Theo dòng sự kiện

Xây dựng thành công quy trình nuôi trồng loài nấm dược liệu quý nhộng trùng thảo

14/04/2020, 22:57

TNNN - Nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) là một loài nấm dược liệu quý. Tuy nhiên nhộng trùng thảo tự nhiên có sản lượng thấp và giá thành cao. Do đó, loại nấm này hiện đang được nghiên cứu nuôi trồng in vitro để tạo ra nguồn cung cấp dược liệu dồi dào và ổn định cho việc sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị bệnh, thực phẩm chức năng.

Áp dụng các kết quả nghiên cứu trước đó về môi trường nuôi cấy tạo quả thể nấm nhộng trùng thảo và thử nghiệm sản xuất stroma nhộng trùng thảo, đồng thời được sự sự hỗ trợ kinh phí của Sở KH&CN TPHCM, nhóm các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao (AHRD) thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM, đã xây dựng thành công quy trình nuôi trồng nhộng trùng thảo từ khâu chuẩn bị giống thạch đến khâu nuôi trồng tạo thành phẩm, có hoạt chất cao.
 
Quy trình nuôi trồng nấm nhộng trùng thảo   Ảnh: AHRD
Quy trình nuôi trồng nấm nhộng trùng thảo. Ảnh: AHRD
 
Để thực hiện mô hình, AHRD chọn giống nấm là chủng Cordyceps militaris thuộc bộ sưu tập giống vi sinh vật của mình. Nguyên vật liệu gồm có gạo lức, nhộng tằm, cao nấm men, glucose, vitamin, khoáng đa vi lượng, dịch chiết khoai tây, nước dừa,... Gạo lức được sử dụng là loại gạo lức đỏ, hạt dài. Nhộng tằm tươi, khoai tây Đà Lạt, được thu mua từ hộ nông dân tại tỉnh Lâm Đồng, không chất bảo quản. Nước dừa là loại dừa xiêm xanh,...
 
Phòng nuôi được lắp đặt hệ thống tạo ẩm tự động, hệ thống đèn led có thể điều chỉnh thời gian và cường độ chiếu sáng.
 
Đối với nuôi trồng nhộng trùng thảo, hệ thống đèn led được cài đặt chế độ chiếu sáng 300 – 800 lux, thời gian chiếu sáng 12 giờ liên tục. Tùy thuộc vào diện tích phòng nuôi để lắp đặt máy lạnh sao cho nhiệt độ trong phòng dao động trong khoảng từ 19 – 21°C.
 
Mô hình nuôi nấm nhộng trùng thảo trong phòng
Phòng nuôi nấmtrong nhà lạnh. Ảnh: AHRD
 
Nấm được nuôi với quy trình khép kín trong nhà lạnh với thiết bị kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ, không phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, có thể nuôi trồng quanh năm, chủ động được mùa vụ.
 
Toàn bộ quá trình nuôi trồng được kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào: giống, cơ chất, dinh dưỡng... Hệ thống điều khiển về nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng được cài đặt tự động, giúp tối ưu điều kiện nuôi cấy, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định.
 
Nấm nhộng trùng thảo tươi sau khi thu hoạch
Nấm nhộng trùng thảo tươi sau khi thu hoạch. Ảnh: AHRD
 
Bà Vương Thị Hồng Loan (AHRD) cho biết, kết quả thu được cho thấy hàm lượng các hoạt chất như cordycepin, adenosine, polysaccharide, ergosterol có trong nấm là tương đối cao, gấp 1,5 – 2 lần so với một số sản phẩm cùng loại có trên thị trường. Một số dược chất trong nấm nhộng trùng thảo có khả năng điều hòa miễn dịch, chống oxy hóa, chống viêm, diệt khuẩn, hạ đường huyết, chống lão hóa, bảo vệ thần kinh, thận,...
 
Theo bà Loan, nếu trồng 6.000 hũ phôi nấm/vụ 3 tháng, cho ra 8 – 10kg nấm khô. Sản phẩm sau thu hoạch có độ đồng đều cao, đạt yêu cầu của thị trường tiêu thụ, hàm lượng dược chất cordycepin đạt từ 4 - 5 mg/g trọng lượng khô. Nếu đầu tư (giống, nguyên vật liệu, công lao động, thiết bị,…) cho một mô hình 6.000 hũ nấm/vụ hết khoảng hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận thu về trên 100 triệu đồng/vụ/3 tháng.
 
Mô hình đã được AHRD hoàn thiện cơ sở vật chất, quy trình sản xuất và đào tạo kỹ thuật cho nhân công tại hộ gia đình ông Nguyễn Tấn Trương, tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP HCM, với công suất 6.000 bình/vụ/3 tháng.
 
Hiện nay, AHRD đã sẵn sàng nhân rộng và chuyển giao mô hình cho các tỉnh/thành trong cả nước, tạo ra hướng sản xuất mới tăng thu nhập cho người nông dân.
                                                                  Kiều Anh
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Ảnh bìa: Internet
 
Bình luận