Theo dòng sự kiện

Vaccine sốt rét cho kết quả thử nghiệm hứa hẹn

03/05/2021, 10:45

TNNN - Kết quả sơ bộ cho thấy vaccine R21 chống sốt rét có hiệu quả 77% ở trẻ nhỏ, nhưng vẫn cần chờ kết quả từ các thử nghiệm lớn hơn.

Trong một thử nghiệm trên 450 trẻ em từ 5-17 tháng tuổi ở Nanoro, Burkina Faso, vaccine sốt rét có tên R21 cho thấy hiệu quả ngăn ngừa bệnh sốt rét lên đến 77% trong suốt một năm. Nếu mức hiệu quả này được xác nhận thì nó vượt qua mục tiêu 75% do Tổ chức Y tế Thế giới đề ra với các loại  vaccine.
 
R21 được sửa đổi từ vaccine có tên Mosquirix (còn gọi là vaccine RTS,S). Mosquirix đã được triển khai trong một nghiên cứu trên hàng trăm nghìn trẻ em ở Malawi, Kenya và Ghana có hiệu quả ngăn ngừa bệnh khoảng 56% trong một năm và 36% trong bốn năm.
 
Vaccine chỉnh sửa được thiết kế để vừa mạnh hơn, vừa dễ sản xuất hơn so với Mosquirix - theo Kwadwo Koram, nhà dịch tễ học tại trường Đại học Ghana, Accra. Nhưng vẫn còn phải xem liệu kết quả sơ bộ có được giữ vững trong thử nghiệm lớn hơn với 4.800 trẻ em, dự kiến ​​bắt đầu vào tuần tới. Koram nói: “Nếu hiệu quả vẫn là 75% thì rất đáng mừng".
 
Halidou Tinto, tác giả chính của nghiên cứu R21 và là nhà ký sinh học tại Viện Nghiên cứu Khoa học Y tế, Nanoro, cho biết, nhóm nghiên cứu đã làm việc với Viện Huyết thanh của Ấn Độ và một nhà máy sản xuất vaccine ở Pune đã cam kết sản xuất ít nhất 200 triệu liều vaccine mỗi năm nếu R21 được cấp phép lưu hành.
 
 
Thử nghiệm Mosquirix tại Phòng khám đa khoa Ewin ở Cape Coast, Ghana
 
Tiến độ chậm
 
Các nhà nghiên cứu chỉ mất chưa đầy một năm để phát triển một loạt vaccine phòng, chống Covid-19, nhưng đã nửa thế kỷ trôi qua vẫn chưa có vaccine chống lại bệnh sốt rét nào đáp ứng được mục tiêu về hiệu quả của Tổ chức Y tế Thế giới. Một lý do là ít ai muốn đầu tư vào việc ngăn chặn căn bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ngoài ra, bản thân ký sinh trùng sốt rét (Plasmodium spp.) có vòng đời phức tạp và khả năng đột biến tạo ra các chủng mới.
 
Trong khi đó, mỗi năm sốt rét vẫn lấy đi sinh mạng của khoảng 400.000 người, hầu hết là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi.
 
R21 và Mosquirix đều tạo ra phản ứng miễn dịch nhắm mục tiêu vào ký sinh trùng sốt rét trong giai đoạn bào tử trùng trong vòng đời của nó - giai đoạn mà ký sinh xâm nhập vào cơ thể người từ vật chủ là muỗi. Hai loại vaccine trên bao gồm một loại protein do ký sinh trùng tiết ra ở giai đoạn đó; sau khi tiêm, protein này sẽ kích thích cơ thể xây dựng phản ứng kháng thể để chống lại khi bị bào tử trùng thật xâm nhập. R21 có nồng độ protein này cao hơn so với Mosquirix.
 
Cả R21 và Moxquirix đều sử dụng thêm một hóa chất gọi là chất bổ trợ, giúp tăng cường phản ứng miễn dịch đối với việc tiêm chủng. Nhưng chất bổ trợ được sử dụng trong R21 dễ sản xuất hơn so với chất bổ trợ được sử dụng với Mosquirix, do đó việc sản xuất R21 có thể sẽ rẻ hơn.
 
Một kết quả hứa hẹn ở thời điểm hiện tại
 
Các nhà nghiên cứu R21 cũng cần tìm hiểu thêm tác dụng của vaccine kéo dài bao lâu. Thử nghiệm vừa rồi của R21 kéo dài 1 năm, nhưng thực tế Burkina Faso chỉ bị sốt rét hoành hành trong khoảng 6 tháng trong năm, theo Stephen Hoffman, giám đốc điều hành của Sanaria, một công ty phát triển vaccine sốt rét ở Rockville, Maryland, phân tích. Trong nửa năm còn lại của nghiên cứu, chỉ có một trường hợp mắc bệnh sốt rét trong nhóm đối chứng không được tiêm vaccine, Hoffman lưu ý, do đó chưa thể đánh giá liệu hiệu quả bảo vệ thực tế của vaccine có kéo dài 1 năm hay không.
 
Tinto cho biết, nhóm nghiên cứu R21 sẽ tiếp tục tiêm nhắc lại và theo dõi 450 người tham gia trong ít nhất 1 năm nữa. Ông nói: "Thử nghiệm lớn hơn tiếp theo sẽ bao gồm các quốc gia bị bệnh sốt rét đe dọa quanh năm".
 
Sau Mosquirix, R21 là vaccine ứng cử viên tiến gần nhất đến việc triển khai rộng rãi, nhưng các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới vẫn đang tìm cách cải tiến cả hai loại vaccine này. Mục tiêu là tạo ra một loại vaccine sốt rét bao gồm nhiều protein ở các giai đoạn khác nhau trong vòng đời của ký sinh trùng. Stefan Kappe, người nghiên cứu miễn dịch và sinh học ký sinh trùng sốt rét tại Viện Nghiên cứu Trẻ em Seattle, Washington, cho biết: “Tôi nghĩ R21 hiện đã đạt mức trần đối với vaccine sử dụng 1 protein. Kể từ đây trở đi, chúng ta cần xây dựng vaccine với các thành phần bổ sung mới".
 
Kappe đang hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Sanaria để tìm cách đưa toàn bộ một phiên bản của ký sinh trùng sốt rét đã vô hiệu hóa vào người, thay vì chỉ dùng các protein riêng lẻ. Họ kỳ vọng, phương pháp này sẽ mang lại phản ứng miễn dịch rộng hơn, có tác dụng với ký sinh trùng ở bất kỳ gia đoạn nào, lâu bền hơn.
 
Trong khi đó Koram đánh giá kết quả hiện tại của R21 là rất đáng khích lệ. Ông nói: "Khi kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác, chẳng hạn như kiểm soát muỗi hiệu quả, ngay cả một loại vaccine có hiệu lực dưới 75% cũng có thể giúp giảm số ca tử vong. Với một căn bệnh như sốt rét, “mỗi tiến bộ nhỏ đều tốt”.
 
Kết quả nghiên cứu của nhóm Tinto đã được đăng tải trong một bản thảo chưa qua bình duyệt trên máy chủ SSRN vào ngày 20/4 vừa qua.
 
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận