Theo dòng sự kiện

Gộp nhóm xét nghiệm Covid-19: Khi nào nên áp dụng

13/08/2020, 11:52

TNNN - Phương pháp gộp nhóm xét nghiệm Covid-19 là sử dụng mẫu xét nghiệm của 3-5 người đưa vào cùng một ống để xét nghiệm. Nếu có kết quả dương tính với SASR-CoV-2 sẽ xét nghiệm lại từng mẫu một nhằm xác định đúng đối tượng.

Theo nhandan.com.vn, từ ngày 5/8, các phòng xét nghiệm ở TP Đà Nẵng bắt đầu trộn các mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm rRT-PCR nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2, nhờ đó tăng tốc độ xét nghiệm cho nhân dân trong thành phố nhiều lần.
 
Đà Nẵng chuẩn bị cho việc xét nghiệm gộp COVID-19 | Nguồn: Báo Đà Nẵng
 
Phương pháp này được áp dụng đối với một số khu vực cộng đồng dân cư có số lượng mẫu xét nghiệm lớn. Cụ thể, các nhân viên lấy mẫu sẽ lấy dịch ở hầu họng của 3-5 người trong một gia đình, cho vào cùng một ống nghiệm và phân tích bằng phương pháp rRT-PCR. Nếu mẫu gộp phát hiện là dương tính với Covid-19 thì sẽ làm tiếp xét nghiệm đợt 2 để tìm ra cá thể dương tính.
 
Việc gộp mẫu xét nghiệm tiết kiệm thời gian hơn so với xét nghiệm từng mẫu thông thường. Trong đợt dịch Covid-19, một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức đã áp dụng cách làm này để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm lên mức xét nghiệm được cả trăm ngàn người mỗi ngày.
 
GS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cho biết: "Vì rRT-PCR là một kỹ thuật khuếch đại gien [để tìm virus] nên có thể trộn mẫu mà không sợ bị sai lệch kết quả".
 
Theo các chuyên gia, thời gian xét nghiệm bằng rRT-PCR có thể rơi vào khoảng 2-6 tiếng, tuy nhiên độ chính xác sẽ cao hơn nhiều so với những test xét nghiệm nhanh hiện nay cho kết quả từ 10-12 phút dùng phương pháp tìm kiếm kháng thể trong cơ thể.
 
Việc test kháng thể có thể gây ra các trường hợp âm tính giả do có khả năng sau 7 - 15 ngày cơ thể người nhiễm SARS-CoV-2 mới sinh ra kháng thể để chống lại virus.
 
Ngày 5/8, TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: " với phương pháp gộp nhóm xét nghiệm Covid-19, ngành y tế trong nước đã có thử nghiệm và cho thấy kết quả của việc gộp mẫu xét nghiệm và xét nghiệm đơn lẻ hầu như không có sự khác biệt, chỉ khác về vấn đề thời gian".
 
Với tình huống ở Đà Nẵng, TS Mai cho rằng việc triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng là "xu thế chung", tuy nhiên chiến lược gộp xét nghiệm sẽ phải tùy đối tượng để áp dụng. Theo bà, nhóm đối tượng ở cộng đồng dân cư, thôn xóm đang bị phong tỏa vì có trường hợp dương tính với Covid-19 thì có thể áp dụng phương pháp này. Với những trường hợp bệnh nhân nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 cần thiết phải cách ly thì không nên áp dụng và phải làm xét nghiệm từng mẫu riêng lẻ.
 
Bà cũng cho biết, năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng đã tăng lên trong thời gian qua để đáp ứng nhu cầu. Chỉ riêng Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã có công suất xét nghiệm lên đến 5.000 mẫu/ngày so với 500 mẫu/ngày như trước kia.
 
Nguồn: Khoa học &  Phát triển
Bình luận