Theo dòng sự kiện

¼ liều vaccine COVID-19 của Moderna vẫn tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh

13/07/2021, 10:03

TNNN - Kết quả thử nghiệm gợi ý rằng việc giảm liều tiêm có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu vaccine COVID-19 trầm trọng trên thế giới.

Hai mũi tiêm vaccine Moderna, mỗi mũi chỉ chứa 1/4 lượng vaccine so với liều tiêu chuẩn, vẫn tạo ra các kháng thể bảo vệ lâu dài và các tế bào T chống lại virus SARS-CoV-2, theo kết quả thử nghiệm trên 35 người. Các kết quả này cho thấy: có thể tiêm vaccine với các liều nhỏ hơn để tận dụng nguồn vaccine hạn chế, tiêm chủng được cho nhiều người nhất có thể.
 
Kể từ năm 2016, chiến lược giảm liều như vậy đã giúp tiêm chủng thành công cho hàng triệu người ở Châu Phi và Nam Mỹ chống lại bệnh sốt vàng da.
 
"Có sự thiên vị trong việc phân phối vaccine và điều này đang khiến nhiều người thiệt mạng", Alex Tabarrok, nhà kinh tế học tại trường Đại học George Mason tại Fairfax, Virginia, cho biết. “Nếu thực hiện giảm liều tiêm từ tháng Giêng, chúng ta đã tiêm chủng được thêm cho hàng chục, hàng trăm triệu người so với hiện nay”.
 
 
Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine Moderna.
 
Liều lượng đủ dùng?
 
Trong thử nghiệm vaccine Moderna ban đầu, những người tham gia nhận được một trong ba liều lượng: 25, 100 hoặc 250 microgam. Liều cao nhất được chứng minh là quá độc hại, liều thấp nhất gây ra phản ứng miễn dịch yếu nhất. Liều ở giữa, 100 microgram, dường như đạt được trạng thái cân bằng: kích hoạt khả năng miễn dịch mạnh và gây tác dụng phụ ở mức có thể chấp nhận được.
 
Liều 100 microgram cuối cùng đã trở thành liều được phép sử dụng ở hàng chục quốc gia. Nhưng các nhà khoa học của Moderna sau đó chỉ ra rằng chỉ cần một nửa liều, 50 microgram, cũng có hiệu quả tương đương liều tiêu chuẩn trong việc kích hoạt miễn dịch.
 
Mới đây, để tìm hiểu liệu liều thấp nhất, 25 microgram, có thể tạo ra khả năng miễn dịch đủ kháng bệnh hay không, các nhà khoa học đã phân tích máu từ 35 người tham gia trong thử nghiệm ban đầu. Sáu tháng trước, 35 người này đã được tiêm hai mũi 25 microgram cách nhau 28 ngày.
 
Giờ đây, sáu tháng sau mũi tiêm thứ hai, gần như tất cả 35 người tham gia đều có kháng thể có thể vô hiệu hóa và ngăn chặn virus lây nhiễm vào các tế bào, các nhà nghiên cứu báo cáo vào ngày 5/7. Máu của những người tham gia cũng chứa các tế bào T khác nhau, cả tế bào T 'sát thủ' có thể tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh và tế bào T 'trợ giúp' hỗ trợ miễn dịch nói chung.
 
Mức độ kháng thể và tế bào T trong máu những người tiêm 25 microgram tương đương với mức trong máu những người đã hồi phục sau COVID-19.
 
Daniela Weiskopf, nhà miễn dịch học tại Viện Miễn dịch học La Jolla (LJI) tại California và là đồng tác giả nghiên cứu (đến nay chưa được bình duyệt), cho biết: “Điều đáng chú ý - và khá hứa hẹn - là phản ứng miễn dịch vẫn tồn tại trong một thời gian dài".
 
Corine Geurts van Kessel, nhà virus học lâm sàng tại Trung tâm Y tế trường Đại học Erasmus ở Rotterdam, Hà Lan, người không tham gia vào nghiên cứu, đồng ý: "Đó là một tin tốt. Ngay cả với một liều lượng thấp, người được tiêm chủng vẫn phát triển miễn dịch một cách khá hiệu quả".
 
Weiskopf và đồng tác giả nghiên cứu tại LJI, Shane Crotty, lưu ý rằng cần tiếp tục thử nghiệm để xác nhận hiệu quả của việc giảm liều vaccine trước khi triển khai rộng rãi. Một thử nghiệm như vậy đang diễn ra: một nghiên cứu tại Bỉ đang so sánh việc tiêm liều vaccine Pfizer – BioNTech thấp hơn so với liều tiêu chuẩn.
 
Nhưng Sarah Cobey, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại trường Đại học Chicago, Illinois, cho rằng không cần tốn thời gian thu thập dữ liệu. “Chúng ta không nên đợi lâu như vậy”, cô nói. "Nhiều người đang thiệt mạng vì căn bệnh này, chúng ta có tiền lệ giảm liều vaccine để đưa ra những phỏng đoán rất hợp lý và có thể sẽ cứu nhiều người".
 
Tabarrok lập luận: Ngay cả khi giảm liều chỉ tạo ra phản ứng miễn dịch vừa phải trong việc ngăn chặn SARS-CoV-2, thì vẫn nên tiêm 1/4 liều tiêu chuẩn để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trên khắp thế giới.
 
Theo một nghiên cứu mô hình được công bố bởi Tabarrok và các nhà kinh tế học khác, cách tiếp cận như vậy sẽ làm tỉ lệ nhiễm và tử vong liên quan đến COVID-19 nhiều hơn so với các chính sách tiêm chủng hiện hành. Tuy nhiên nghiên cứu này cũng chưa được bình duyệt.
 
Theo Tabarrok: "Tiêm ngay một nửa liều cho một người chưa được tiêm chủng còn hữu ích hơn là bắt họ chờ một năm để tiêm một liều đầy đủ, giảm liều là một cách để thúc đẩy bình đẳng vaccine".
 
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận