Phát hiện mối liên hệ rõ ràng hơn giữa vaccine AstraZeneca và chứng rối loạn đông máu hiếm gặp
TNNN - Mối nghi ngờ cách đây 4 tuần về việc vaccine Covid-19 của AstraZeneca có thể gây đông máu, giờ đây đã được xác nhận rõ ràng hơn: vaccine này, trong một số trường hợp rất hiếm, có thể gây ra chứng rối loạn đặc trưng bởi tình trạng đông máu và giảm số lượng tiểu cầu.
Châu Âu đã báo cáo ít nhất 222 trường hợp nghi gặp tác dụng phụ này, trong số 34 triệu người đã tiêm liều vaccine AstraZeneca đầu tiên. Hơn 30 người trong số đó đã chết.
Đã xuất hiện những bằng chứng về mối quan hệ nhân quả giữa vaccine và tác dụng phụ, nhưng đây vẫn là vấn đề không thể khẳng định ngay lập tức, Anthony Cox, chuyên gia về cảnh giác dược tại trường Đại học Birmingham, lưu ý. Nhưng đứng trước số ca đông máu ngày càng tăng, Cơ quan Thuốc châu Âu (EMA) thừa nhận vào ngày 7/4 rằng "có thể có mối liên hệ nhân quả" giữa hội chứng đông máu và vaccine của AstraZeneca (gần đây được đặt tên là Vaxzevria).
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một cơ chế miễn dịch không mong muốn, có khả năng là nguyên nhân đằng sau tác dụng phụ. Giờ đây, các quan chức y tế đang phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về việc ai nên và ai không nên tiêm Vaxzevria; một số quốc gia đã hạn chế bằng cách chỉ tiêm cho nhóm người lớn tuổi.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, việc xuất hiện vấn đề này không có nghĩa là chấm dứt sử dụng Vaxzevria. Trong đa số các trường hợp, lợi ích của vaccine vẫn lớn hơn rủi ro; vaccine này rẻ và dễ bảo quản, giúp tiêm chủng cho một số lượng lớn người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Một số nhà khoa học gợi ý rằng có cách để vừa giảm thiểu rủi ro, vừa giảm áp lực lên nguồn cung vaccine: Tiêm một nửa liều.
Mọi người xếp hàng để nhận vaccine Covid-19 của AstraZeneca ở Belfast, Bắc Ireland. Vương quốc Anh đã sử dụng vaccine này nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào.
Cơ chế điện tích âm
Mới đây, một số nhóm nghiên cứu đã công bố những quan sát của họ trên Tạp chí Y học New England (NEJM). Một nhóm nghiên cứu 11 bệnh nhân gặp tình trạng đông máu sau khi tiêm vaccine Covid-19 ở Đức và Áo; nhóm còn lại nghiên cứu trên 5 bệnh nhân khác ở Na Uy. Cả hai nhóm đều phát hiện, các bệnh nhân có các kháng thể bất thường: các kháng thể này kích hoạt phản ứng đông máu, sử dụng hết lượng tiểu cầu của cơ thể và có thể gây tắc mạch máu, dẫn đến đột quỵ hoặc tắc mạch.
Các triệu chứng giống như một phản ứng hiếm gặp với thuốc heparin, được gọi là phản ứng giảm tiểu cầu do heparin (HIT), trong đó hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể kháng phức hợp heparin và một protein có tên yếu tố tiểu cầu 4 (PF4). Kháng thể này kích hoạt tiểu cầu hình thành các cục máu đông nguy hiểm trong cơ thể. Những người tiêm vaccine bị đông máu cũng có kháng thể với PF4 giống trong các trường hợp HIT.
Cả hai nhóm nghiên cứu đề xuất một tên gọi cho tình trạng này: giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vaccine (VITT).
Trong bài báo của nhóm nghiên cứu 11 bệnh nhân ở Đức và Áo, Andreas Greinacher, tác giả chính và chuyên gia về đông máu tại trường Đại học Greifswald và các đồng nghiệp cũng suy đoán về một cơ chế có thể là nguyên nhân đằng sau tác dụng phụ này. Vaxzevria bao gồm một adenovirus được thiết kế để lây nhiễm vào các tế bào và thúc đẩy chúng tạo ra protein gai của virus. Trong số khoảng 50 tỷ hạt virus trong mỗi liều, một số có thể bị vỡ ra và giải phóng ADN của chúng, Greinacher nói. Giống như heparin, ADN mang điện tích âm, giúp nó liên kết với PF4, có điện tích dương. Sau đó, phức hợp này kích hoạt sản xuất các kháng thể, đặc biệt là khi hệ thống miễn dịch vốn đã ở trong tình trạng cảnh giác cao độ sau khi tiêm vaccine. Greinacher lưu ý, phản ứng miễn dịch đối với ADN ngoại bào là một phần của hệ thống phòng thủ miễn dịch, được kích hoạt bởi nhiễm trùng hoặc chấn thương nghiêm trọng, và bản thân ADN tự do cũng có thể báo hiệu cơ thể tăng đông máu.
