Theo dòng sự kiện

ISO 14001 – Công cụ để doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật về môi trường

23/10/2020, 17:32

TNNN – Lãnh đạo các tổ chức/doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò và lợi ích của ISO 14001 trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

ISO 14001 là tiêu chuẩn hệ thống quản lý môi trường hàng đầu của thế giới. Những lợi ích của việc thực hiện tiêu chuẩn này bao gồm giảm sự ảnh hưởng của môi trường, giảm sự lãng phí và việc sử dụng năng lượng cũng như cắt giảm chi phí vận hành doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, tiêu chuẩn này càng trở nên quan trọng, đóng vai trò là những “rào cản kỹ thuật” có mặt trong hầu hết các hiệp định thương mại thế hệ mới.


PGS.TS Lưu Đức Hải chia sẻ về tầm quan trọng của ISO 14001 với các chuyên gia đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert. Ảnh: Vũ Hải

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải (Trung tâm Kinh tế Môi trường, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội), quản lý môi trường luôn là vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển của xã hội cũng như sự phát triển của doanh nghiệp.

Năm 1998, chứng chỉ ISO 14001:1996 được cấp lần đầu tiên sau hai năm ban hành. Kể từ đó đến nay, số lượng tổ chức áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 và đạt chứng chỉ không ngừng tăng lên.

Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập đã làm cho tiêu chuẩn ISO 14001 ngày càng quan trọng hơn đối với sự phát triển của xã hội và đã được nhiều quốc gia, doanh nghiệp chấp nhận áp dụng nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho tất cả các bên liên quan.

Trước bối cảnh Việt Nam đang tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại song phương, đa phương như hiện nay, điều khoản của các hiệp định đều bao gồm những cam kết về bảo vệ môi trường, do đó, tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư của Việt Nam cũng sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp kinh tế tăng trưởng bền vững hơn.

Đây chính là những rào cản kỹ thuật, đặt ra thách thức với các doanh nghiệp để tìm cách vượt qua những rào cản kỹ thuật ấy. Bước quan trọng đầu tiên là doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về lợi ích trong áp dụng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường (phiên bản mới nhất hiện nay là ISO 9001:2015), phát huy tốt nhất các lợi thế do Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA),… mang lại.

PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết, số lượng doanh nghiệp đăng ký áp dụng và đạt chứng nhận ISO 14001 tăng lên hàng năm; Nhiều tổ chức với các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ: Chế biến thực phẩm (mía đường, thủy sản, rượu bia giải khát…), Điện tử, Hóa chất (dầu khí, sơn, bảo vệ thực vật), Vật liệu xây dựng, Du lịch - Khách sạn... đã được cấp chứng chỉ ISO 14001. Song cho đến nay, cơ quan quản lý vẫn chưa thống kê được chính xác số lượng doanh nghiệp đã được chứng nhận để làm cơ sở cho công tác quản lý, hoạch định chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực phục vụ cho phát triển, hội nhập kinh tế.

PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh, lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của ISO 14001; Đưa chính sách môi trường vào chính sách phát triển doanh nghiệp trong ngắn hạn cũng như tầm nhìn dài hạn.

Được cấp chứng chỉ ISO 14001 có nghĩa hệ thống quản lý của tổ chức/doanh nghiệp đã được đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn hệ thống này. Điều này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bảo vệ môi trường tốt nhất, hay doanh nghiệp sạch sẽ nhất, mà phải hiểu là doanh nghiệp có hệ thống quản lý phù hợp với các vấn đề về môi trường có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình.

Chứng nhận ISO 14001 là việc chứng nhận doanh nghiệp có trách nhiệm đối với môi trường, mang lại cho doanh nghiệp sự ghi nhận và những cơ hội hoạt động mới. Đồng thời, chứng minh việc doanh nghiệp đã tận tâm như thế nào đối với việc làm giảm những ảnh hưởng đến môi trường, cũng như đáp ứng sự mong đợi bền vững của các bên hữu quan.

