Theo dòng sự kiện

Ứng dụng khoa học công nghệ: liều vắc xin chống Covid-19

19/04/2020, 17:09

TNNN - Khoa học công nghệ với sự phát triển vượt bậc đang được xem là vũ khí, 'liều vắc xin’ chống Covid-19.

"Đại dịch" dùng để chỉ một bệnh dịch tễ do nhiễm khuẩn, xảy ra trên quy mô dân cư lớn và có tốc độ lây lan nhanh. Theo đó, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, lịch sử loài người từng ghi nhận nhiều đại dịch lớn, hầu hết chúng đều tác động sâu sắc tới nền kinh tế, văn hóa và làm thay đổi văn minh thế giới.

Vào giữa thế kỉ XIV, đại dịch được gọi với tên "cái chết đen" xảy ra bắt nguồn từ khuẩn dịch hạch Yersinia pestis ký sinh trên loài chuột là một trong những đại dịch kinh hoàng nhất trong lịch sử. Dịch bệnh lan rộng khắp châu Âu cướp đi sinh mạng của khoảng 25 triệu người. Khoảng thế kỉ XV-XVII, bệnh đậu mùa do virus Variola gây ra khiến khoảng 20 triệu người thiệt mạng – chiếm gần 90% dân số ở châu Mỹ thời điểm đó.

Đến đầu thế kỷ XX, thế giới lại chống chọi với dịch cúm Tây Ban Nha, ca bệnh cúm đầu tiên được ghi nhận trên một đầu bếp ở Kansas tên là Albert Gitchel. Bệnh lây lan qua Pháp, Anh, Ý và toàn bộ Tây Ban Nha, gây ra sự ảnh hưởng nghiêm trọng với các hoạt động quân sự trong thế chiến thứ nhất. Ước tính hơn 50 triệu người trên toàn thế giới đã tử vong vì dịch cúm này.

Có thể nói, kiến thức y học nghèo nàn, thậm chí những biện pháp chữa trị mang tính chất phi thực tế là nguyên nhân quan trọng khiến dịch bệnh ập đến như một “cơn bão” không những cuốn đi nhiều sinh mạng mà còn là những cú “sốc” lớn đối với nền kinh tế thế giới.

Liều “vắc xin” chống Covid-19

Hiện nay, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ đã giúp người bệnh được chăm sóc, chữa trị hiệu quả, hạn chế thương vong.


Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các nhà nghiên cứu đã nhanh chóng phân lập, giải mã bộ gen và tìm hiểu cặn kẽ cấu trúc phân tử của virus SARS-CoV-2. Nguồn: Npr.org.

Trên thế giới, kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) khởi phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), các nền tảng quan trọng như xây dựng hệ thống nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, phân lập, giải mã bộ gen và tìm hiểu cặn kẽ cấu trúc phân tử của vi rút đã được các nhà khoa học thực hiện thành công, tạo tiền đề cho “cuộc đua” nghiên cứu và phát triển vắc xin, cũng như đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn.

Công nghệ hiện đại cũng giúp việc cách ly và kiểm soát dịch trở nên dễ dàng hơn nhiều so với hàng trăm năm về trước. Nếu như trong đại dịch "cái chết đen", việc các gia đình có người nhiễm bệnh không được ra khỏi nhà trong một tháng gần như là án tử thì ngày nay, thông qua mạng internet, người dân có thể làm việc, học tập ở nhà mà không gặp quá nhiều trở ngại. Mạng xã hội giúp mọi người luôn kết nối với cộng đồng và cập nhật thông tin nhanh chóng. Các hoạt động “không tiếp xúc” dựa trên hạ tầng công nghệ sẵn có trở nên sôi động hơn bao giờ hết.


Nhà nghiên cứu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm tra mẫu virus SARS-CoV-2 trên kính hiển vi điện tử (TEM). Nguồn: NIHE.

Tại Việt Nam, vai trò của khoa học công nghệ được thể hiện mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu chống dịch. Việc nghiên cứu sản xuất thành công bộ sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (bộ kít) do Học viện Quân y chủ trì thực hiện, đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới phát triển được bộ kít xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2.

Quá trình nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất theo quy trình hết sức nghiêm ngặt, bộ kít được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 13485, phòng thí nghiệm (Labo) thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8.

Bộ kít được kiểm định các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại tại Labo chuẩn thức. Kết quả cho thấy, các tiêu chí tương đương bộ sinh phẩm do US CDC và WHO sản xuất. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt hàng Việt Nam sản xuất bộ kít xét nghiệm SARS-CoV-2.

Cùng với đó, 2 ứng dụng khai báo y tế, gồm NCOVI dành cho người dân Việt Nam và Vietnam health declaration dành cho người nước ngoài nhập cảnh cũng nhanh chóng được đưa vào áp dụng, cung cấp thông tin và tương tác hai chiều giữa toàn thể người dân với cơ quan y tế.

“Đây là thời cơ của ngành công nghệ thông tin”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, đồng thời yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện, đưa vào sử dụng phần mềm giám sát và truy vết đối tượng lây nhiễm Covid-19 (ứng dụng Bluezone), không để xảy ra lỗi trong quá trình hoạt động.

Nỗ lực phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong chủ động phòng, chống dịch Covid-19 đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả cho các biện pháp giãn cách xã hội, nghiên cứu vắc xin... và sức mạnh công nghệ cần được khai thác triệt để nhằm củng cố tấm lá chắn giữa con người với dịch bệnh, đồng thời giúp chúng ta sẵn sàng đối phó với những thách thức mới đặt ra trong tương lai.

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vac-xin-chong-covid-19-d172842.html

Bình luận