Những điều đã biết về biến thể B.1.617 đang lan rộng ở Ấn Độ
TNNN - Chỉ trong vài tuần, biến thể B.1.617 đã trở thành biến thể gây ra phần lớn các ca nhiễm trên khắp Ấn Độ và lan rộng ra khoảng 40 quốc gia.
Đến ngày 9/5, Ấn Độ đã ghi nhận tổng số hơn 22 triệu ca nhiễm Covid-19. Trong ảnh: Người dân xếp hàng để nạp đầy bình oxy cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế quá tải ở New Delhi.
Xếp loại "đáng lo ngại"
Hai tuần trước, có một vài biến thể gây ra một loạt các đợt lây nhiễm ở Ấn Độ. Dữ liệu bộ gen chỉ ra, B.1.1.7 - được xác định đầu tiên ở Vương quốc Anh - từng chiếm ưu thế về số ca nhiễm ở Delhi và bang Punjab, trong khi một biến thể mới có tên B.1.618 đã có mặt ở Tây Bengal và B.1.617 thì chiếm ưu thế ở Maharashtra.
Nhưng kể từ đó, B.1.617 đã vượt qua B.1.618 ở cả Tây Bengal, trở thành biến thể phổ biến hàng đầu ở nhiều bang và hiện tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Delhi.
Shahid Jameel, nhà virus học tại trường Đại học Ashoka, Sonipat, người chủ trì nhóm cố vấn khoa học về giải trình tự SARS-CoV-2 của Ấn Độ (INSACOG), cho biết.:"Mức độ phổ biến của biến thể B.1.617 đã vượt qua các biến thể khác ở hầu hết các vùng của Ấn Độ, cho thấy nó 'mạnh' hơn các biến thể khác".
Ravindra Gupta, nhà virus học tại trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, đồng ý rằng B.1.617 “có khả năng lây truyền cao hơn”.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định B.1.617 là một "biến thể đáng lo ngại".
Các biến thể được phân loại là đáng lo ngại khi có bằng chứng cho thấy chúng lây lan nhanh hơn, gây ra bệnh nặng hơn hoặc có khả năng né tránh hệ miễn dịch hiệu quả hơn so với các biến thể khác của SARS-CoV-2. Vào ngày 7/5, Chính phủ Anh cũng tuyên bố B.1.617.2 là một biến thể đáng quan tâm ở nước này, với số ca nhiễm B.1.617.2 được ghi nhận tăng từ 202 lên 520 chỉ trong một tuần.
Dữ liệu mới
Dữ liệu về B.1.617 chỉ đang nhỏ giọt, nhưng một loạt các phát hiện cho thấy nó mạnh hơn các biến thể đã lưu hành từ trước tại Ấn Độ.
Các nhà khoa học Ấn Độ lần đầu phát hiện B.1.617 vào tháng 10/2020 và INSACOG đã tăng cường giám sát biến thể này từ cuối tháng 1/2021.
Trong một phân tích chi tiết về cấu trúc và bộ gen của B.1.617 được công bố dưới dạng bản thảo vào ngày 3/5, các nhà khoa học Ấn Độ đã xác định được 8 đột biến trong protein gai của virus hay công cụ mà virus dùng để xâm nhập vào tế bào. Hai trong số các đột biến này tương tự như các đột biến đã cho phép các biến thể khác lây truyền dễ hơn, đột biến thứ ba giống với một đột biến giúp P.1 - biến thể đã góp phần vào làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Brazil hồi đầu năm nay - né tránh hệ miễn dịch.
Nghiên cứu về bộ gen từ một nhóm ở Đức sau đó cho thấy, B.1.617 có khả năng xâm nhập vào ruột và tế bào phổi của người trong phòng thí nghiệm hiệu quả hơn một chút so với các biến thể trước đó. Markus Hoffman - tác giả chính của nghiên cứu, nhà sinh vật học về nhiễm trùng tại Viện nghiên cứu linh trưởng Leibniz, Göttingen, vẫn chưa rõ liệu lợi thế “nhỏ” này có phải nguyên nhân đằng sau sự lây lan B.1.617 trong thực tế hay không.
