Theo dòng sự kiện

Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu vắc xin Covivac năm 2022

15/03/2021, 15:10

TNNN - Sáng nay (15/3), Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Covivac trên 6 tình nguyện đầu tiên

Sáng nay (15/3), trường Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Covivac trên 6 tình nguyện đầu tiên.

Giai đoạn 1 sẽ thử nghiệm từ 15/3 đến 20/4 trên 120 tình nguyện viên độ tuổi 18-59, chia thành 5 nhóm, trong đó có 1 nhóm tiêm giả dược.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Covivac là vắc xin thứ 2 của Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng sau Nanocovax, hiện đã sang giai đoạn 2. Sắp tới, Việt Nam sẽ có thêm vắc xin của công ty Vabiotech thử nghiệm giai đoạn 1.

 

Nữ tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc xin Covivac. Ảnh: Hoàng Bùi Hải

Với vắc xin Covivac, Thứ trưởng cho biết, Bộ Y tế đánh giá rất cao sự chuẩn bị, nỗ lực của các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học đến từ Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) đã làm ngày làm đêm để chế tạo ra vắc xin trong thời gian rất ngắn.

Ngoài ra, Cục Khoa học công nghệ, Bộ Y tế, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Đạo đức trong lĩnh vực y sinh học đã làm việc khoa học, công tâm, rút ngắn tối đa thời gian để sớm thông qua đề cương nghiên cứu.

Ông Thuấn nói: “Chúng tôi đặc biệt trân trọng cảm ơn những người tình nguyện đã có nghĩa cử cao đẹp, vì sức khỏe cộng đồng để chúng ta có đủ người tham gia nghiên cứu”.

Tình nguyện viên thứ 3 tiêm vắc xin COVIVAC

Trong thử nghiệm giai đoạn 1 vắc xin Covivac, ông Thuấn cho biết, Việt Nam luôn tôn trọng tối đa nguyên tắc khoa học, chặt chẽ và an toàn.

Cục Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế được giao theo dõi, giám sát, đánh giá toàn bộ quá trình nghiên cứu thử nghiệm, tạo điều kiện tối đa để ngay khi có đánh giá hiệu quả pha 1, sẽ chuyển sang giai đoạn 2.

Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh: “Đây là vắc xin chúng tôi rất kỳ vọng, có niềm tin sẽ thành công bởi vắc xin này được ra đời từ sự tận tâm, tận lực của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Vắc xin này cũng đã trải qua quá trình nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng tại Việt Nam, Ấn Độ, Mỹ, bước đầu cho thấy vắc xin không chỉ có hiệu quả với những chủng thông thường mà cả chủng đột biến Anh, Nam Phi”.

Ông Thuấn cho biết, nếu Covivac thành công, cùng với Nanocovax và Vabiotech sẽ giúp Việt Nam chủ động được nguồn vắc xin Covid-19 trong nước.

Ông Thuấn tin tưởng: “Chúng tôi kỳ vọng cuối năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có vắc xin, thậm chí có thể thành công trong xuất khẩu”.

 

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn

Bộ Y tế cho biết, IVAC đã mua bảo hiểm cho toàn bộ đối tượng tham gia nghiên cứu với tổng giá trị 40 tỷ đồng. Đây là quy định bắt buộc không chỉ tại Việt Nam mà tại tất cả các nước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin công nghệ sản xuất của Covivac tương đồng công nghệ vắc xin của AstraZeneca, ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC cho biết, cả hai vắc xin đều sử dụng công nghệ vector tuy nhiên giá thể khác nhau. Trong đó, AstraZeneca dùng Adenovirus tái tổ hợp và còn của Covivac dùng NewCastle virus trên phôi trứng gà.

IVAC đã làm chủ công nghệ này trên dây chuyền sản xuất cúm mùa nhiều năm nay. Còn của AstraZeneca sản xuất theo công nghệ nuôi cấy tế bào.

Vắc xin Covivac được nghiên cứu phát triển từ tháng 5/2020 với mục tiêu sau 18 tháng sản xuất được vắc xin hoàn thiện đạt điều kiện quốc tế với giá thành thấp.

Đây là vắc xin dạng dung dịch, không có chất bảo quản với 3 nhóm liều 1mcg, 3mcg và 10mcg gồm 2 loại có tá chất và không có.

Hiện công suất của IVAC đạt 6 triệu liều/năm nhưng đến tháng 9 có thể nâng cấp lên quy mô 30 triệu liều/năm. Giá dự kiến của vắc xin Covivac khoảng 60.000 đồng/mũi.

Nguồn: Khoa học & Đời sống

 

 

Bình luận