Theo dòng sự kiện

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Không “xuê xoa” trong đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP

23/03/2021, 11:51

TNNN - “Xuê xoa” trong thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của các sản phẩm OCOP.

Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 diễn ra sáng 22/3, tại Hà Nội.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Vũ Hải 

Không “xuê xoa” trong thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định, tái cấu trúc nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của các cấp Ủy đảng, chính quyền trên cả nước.

Phó Thủ tướng cho biết, sau gần 10 năm triển khai đồng loạt trên cả nước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được kết quả hết sức quan trọng. Tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và được cả hệ thống chính trị và được mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng hưởng ứng, vào cuộc. Bộ mặt nông thôn đã ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục,… được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng mới khá đồng bộ. Kinh tế nông thôn trong đó có sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển mạnh, xuất hiện hàng vạn mô hình sản xuất, liên kết ứng dụng khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Hải

Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, đời sống chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đến tháng 3/2020, cả nước đã có 5,193 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, sức lan tỏa của phong trào này còn có sự hỗ trợ rất tích cực của Chương trình OCOP, một chương trình phát triển kinh tế ở nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế của sản vật, ngành nghề truyền thống của các địa phương, vùng miền trên cả nước, và chương trình OCOP đã góp phần phát triển kinh tế nông thôn ở nhiều khu vực, làm cơ sở để nâng cao đời sống vật chất cho người dân, và là cơ sở để phát triển hạ tầng ở nông thôn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, phải tập trung và đột phá chiến lược, tạo môi trường để huy động các nguồn lực tham gia vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Đây vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức vì hạ tầng không tốt, thể chế không tốt, nhân lực không tốt, thì chắc chắn chương trình OCOP không thực hiện được. Phải tạo môi trường cho người dân, doanh nghiệp phát triển thuận lợi.

Cùng với tập trung phát triển 6 nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm; đồ uống; đồ lưu niệm-trang trí-nội thất; thảo dược, mỹ phẩm, chế phẩm thảo mộc; du lịch và dịch vụ nông thôn,… Phó Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình triển khai chương trình, tuyệt đối không được “xuê xoa” làm theo phong trào, mà phải gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế, văn hóa, con người của mỗi địa phương, vùng miền; Tránh “xuê xoa” trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của các sản phẩm OCOP.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đại diện các bộ, ngành thăm quan các gian hàng OCOP. Ảnh: Vũ Hải

Gần 4.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 tại 59 tỉnh, thành phố đã có 4.469 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, vượt 1,86 lần so với mục tiêu đề ra.

Các địa phương đã tổ chức 66 hội chợ về sản phẩm OCOP (cấp tỉnh, huyện) với trên 10.000 gian hàng; 1.016 hợp đồng, bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ thể OCOP và đơn vị thương mại được ký kết; trong đó, 354 chủ thể có sản phẩm được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, nhất là Central Retail, Saigon Coop, Mega Market... và một số siêu thị địa phương.

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như: hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh; chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của thành phố Hà Nội; nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp;... Từ đó, góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.

Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy, có 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm; giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%.

Nhận xét về kết quả này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP có chất lượng rất tốt, mẫu mã các sản phẩm vùng núi không kém gì các sản phẩm tinh xảo của miền xuôi, thậm chí là quốc tế. Số lượng các sản phẩm được công nhận 3 sao trở lên đạt gần 4.500 cho thấy sự thành công của chương trình OCOP giai đoạn 1.

Tuy nhiên, vì là chương trình mới nên trong giai đoạn đầu triển khai OCOP, một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất; Một số địa phương mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống; Nhiều chủ thể chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của chương trình, đặc biệt là các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm, do đó còn nhầm lẫn giữa chất lượng sản phẩm với bao bì và nhãn mác.

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Thành Long, Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong quá trình thực hiện OCOP, các sản phẩm tại địa phương trải qua các khâu kiểm định, hoàn thiện sản phẩm, đánh giá lại và cấp chứng chỉ. Sau đó, trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường sẽ tiếp tục được kiểm tra, nếu sản phẩm không đảm bảo, kiên quyết loại ra khỏi chương trình. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã loại bỏ khoảng 60 sản phẩm khỏi OCOP vì không đảm bảo về sản xuất, chất lượng.


Một gian hàng OCOP tại triển lãm

Còn theo ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, đây là chương trình mới, cách làm mới, nên nên cách tiếp cận, nhận thức và sự hiểu biết của cán bộ các cấp cũng như người sản xuất còn hạn chế. Các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP có quy mô còn nhỏ, năng lực quản trị yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Là một chương trình mới, OCOP sẽ khó tránh khỏi việc nhiều chủ thể tham gia chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của Chương trình, cũng như còn nhầm lẫn giữa chất lượng sản phẩm với bao bì và nhãn mác. Điều này dễ khiến Chương trình OCOP triển khai như một hình thức thi đua, phong trào.

Ông Oánh kiến nghị, cần sớm ban hành Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có cơ sở ban hành Đề án thực hiện trong giai đoạn tới. Đồng thời, rà soát, đánh giá và hoàn thiện lại Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý thực hiện Chương trình, nhất là việc kiểm tra, hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng; chỉ đạo, hướng dẫn đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tại các địa phương, đảm bảo thực chất, tránh tính trạng chạy theo thành tích về số lượng sản phẩm đạt chuẩn.

Các bộ, ngành cũng cần bổ sung, hoàn thiện Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; trong đó, cần tăng điểm tiêu chí chất lượng sản phẩm; xây dựng phần mềm đánh giá phân hạng, lưu hồ sơ phân hạng... Bởi đây sẽ là yếu tố giúp cho chương trình tập trung cho phát triển sản phẩm theo chiều sâu, không chạy theo số lượng.


Các tập thể nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng. Ảnh: Vũ Hải


Dịp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tặng các tập thể, chủ thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Ảnh: Vũ Hải

Định hướng chương trình OCOP đến năm 2025

Phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Xây dựng chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch; từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường.

“Ngoài ra, phải chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; trong đó, ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vài trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vũ Hải

Bình luận