Theo dòng sự kiện

Vi rút corona có thể mạnh gấp 1.000 lần khi ở trong cơ thể người

28/02/2020, 10:31

TNNN - Vi rút corona chủng mới (Covid-19) có đột biến giống HIV và có khả năng mạnh lên tới 1.000 lần (so với SARS) khi trong cơ thể người.

Theo thông tin trên tờ South China Morning Post, Giáo sư Ruan Jishou và nhóm cộng sự của ông tại Đại học Nam Khai ở Thiên Tân (Trung Quốc) vừa có phát hiện mới về việc vi rút corona chủng mới (Covid-19) có đột biến giống HIV (vi rút có khả năng liên kết với các tế bào trong cơ thể người) và có thể mạnh tới 1.000 lần so với vi rút SARS.

Phát hiện mới không chỉ giúp giải thích về sự lây lan mà còn cả nguồn gốc và cách thức tốt nhất để ngăn chặn dịch do vi rút corona chủng mới gây ra.

Các nhà khoa học cho biết, loại vi rút corona đã từng gây ra SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) xâm nhập vào cơ thể người bằng cách bám vào một protein thụ thể gọi là ACE2 trên màng tế bào. Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy Covid-19 chia sẻ khoảng 80% cấu trúc gen của vi rút gây SARS và cũng có thể đi theo một con đường tương tự.

Tuy nhiên, protein ACE2 không tồn tại với số lượng lớn ở những người khỏe mạnh và điều này phần nào giúp hạn chế quy mô bùng phát dịch SARS trong giai đoạn 2002-2003, với khoảng 8 nghìn người trên thế giới mắc bệnh.

Còn các loại vi rút rất dễ lây lan khác, bao gồm cả HIV và Ebola đều nhắm đến một loại enzyme có tên là furin, hoạt động như một chất kích hoạt protein trong cơ thể người.

Đặc biệt, khi xem xét trình tự bộ gen của vi rút corona, giáo sư Ruan Jishou và nhóm cộng sự đã tìm thấy một phần các gen đột biến không tồn tại ở vi rút corona từng gây ra dịch SARS. Nhưng những gen này lại được tìm thấy ở các vi rút như HIV và Ebola.


Vi rút
corona có khả năng đột biến cao, mạnh gấp 1.000 lần vi rút gây SARS. Ảnh minh họa

"Phát hiện này cho thấy Covid-19 có thể khác biệt đáng kể so với vi rút corona gây SARS trong con đường lây nhiễm. Sự đột biến về gen kể trên không thể tìm thấy ở các vi rút gây SARS (hoặc Bat-CoVRaTG13), một loại vi rút corona ở dơi được coi là nguồn gốc của Covid-19 với 96% tương tự về gen. Đây có thể là lý do giải thích cho việc tại sao Covid-19 dễ lây nhiễm hơn các vi rút corona khác”,  GS. Li Hua từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Hồ Bắc, Trung Quốc) cho hay.

Trước đó, cũng trong nỗ lực nghiên cứu về cách 'khắc chế' vi rút corona, Tiến sĩ Chia-Yi Hou, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ cho biết, một số nhà khoa học đã xác định được vật liệu di truyền của vi rút corona chủng mới (Covid-19) là axit ribonucleic (RNA). RNA tồn tại trong một chuỗi, không giống như DNA là chuỗi kép. Chỉ có một chuỗi duy nhất giúp RNA dễ dàng tách và phối lại vì chỉ cần một kết nối bị phá vỡ.

Điều này đồng nghĩa vi rút corona có thể đột biến nhanh chóng, khiến cho bất kỳ loại thuốc hoặc vaccine nào ra đời sẽ sớm bị lỗi thời.

Còn theo Giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) Richard Hatchett, chiến dịch phát triển vắc xin phòng ngừa vi rút corona mà CEPI đầu tư đang gặp một thách thức mà ông gọi là “vấn đề khó bậc nhất mà tôi từng đối mặt trong cuộc đời”.

Ông lý giải: “Có quá nhiều thứ chúng ta không biết về vi rút này. Bản chất dịch tễ học, các mẫu hình lan truyền, số người thực sự bị lây nhiễm? Số người bị nhiễm có thể không phải được xác định về phương diện địa lý, mà phải được xác định bằng số lượng người thực, bằng cách xác định theo nhóm tuổi và nhóm có nguy cơ bị lây nhiễm. Để khi vắc xin sẵn sàng, mỗi quốc gia có thể cung cấp ngay cho những người thuộc nhóm ở nguy cơ rủi ro cao nhất”.

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/vi-sao-virus-corona-manh-len-toi-1000-lan-khi-o-trong-co-the-nguoi-d170179.html

Bình luận