cung cấp nước tại các đô thị sử dụng nước tái chế phần lớn đều đáp ứng được các tiêu chuẩn về kiểm soát mầm bệnh, hóa chất và tạp chất trên nhờ cơ chế xử lý đa tầng, kiểm soát theo thời gian thực và các chiến lược quản lý rủi ro đa dạng trong suốt quy trình xử lý và phân phối nước.
2. Làm đẹp hình ảnh trong mắt công chúng
Để đạt được điều này, các công ty cung cấp nước cần xây dựng các phương án lan tỏa thông tin, tư vấn, giáo dục và tương tác cộng đồng. Chiều lòng công chúng hiển nhiên không phải là phương tiện để các dự án tái chế được thực hiện suôn sẻ, song vẫn là bước đệm quan trọng để các dự án có thể lắng nghe giải quyết được lo ngại từ phía người dân và đạt được mục tiêu ban đầu đề ra, kể cả khi bắt buộc phải thay đổi dự án.
Một ví dụ điển hình là dự án tái chế nước được đề xuất bởi thành phố San Diego, California nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nước từ sông Colorado. Những người ủng hộ ban đầu nhanh chóng quay lưng lại với dự án do nhiều nguyên nhân, bao gồm sự thiếu nhất quán trong cung cấp thông tin an toàn từ phía chuyên gia và sự thổi phồng của báo chí với những tít như “nước bồn cầu thành nước uống”, hay “đồ uống từ nước thải” và ý kiến cho rằng nguồn nước này chỉ dành cho cộng đồng dân cư thu nhập thấp. Kết quả, năm 1999, Hội đồng thành phố đã liệt nguồn nước tái chế vào danh mục “nước không uống được”.
Nhưng nhu cầu nước uống của San Diego là vẫn còn và không thể làm ngơ. Bởi vậy, năm 2004, công ty cấp nước công đã thực hiện các chiến dịch giáo dục và quan hệ công chúng với các phương thức tiếp cận đa dạng như khảo sát online và qua điện thoại, nghiên cứu trên các nhóm tập trung, tạo cơ hội trao đổi giữa người dân và các tổ chức tình nguyện địa phương và xây dựng website chuyên cung cấp thông tin.
Những nỗ lực trên đã thu về quả ngọt khi tỉ lệ đồng thuận của người dân tăng từ 26% lên 73% trong 8 năm từ 2004 đến 2012 và dự án tái chế nước được cấp phép vào năm 2013. Dự kiến đến năm 2023, nhà máy xử lý nước sẽ đạt công suất 114.000 m3 nước uống mỗi ngày và chiếm 1/3 nguồn cung nước cho thành phố vào 2035.
3. Nhắm vào các khu vực có nhu cầu lớn
Theo đó, các công ty cấp nước bắt tay vào thực hiện các dự án tái chế nước tại những nơi có nhu cầu lớn nhất, với cơ sở vững chắc về kiến thức, kỹ thuật, trình độ nhân viên và năng lực tài chính, cũng như tuân thủ hành lang quy định chất lượng nghiêm ngặt của địa phương.
Nếu chứng minh được độ an toàn và hiệu quả ở những khu vực đó, người dân các khu vực khác có thể sẽ cởi mở hơn với các dự án tương tự tại cộng đồng của chính họ.
Chìa khóa thành công
Chìa khóa thực hiện hiệu quả các chiến lược này bao gồm nỗ lực phối hợp không ngừng nghỉ từ tất cả các bên liên quan - từ hệ thống quản lý địa phương đến trung ương, cơ sở y tế, doanh nghiệp, các tổ chức cộng đồng và môi trường cho đến các phương tiện tôn giáo và truyền thông.
Ba ví dụ áp dụng thành công nhất về hệ thống nước tái chế chính là ba trung tâm kinh tế trọng điểm - Singapore, Windhoek (Namibia) và Quận Cam (California). Trên thực tế, nếu không có các dự án tái chế nước, chính các khu vực này cũng sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng kinh tế, xã hội nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, nước tái chế còn giúp cải thiện chất lượng nước tại các nguồn từ nhiên như ao, hồ, sông, suối, đập hay tầng nước ngầm nó đi qua nhờ chất lượng vượt hơn hẳn nước thải được xử lý theo quy trình thông thường.
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận
Tin khác
Gần 1.000 bài viết tham dự cuộc thi “Vượt lên số phận” lần thứ VII
Sắp diễn ra giải bóng đá "Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp"
Lan toả chương trình trồng cây "Đường xanh" đến cộng đồng
Đã có gần 18.000 người tham gia Chiến dịch "Triệu bước chân nhân ái"
Lễ trao giải Cây chổi vàng- Tôn vinh công nhân vệ sinh môi trường lần thứ 4- 2023
Tin cũ hơn