Hội nhập kinh tế đồng nghĩa với việc phát sinh rất nhiều các rào cản kỹ thuật: Tiêu chuẩn kiểm soát chất ô nhiễm, kiểm soát hóa chất, an toàn lao động,… Các FTA thế hệ mới mang lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội, nhưng nếu không chú ý để vượt qua các rào cản kỹ thuật sẽ không phát huy được những lợi thế riêng có của Việt Nam - quốc gia duy nhất trong khối ASEAN tham gia hiệp định EVFTA, CPTPP,...

Thuận lợi của hoạt động đánh giá chứng nhận ISO 14001 tại Việt Nam đầu tiên phải kể đến là tính chặt chẽ, ngày càng nghiêm khắc hơn được quy định trong các văn bản pháp luật: Luật bảo vệ môi trường; Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường…

Tiêu chuẩn ISO 14001 không đưa ra những quy định hay tiêu chí cụ thể về môi trường mà chỉ đề ra các nguyên tắc trong công tác quản lý và một trong những nguyên tắc quan trọng là doanh nghiệp/tổ chức phải “phù hợp với các yêu cầu pháp quy sở tại”. Do đó, tính đầy đủ, dễ hiểu và khả thi của hệ thống văn bản pháp quy về môi trường là rất cần thiết để nguyên tắc này có thể được thực hiện.

Khi số lượng các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam ngày càng tăng, cộng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các rào cản kỹ thuật từ các hiệp định kinh tế cũng sẽ tăng theo, trong đó bao gồm các yêu cầu về tay nghề công nhân, trình độ chuyên môn hóa, yêu cầu về chất lượng, môi trường và trách nhiệm xã hội. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các tổ chức/doanh nghiệp trong nước cần tự hoàn thiện mình để có thể hòa nhập được vào sân chơi chung.

Chia sẻ về kinh nghiệm đánh giá chứng nhận ISO 14001, TS. Hoàng Thị Huê, Phó trưởng bộ môn Tài nguyên thiên nhiên, trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, các chuyên gia đánh giá cần trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng đánh giá và hiểu biết liên quan về môi trường, hiểu biết các quy trình, lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp được đánh giá,…

TS. Hoàng Thị Huê cho rằng, một trong những yêu cầu để tổ chức thành công một cuộc đánh giá là phải tuân thủ chu trình PDCA (Plan: Lập kế hoạch, xác định mục tiêu, phạm vi, nguồn lực để thực hiện, thời gian và phương pháp đạt mục tiêu. Do: Đưa kế hoạch vào thực hiện. Check: Kiểm tra lại kế hoạch và kiểm tra kết quả thực hiện kế hoạch. Act: Dựa trên kết quả kiểm tra, tiến hành cải tiến chương trình).

Trong thành phần đoàn đánh giá, vai trò và trách nhiệm của chuyên gia kỹ thuật về môi trường rất quan trọng, trong vai trò là chuyên viên, hỗ trợ đắc lực cho đoàn đánh giá phát hiện được các khía cạnh môi trường phát sinh do hoạt động của doanh nghiệp gây ra.

Dẫn ví dụ từ thực tế cuộc đánh giá ISO 14001 tại một doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương, TS. Hoàng Thị Huê cho biết, chuyên gia kỹ thuật đã phát hiện tại khu thu gom rác có một loại hóa chất ngoài danh mục, được doanh nghiệp sử dụng để thay thế cho một loại hóa chất khác. Tuy nhiên, loại hóa chất này lại không có tên trong bảng kê Danh mục chất thải nguy hại. Hồ sơ năng lực của đơn vị được thuê xử lý rác thải hóa chất không có năng lực xử lý loại hóa chất này. Đây là điểm không phù hợp và doanh nghiệp phải khắc phục bằng một hợp đồng khác với đơn vị có năng lực xử lý loại hóa chất này.

“Cuộc đánh giá là để tìm kiếm sự phù hợp của hệ thống quản lý mà doanh nghiệp xây dựng so với tiêu chuẩn ISO 14001. Chuyên gia đánh giá am hiểu kiến thức chuyên môn về môi trường sẽ xác định được phạm vi, chương trình để thực hiện cuộc đánh giá được đúng, đủ, không thừa, không thiếu”, TS. Hoàng Thị Huê nhấn mạnh.

Đăng Quang

Bình luận