Vaccine Covid-19 sinh kháng thể khi thử nghiệm trên khỉ
TNNN - Kết quả phân tích các dấu hiệu lâm sàng, huyết học và sinh hóa cho thấy vaccine bất hoạt mới an toàn và hiệu quả với khỉ macaque.
Nhóm nhà khoa học từ một số viện và phòng thử nghiệm liên kết với Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc và các cơ quan y tế công bố kết quả thử nghiệm PiCoVacc, loại vaccine bất hoạt mới, trên khỉ macaque. Nghiên cứu xuất bản trên bioRxiv, kho dữ liệu mở về sinh học do Phòng thử nghiệm Cold Spring Harbor vận hành, hôm 19/4.
PiCoVacc thúc đẩy cơ thể khỉ sinh kháng thể vô hiệu hóa nCoV, nhóm nghiên cứu cho biết. Những kháng thể này vô hiệu hóa 10 mẫu nCoV trong thử nghiệm, cho thấy tiềm năng vô hiệu hóa các mẫu nCoV khác trên thế giới. Sự miễn dịch với hai liều vaccine, 3 μg và 6 μg, lần lượt mang lại khả năng phòng vệ một phần hoặc toàn bộ cho khỉ macaque trước nCoV.
Qua phân tích các dấu hiệu lâm sàng, huyết học và sinh hóa ở khỉ macaque, nhóm nghiên cứu kết luận, vaccine an toàn và không gây ra tình trạng tăng cường lây nhiễm do kháng thể. Ngoài ra, vaccine mới cũng cho kết quả khả quan khi thử nghiệm trên chuột. Nhóm nghiên cứu cho rằng còn quá sớm nếu muốn xác định loài vật tốt nhất để nghiên cứu Covid-19, nhưng kết quả thử nghiệm cũng sẽ góp phần đẩy nhanh việc phát triển vaccine cho người.
Theo Yang Zhanqiu, nhà virus học tại Đại học Vũ Hán nhận xét: "Khỉ macaque gần gũi với con người về hệ gene nên nghiên cứu mới mang tính hứa hẹn. Vaccine bất hoạt có điểm mạnh là kỹ thuật tiên tiến, quá trình sản xuất kỹ lưỡng, tiêu chuẩn chất lượng trong tầm kiểm soát và tác dụng phòng vệ tốt. Đây là cách hiệu quả để phát triển vaccine cho một căn bệnh mới".
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine bất hoạt được tạo ra từ virus hoặc vi sinh vật khác đã bị giết chết qua quá trình xử lý vật lý hoặc hóa học, nghĩa là kháng nguyên vaccine không thể phát triển hay gây bệnh trong cơ thể người.
Nguồn: VnEpress
Ảnh trong bài: Internet