Theo dòng sự kiện

Vaccine COVID có khả năng chống lây truyền virus rất cao

30/07/2021, 14:01

TNNN - Các nghiên cứu mới cho thấy, ngoài tác dụng ngừa bệnh, vaccine COVID-19 còn làm giảm đến 80% nguy cơ truyền SARS-CoV-2 cho người khác nếu người tiêm vaccine bị nhiễm virus, nhưng kết quả này không áp dụng cho biến thể Delta.

Mới đây, hai nghiên cứu được xuất bản dưới dạng bản thảo (preprint) vào ngày 16/7, cho thấy hai liều vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech không chỉ có hiệu quả ngừa bệnh mà nếu những người đã tiêm vaccine nhiễm bệnh thì nguy cơ họ truyền virus sang người khác cũng thấp hơn rất nhiều so với những bệnh nhân không được tiêm phòng.
 
 
Tiêm chủng tại Trung tâm Y tế Sheba gần Tel Aviv, Israel.
 
Nghiên cứu đầu tiên, do các nhà nghiên cứu ở Israel và Pháp thực hiện, xem xét sự lây truyền ở 210 hộ gia đình có người nhiễm bệnh làm việc tại Trung tâm Y tế Sheba - bệnh viện lớn nhất của Israel. Dữ liệu ghi nhận từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021 - thời điểm biến thể Alpha lây lan nhanh tại Israel, đồng thời là lúc Israel đang thực hiện một đợt tiêm chủng lớn.
 
Nghiên cứu thứ hai, thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Israel và Mỹ, dựa trên phân tích dữ liệu từ khoảng 66.000 hộ gia đình có ít nhất một thành viên bị nhiễm bệnh, được thu thập bởi Maccabi Healthcare Services - nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn có trụ sở tại Tel Aviv, từ tháng 6/2020 đến tháng 3/2021.
 
Cả hai nghiên cứu đều phát hiện, hai liều vaccine Pfizer – BioNTech có hiệu quả ngừa bệnh 81% và nếu người đã tiêm bị nhiễm bệnh thì khả năng truyền bệnh cho các thành viên trong gia đình cũng thấp hơn rất nhiều so với những người chưa được tiêm phòng. Cụ thể, nghiên cứu đầu tiên cho thấy nguy cơ truyền bệnh giảm 78% và nghiên cứu thứ hai cho thấy nguy cơ giảm 41%. Kết quả chênh lệch có thể do các nghiên cứu phải đưa ra ước tính dựa trên một nhóm quá ít người đáp ứng đủ các tiêu chí: đã tiêm chủng, vẫn nhiễm bệnh và sau đó lây cho người khác.
 
Các nghiên cứu mới “giúp chúng ta hiểu tại sao các ca bệnh lại giảm ở hầu hết các quần thể có tỷ lệ tiêm chủng cao trước khi xuất hiện biến thể Delta”, Marm Kilpatrick, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại trường Đại học California, Santa Cruz, nói. Kilpatrick cũng cho biết các nghiên cứu giúp đưa ra các ước tính chính xác hơn về sự lây truyền của virus trong các cộng đồng đã tiêm vaccine - trước đây, thông tin này thường chỉ là suy luận.
 
Đây là các nghiên cứu về sự lây truyền trong các hộ gia đình, điều đó có nghĩa là khả năng ngăn ngừa lây nhiễm của vaccine có thể cao hơn trong môi trường công cộng, nơi người dân tiếp xúc với liều lượng virus nhỏ hơn, Kilpatrick lưu ý.
 
Các kết quả mới cũng nhất quán với các nghiên cứu được thực hiện ở những nơi khác. Một phân tích dựa trên 365.000 hộ gia đình tại Vương quốc Anh, được công bố vào ngày 23/6, ước tính những cá nhân bị nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ lây bệnh cho người khác thấp hơn 40–50% nếu họ đã tiêm ít nhất một liều Pfizer – BioNTech hoặc AstraZeneca ít nhất ba tuần trước đó.
 
Một nghiên cứu từ Phần Lan, được đăng dưới dạng bản thảo vào ngày 10/7, cho thấy vợ/chồng của nhân viên chăm sóc sức khỏe bị nhiễm COVID nhưng đã được tiêm một liều vaccine Pfizer – BioNTech hoặc do Moderna sản xuất, có nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn 43% so với vợ/chồng của nhân viên y tế không được tiêm chủng.

Nhưng không thể áp kết quả nghiên cứu đối với biến thể Alpha và các biến thể khác cho biến thể Delta - theo Steven Riley, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Imperial College London.

Cho đến nay, không có dữ liệu về tác động của vaccine đến nguy cơ lây truyền biến thể Delta. Nhưng theo một nghiên cứu của Vương quốc Anh được công bố vào ngày 21/7, vaccine Pfizer – BioNTech và Oxford – AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ thấp hơn đối với biến thể Delta. Điều này cũng có thể đồng nghĩa với việc vaccine có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm kém hơn đối với biến thể này, nhưng vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn, Natalie Dean, nhà thống kê sinh học tại trường Đại học Emory tại Atlanta, Georgia, nói.
 
Dữ liệu sơ bộ chưa được công bố từ Bộ Y tế của Israel cho thấy số ca nhiễm đã tăng mạnh ở nước này sau khi xuất hiện biến thể Delta, mặc dù hơn 60% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Các nhà nghiên cứu cho rằng dữ liệu này gợi ý về những gì có thể xảy ra ở những nơi khác.
 
Một nghiên cứu từ Trung Quốc, được đăng dưới dạng bản vào ngày 12/7, phát hiện nồng độ phần tử virus - đại diện cho khả năng lây nhiễm - ở những người nhiễm biến thể Delta cao hơn khoảng 1.000 lần ở những người nhiễm chủng SARS-CoV-2 ban đầu.
 
Vì biến thể Delta có khả năng lây nhiễm mạnh, tỷ lệ tiêm chủng trong dân số cần đạt được để kiểm soát đại dịch sẽ phải cao hơn so với tỷ lệ cần đạt được để phòng chống các biến thể trước đây.
 
Nguồn: Khoa học & Phát triển

 
Bình luận