Theo dòng sự kiện

Phát hiện 2 hợp chất mới từ lá cây xa kê và vỏ quả măng cụt

16/09/2019, 02:02

Hợp chất artocarpaurone (SK7) lần đầu tiên được tìm thấy trong thiên nhiên từ lá cây xa kê và hợp chất 4-O-sulfo-β-D-glucopyranosyl abscisate (MC8) được tìm thấy trong vỏ quả măng cụt.

PGS.TS. Trần Thu Hương (trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và cộng sự đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu quy trình ổn định chiết xuất phân đoạn giàu hợp chất flavonoid và xanthon từ lá cây xa kê và vỏ quả măng cụt”.

Đề tài được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2016, nhằm xây dựng quy trình ổn định chiết xuất các phân đoạn giàu flavonoid từ lá cây xakê (Artocarpus altilis, Moraceae) quy mô 10kg nguyên liệu/mẻ và giàu xanthon từ vỏ quả măng cụt (Garcinia mangostana Linn., Clussiaceae) quy mô 10kg nguyên liệu/mẻ.

Kết quả, đề tài đã nghiên cứu thành công quy trình chiết xuất phân đoạn giàu hợp chất flavonoid từ lá cây xa kê ở quy mô 10kg nguyên liệu/mẻ và quy trình chiết xuất phân đoạn giàu hợp chất xanthon từ vỏ quả măng cụt ở quy mô 10kg nguyên liệu/mẻ;

- Bằng việc kết hợp các phương pháp sắc ký và phổ hiện đại, đề tài đã phân lập và xác định được cấu trúc của 17 hợp chất, trong đó có 2 hợp chất mới từ lá cây xa kê và vỏ quả măng cụt. Hai hợp chất mới là artocarpaurone (SK7) từ lá cây xa kê lần đầu tiên được tìm thấy trong thiên nhiên và 4-O-sulfo-B-D-glucopyranosyl abscisate (MC8) được tìm thấy trong vỏ quả măng cụt của Việt Nam.

- Đã nghiên cứu chế tạo thành công vật liệu nhôm oxit (γ-Al2O3) có kích thước lỗ xốp vào khoảng 6-10 nm, chứa nhiều nhóm -OH trên bề mặt với số lượng̣ lớn các tâm axit yếu và  trung bình, có độ bền cơ cao với các dung môi dùng trong quá trình chiết tách và có khả năng tái sinh tốt, đáp ứng yêu cầu hấp phụ chọn lọc các hợp chất có hoạt tính sinh học. Đây là một vật liệu tốt để sử dụng trong quá trình phân lập lượng lớn các hợp chất thiên nhiên hướng tới quy trình công nghệ quy mô công nghiệp với giá thành thấp.

- Đã tạo được 2 chế phẩm CPX và CPM có triển vọng trong việc ứng dụng làm thực phẩm chức năng theo định hướng của đề tài từ hai đối tượng nghiên cứu của đề tài là lá cây xa kê và vỏ quả măng cụt. Các chế phẩm này đã đạt các chỉ tiêu kiểm nghiệm về chất lượng theo đúng tiêu chuẩn cơ sở. Đồng thời, độ ổn định của các chế phẩm CPX và CPM được nghiên cứu sơ bộ bằng  phương pháp lão hoá cấp tốc cho thấy chế phẩm ổn định trong hơn 24 tháng ở điều kiện bảo quản thường (nhiệt độ 20oC và độ ẩm tương đối 75%). Bên cạnh đó, độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của các chế phẩm CPX và CPM cũng đã được thử cho thấy các chế phẩm tạo ra đều có độ an toàn cao.

- Đã xây dựng được 02 quy trình chiết xuất phân đoạn giàu flavonoid từ lá cây xa kê và chiết xuất phân đoạn giàu xanthon từ vỏ quả măng cụt ở quy mô 10kg nguyên liệu/mẻ;

- Đã tạo được chế phẩm CPX với hàm lượng flavonoid đạt 81.9% và chế phẩm CPM với hàm lượng xanthone đạt 72.2%.

- Đã chế tạo được 01 kg vật liệu nhôm oxit y-Al2O3 có kích thước lỗ xốp vào khoảng 6-10 nm, chứa nhiều nhóm -OH trên bề mặt, đáp ứng yêu cầu hấp phụ chọn lọc các hợp chất có hoạt tính sinh học.

Độc giả quan tâm có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14109) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

PV

Bình luận