Các nghiên cứu nhỏ trên động vật cũng cho thấy B.1.617 có thể gây ra bệnh nặng hơn. Trong bản thảo ngày 5/5, một nhóm nghiên cứu ở Viện Virus học Quốc gia Ấn Độ (NIV) do nhà virus học Pragya Yadav đứng đầu đã phát hiện những con chuột lang nhiễm B.1.617 bị viêm phổi nặng hơn so với những con nhiễm các biến thể khác.
Bệnh nhân Covid-19 hồi phục sức khỏe tại một trung tâm chăm sóc ở Delhi.
Khả năng gây bệnh
Tuy nhiên, Gupta lưu ý, “rất khó ngoại suy từ chuột đồng sang người” và theo ông, cần có dữ liệu cụ thể hơn.
Nghiên cứu từ phòng thí nghiệm riêng của Gupta cũng cho thấy, các kháng thể chống lại biến thể này kém hiệu quả hơn một chút so với khi chống lại các biến thể khác. Nhóm nghiên cứu đã thu thập huyết thanh từ 9 người đã được tiêm một liều vaccine Pfizer và thử nghiệm dùng huyết thanh này chống lại protein gai của các đột biến ở B.1.617. Huyết thanh từ những người được tiêm chủng thường chứa các kháng thể có khả năng ngăn chặn hoặc ‘vô hiệu hóa’ virus, nhưng trong trường hợp này, hiệu quả bị giảm khoảng 80% khi chống lại một số đột biến ở B.1.617. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một số nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Delhi đã được tiêm vaccine Covishield, một phiên bản Ấn Độ của vaccine Oxford - AstraZeneca, vẫn bị tái nhiễm, hầu hết mắc B.1.617.
Tương tự, nhóm nghiên cứu của Đức đã thử nghiệm 2 huyết thanh từ 15 người trước đó đã bị nhiễm SARS-CoV-2, và nhận thấy khả năng vô hiệu hóa B.1.617 của kháng thể kém hơn khoảng 50% so với khả năng vô hiệu hóa các biến thể đã lưu hành trước đó. Khi họ kiểm tra huyết thanh từ những người đã tiêm hai mũi vaccine Pfizer, họ nhận thấy rằng các kháng thể có hiệu lực chống lại B.1.617 kém hơn khoảng 67%.
Lưu ý và thận trọng
Nhưng một lần nữa Gupta nhấn mạnh rằng, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm này đều mới thực hiện trên các nhóm nhỏ.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo, các thí nghiệm với huyết thanh không phải lúc nào cũng là thước đo chính xác trong việc xác định xem liệu biến thể có thể tránh được hệ miễn dịch trên thực tế hay không. Vaccine có thể tạo ra một lượng lớn kháng thể, do đó, việc giảm hiệu lực kháng thể trên thực tế có thể không đáng kể. Hơn nữa, các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như tế bào T, có thể không bị ảnh hưởng.
Vì những lý do này, vaccine vẫn có hiệu quả chống lại B.1.617 và hạn chế ngy cơ bệnh tiến triển nặng. Tuy nhiên, "sự gia tăng số ca nhiễm ở Ấn Độ vẫn gây lo lắng nghiêm trọng", Nick Loman, nhà nghiên cứu gen vi sinh vật và nhà định dạng sinh học tại trường Đại học Birmingham, Anh, cho biết. “Biến thể này sẽ cần được theo dõi cẩn thận”;
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận
Tin khác
Sắp diễn ra hội thảo “Chất lượng nước - Những kỹ thuật mới nhất trong kiểm soát và đánh giá chất lượng”
Chỉ số đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
TCVN 13751:2023 - Tiêu chuẩn quốc gia đối với chuyên gia năng suất
Triển lãm Dụng cụ Khoa học lần thứ 35 (JASIS 2023) có gì mới?
Nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam trong công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm
Tin cũ hơn