Theo dòng sự kiện

Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, chung sức xây dựng ngành chăn nuôi phát triển bền vững

21/12/2022, 16:06

TNNN - Đây là chủ đề Đại hội Đại biểu Hội Chăn nuôi Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra ngày 21/12/2022, tại Hà Nội.


Tại đại hội, các đại biểu đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao với các chủ trương, phương hướng hoạt động của Hội Chăn nuôi Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027. 

Dự đại hội có các ông/bà: Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi; Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Nguyễn Thị Tuyết Mai, Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ); lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ NN&PTNT; Lãnh đạo các Ban chuyên môn thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Lãnh đạo một số Sở NN&PTNT các địa phương; Lãnh đạo các Hội, Hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi cùng các đại biểu chính thức được Hội chăn nuôi Việt Nam triệu tập về đại hội.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam - TS. Nguyễn Xuân Dương, Hội Chăn nuôi Việt Nam có tổ chức lớn nhất trong các Hội của ngành chăn nuôi Việt Nam với 18.000 hội viên, thuộc 30 chi hội cấp tỉnh; 120 chi hội là các Viện, Trường, doanh nghiệp, Hiệp hội trực thuộc; trong đó có 23 Giáo sư, Phó giáo sư; 78 Tiến sĩ; 300 Thạc sĩ và hơn 2.400 kỹ sư, cử nhân.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng với các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết có hiệu lực, ngành chăn nuôi cũng gặp phải nhiều áp lực, ít có lợi thế, vì hầu hết các nước trong EVFTA và CPTPP đều là những cường quốc trong chăn nuôi.

Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ ngành chăn nuôi có thể chế pháp luật và chính sách phát triển đầy đủ như hiện nay: Luật Chăn nuôi, Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trong bối cảnh đại dịch covid-19 bùng phát, ngành chăn nuôi vẫn có tăng trưởng dương, cơ bản đảm bảo nhu cầu trong nước. Thu hút nhiều tập đoàn hoạt động lĩnh vực khác đầu tư vào chăn nuôi.


TS. Nguyễn Xuân Dương báo cáo tại đại hội.

Cũng trong nhiệm kỳ VI, chăn nuôi theo chuỗi liên kết cũng đã phát triển mạnh và trở thành xu thế chủ đạo trong chăn nuôi hàng hóa, phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, HTX, gắn kết người chăn nuôi trong các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm là phương thức sản xuất không chỉ giúp cho việc kiểm soát chất lượng, ATTP, giá cả hàng hóa, phân chia lợi nhuận của người sản xuất, kinh doanh mà còn giúp nhà nước trong việc điều tiết cung cầu thực phẩm ở tầm vĩ mô.

Cũng trong bối cảnh dịch bệnh covid-19, thói quen tiêu dùng của người dân cũng đã thay đổi mạnh, đòi hỏi các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết của ngành chăn nuôi phải có những đột phá để thích ứng.

Nhận định trong 5 năm tới ngành chăn nuôi còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khác do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thị trường tiêu thụ; Cạnh tranh của các loại hình kinh tế trong chăn nuôi, giữa sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu và sản phẩm chăn nuôi trong nước, khi ấy lợi thế sẽ nghiêng về phía các doanh nghiệp lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp chăn nuôi phải đầu tư vào công nghệ để tăng năng xuất, chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, đa dạng hóa ngành hàng.

"Nếu như chúng ta không có các giải pháp điều tiết kịp thời và hiệu quả, thì mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững khó trở thành hiện thực và lợi thế", TS. Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.


TSKH Phan Xuân Dũng phát biểu và chúc mừng đại hội.

Ghi nhận, biểu dương và chúc mừng kết quả đạt được của Hội Chăn nuôi nhiệm kỳ VI, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, Hội Chăn nuôi là hội thành viên của Liên hiệp Hội, nơi tập hợp, đoàn kết đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực chăn nuôi. Nhiệm kỳ VI Hội đã tập hợp được số lượng lớn các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao và nhiệt tình với công tác, các hoạt động đã đi vào nề nếp, ổn định, bám sát tôn chỉ mục đích của Hội và chính sách pháp luật của nhà nước, đóng góp vào thành quả của kinh tế đất nước. Hội đã gắn bó giữa doanh nghiệp với hộ gia đình, người chăn nuôi, trở thành cầu nối giữa khoa học công nghệ với doanh nghiệp và người chăn nuôi, giải quyết những khó khăn vướng mắc và tạo mối quan hệ bền vững,… tạo nên sức mạnh, uy tín và thương hiệu của Hội.

Sau hơn 4 tiếng tập trung làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội Đại biểu Hội Chăn nuôi Việt Nam, lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027 đã kết thúc tốt đẹp, bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 75 Ủy viên; Ban Thường vụ gồm 27 Ủy viên. TS. Nguyễn Xuân Dương được các đại biểu tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2022-2027; PGS.TS Nguyễn Đăng Vang được bầu làm Chủ tịch danh dự. Đại hội cũng đã bầu ra 03 Phó chủ tịch phụ trách khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Tán thành với phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của Hội Chăn nuôi Việt Nam, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh rằng, Hội cần bám sát các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, vận dụng tối đa lợi thế của Hội để phát huy vai trò, tầm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, đến lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế xã hội và an ninh chính trị của đất nước. Đồng thời bày tỏ tin tưởng Ban chấp hành nhiệm kỳ mới sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết công tác, đóng góp trí tuệ vào các mặt tư vấn phản biện, giám định xã hội, tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, nâng cao áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào ngành chăn nuôi,…

Đồng quan điểm trên, ông Tống Xuân Chinh cho biết, theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2021 ngành chăn nuôi đóng góp vào hơn 20 tỷ đôla, chiếm khoảng 6,8 GDP của cả nước, điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành chăn nuôi trong đáp ứng cơ bản nhu cầu của gần 100 triệu dân và khách du lịch quốc tế.


Ông Tống Xuân Chinh phát biểu tại đại hội.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, cả nước hiện có hơn 48.600 trang trại chăn nuôi, trong đó có 7% là trang trại lớn, 33% trang trại vừa, điều đó cho thấy sự chuyển dịch quy mô nông hộ sang quy mô trang trại và là tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất trong chuỗi giá trị chăn nuôi, từng bước tiếp cận với thị trường thế giới để hướng tới xuất khẩu.

“Hội chăn nuôi Việt Nam có 7 Hội thành viên do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin, thị trường, ngành hàng,… từ đó nâng cao vị thế, vai trò của Hội. Sức sản xuất của chăn nuôi rất lớn do đó cần phải định hướng theo sản xuất lớn. Đặc biệt với số lượng hơn 48.600 và hơn 200 doanh nghiệp đang đầu tư vào nuôi khoảng 4 nghìn đến 5 nghìn lợn nái và khoảng 60 nghìn lợn thịt, đặt ra yêu cầu phải phát triển đồng bộ các công nghệ giết mổ, chế biến, tiêu thụ,…”, ông Chinh chia sẻ.

Tin, ảnh: Vũ Hải

Bình luận