Việc xác định cơ chế là rất quan trọng để hiểu được liệu các loại vaccine khác cũng được tạo ra từ adenovirus đã được sửa đổi (bao gồm các loại vaccine của Johnson & Johnson, CanSino cũng như Sputnik V của Nga) có tác dụng phụ tương tự hay không. Vào ngày 9/4, EMA cho biết đang điều tra bốn trường hợp đông máu tương tự ở những bệnh nhân Mỹ đã tiêm vaccine Johnson & Johnson. Theo Greinacher, các trường hợp có thể là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng “cũng rất đáng ngờ”.
Giải pháp nửa liều
EMA vẫn nhấn mạnh lợi ích của Vaxzevria vẫn lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã hạn chế việc sử dụng vaccine ở những người trẻ tuổi. Đức chỉ sử dụng vaccine này cho những người trên 60 tuổi, Pháp cho những người trên 55 tuổi. Họ cho rằng những người trẻ tuổi có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19 thấp hơn, do đó không lý gì chấp nhận nguy cơ tác dụng phụ. Tại Vương quốc Anh, một ban cố vấn về vaccine đã khuyến nghị những người dưới 30 tuổi nên được cung cấp một loại vaccine khác. (Quốc gia này đã sử dụng Vaxzevria nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác và vào ngày 7/4, đã điều tra ít nhất 79 trường hợp đột quỵ và các biến cố đông máu liên quan đến vaccine, ít nhất 18 trường hợp trong số đó gây tử vong.)
Tuy nhiên, EMA không khuyến nghị hạn chế vaccine cho các nhóm tuổi cụ thể.
“Hiện tại, các con số cho thấy rằng ngay cả đối với những người trẻ tuổi, vaccine mang lại lợi ích cho đại đa số", David Spiegelhalter, nhà thống kê tại Đại học Cambridge, nói. "Ngoài ra, tiêm vaccine cũng giúp bảo vệ cho những người khác, tôi nghĩ đây là một khía cạnh chưa được chú ý đến".
Greinacher và cộng sự của ông, Rolf Marschalek, nhà sinh học phân tử tại trường Đại học Frankfurt, đang kêu gọi thử nghiệm một giải pháp đơn giản: giảm một nửa liều khi tiêm Vaxzevria. Trong thử nghiệm pha III của AstraZeneca ở Vương quốc Anh, một số ít người vô tình nhận được liều thấp hơn và nhìn chung nhóm này ít gặp các tác dụng phụ phổ biến hơn. Các nhà nghiên cứu nhìn nhận, có lẽ liều thấp hơn ít có khả năng tăng cường kháng thể PF4. Thật bất ngờ là những người đó còn được bảo vệ tốt hơn một chút khỏi Covid. Greinacher nói: “Một phần của vấn đề có thể là do họ bị tiêm quá liều”.
Tuy nhiên, tác dụng phụ phổ biến ít xuất hiện hơn khi tiêm nửa liều không có nghĩa là các tác dụng phụ rất hiếm gặp cũng sẽ ít xuất hiện hơn, Cox cảnh báo. Nếu tiêm nửa liều giúp giảm tác dụng phụ hiếm gặp, thì tin xấu về tác dụng phụ đông máu của vaccine có thể trở thành tin tốt: Nguồn cung vaccine có thể tiêm chủng cho nhiều người gấp đôi so với dự tính hiện nay - và ít gây tác dụng phụ hơn.
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận
Tin khác
Sắp diễn ra hội thảo “Chất lượng nước - Những kỹ thuật mới nhất trong kiểm soát và đánh giá chất lượng”
Chỉ số đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
TCVN 13751:2023 - Tiêu chuẩn quốc gia đối với chuyên gia năng suất
Triển lãm Dụng cụ Khoa học lần thứ 35 (JASIS 2023) có gì mới?
Nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam trong công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm
Tin cũ hơn