Theo dòng sự kiện

Thử nghiệm thành thạo: Công cụ để kiểm soát chất lượng của các Phòng thử nghiệm

19/06/2021, 09:44

TNNN - Thử nghiệm thành thạo, so sánh liên phòng (TNTT/SSLP),… là công cụ quan trọng để đảm bảo kết quả và kiểm soát chất lượng của các Phòng thử nghiệm/thí nghiệm (PTN).

Thử nghiệm thành thạo (TNTT) hay PT (Proficiency Testing) là đánh giá việc thực hiện của các bên tham gia theo tiêu chí đã được thiết lập thông qua so sánh liên phòng. (TCVN ISO/IEC 17025:2017, 3.5).

So sánh liên phòng (SSLP) là việc tổ chức, thực hiện và đánh giá các phép đo hoặc phép thử trên cùng đối tượng hoặc trên đối tượng tương tự nhau bởi hai hay nhiều PTN theo những điều kiện định trước. (TCVN ISO/IEC 17025:2017, 3.3).

Chia sẻ ý kiến tại một hội thảo do Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam tổ chức, bà Lê Thị Phương Thảo, Trưởng khoa Đảm bảo chất lượng, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết, tham gia các chương trình TNTT hiện đang được sử dụng là công cụ tích cực nhằm đánh giá chất lượng kết quả thử nghiệm của các PTN. Kết quả thực hiện tốt các chương trình TNTT sẽ cung cấp bằng chứng độc lập, khách quan chứng minh độ chính xác trong các kết quả thử nghiệm đối với các bên quan tâm.

Dẫn ví dụ từ thực tế bà Thảo cho biết, nhiều PTN khi thực hiện cùng nền mẫu, phương pháp thử nhưng lại có kết quả khác nhau. Như vậy, giữa các PTN khác nhau đã có sự đánh giá kết quả khác nhau. Điều này dẫn đến sự đánh giá không đúng bản chất sự việc (chất lượng sản phẩm, hàng hóa,…), tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp. Ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, yêu cầu đặt ra là: phải tham gia các chương trình TNTT nhằm đảm bảo kết quả thử nghiệm chính xác, đánh giá đúng bản chất của đối tượng thử.

Từ thực tế trên, nên các yêu cầu bắt buộc nêu tại điều khoản 7.7 của TCVN ISO/IEC 17025: 2017 bao gồm: Theo dõi các hoạt động đảm bảo chất lượng, TNTT/SSLP, Phân tích dữ liệu từ các hoạt động theo dõi; Yêu cầu tại khoản 5 Điều 5 Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước “Kết quả thử nghiệm thành thạo hoặc so sánh liên phòng đạt yêu cầu đối với ít nhất một chỉ tiêu/ phép thử đăng ký chỉ định”.

Bên cạnh đó, theo điểm b, khoản 1, Điều 18a Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa: PTN phải thực hiện việc thử nghiệm thành thạo hoặc so sánh liên phòng đối với phương pháp thử của sản phẩm, hàng hóa đăng ký chỉ định.

Cũng theo bà Thảo, trong nhiều năm qua, tuy đã  có ngày càng nhiều các PTN tại Việt Nam đã tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo do các tổ chức trong nước và quốc tế cung cấp, nhưng hướng dẫn tham gia của Ban tổ chức và đặc biệt là xem xét khắc phục khi kết quả không đạt yêu cầu thường bị xem nhẹ hoặc xử lý không triệt để.

Như vậy, muốn đảm bảo kết quả theo yêu cầu của TCVN ISO/IEC 17025:2017, PTN phải tuân thủ thực hiện các yêu cầu bắt buộc tại điều khoản 7.7, trong đó bao gồm các việc như: theo dõi các hoạt động đảm bảo chất lượng (Sử dụng chuẩn CRM, RM, mẫu QC, chuẩn kiểm tra, chuẩn công tác); Kiểm tra, hiệu chuẩn, sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị định kỳ,...


AoV đang là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có phòng sản xuất chất chuẩn đạt chứng chỉ công nhận ISO 17034:2016 bởi Văn phòng Công nhận BLQS (Thái Lan), nên có đủ năng lực để sản xuất và cung ứng các loại chất chuẩn theo yêu cầu của các chương trình thử nghiệm thành thạo, so sánh kết quả liên phòng, yêu cầu thử nghiệm, xác nhận phương pháp thử,…

Trao đổi với PV TNNN, bà Phạm Thu Giang, Giám đốc Công ty TNHH Đảm bảo Chất lượng Việt Nam (AoV) cho biết, so với các công cụ đảm bảo chất lượng khác, do tính khách quan, độc lập nên TNTT ngày càng được các PTN quan tâm, sử dụng rộng rãi.

Lấy ví dụ về các chương trình TNTT do AoV cung cấp trong năm 2020, so với kế hoạch đơn vị dự kiến tổ chức 105 chương trình lĩnh vực Hóa học, 59 chương trình lĩnh vực Vi sinh, nhưng với nhu cầu thực tế của các PTN, số chương trình lĩnh vực Hóa đã thực hiện lên đến 231/105, và số chương trình TNTT lĩnh vực Vi sinh là 90/59. Các chương trình TNTT do AoV thiết kế và cung cấp nhận được sự quan tâm và tham gia có chất lượng của các PTN.

Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) hiện đã có một số đơn vị Hội viên cung cấp dịch vụ TNTT/SSLP đã được đánh giá và công nhận theo ISO/IEC 17043:2010, và AoV là một trong số đó.

Các đơn vị này đều đã được đánh giá và công nhận ISO/IEC 17043:2010 bởi các tổ chức công nhận nước ngoài như Vụ Khoa học Thái Lan (DSS), Tổ chức Công nhận các Phòng thí nghiệm Hoa Kỳ (A2LA),… nên các chương trình TNTT cung cấp rất đa dạng, nhiều lĩnh vực, được lưu giữ hồ sơ đầy đủ về quá trình thực hiện theo quy định của ISO/IEC 17043:2010.

Về hoạt động cung cấp TNTT của AoV, Từ năm 2011 đơn vị bắt đầu cung cấp các chương trình TNTT/SSLP, đến năm 2014 thì chính thức được A2LA công nhận là đơn vị cung cấp chương trình TNTT phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn ISO/IEC 17043:2010.

Cũng trong năm 2014, AoV đã đăng kí và trở thành thành viên của Ban TNTT thuộc Hiệp hội Công nhận PTN châu Á-Thái Bình Dương (APLAC-PT); Điều phối viên Quốc gia của Tổ chức thông tin Dịch vụ TNTT châu Âu (EPTIS). Đến năm 2015, AoV-PT đã được chấp nhận là đơn vị cung cấp chương trình TNTT cho VinaLAB với mã Vinalab-PT2.

Hằng năm, AoV hiện cung cấp hơn 200 chương trình TNTT/SSLP đa dạng về nền mẫu (thực phẩm, nước, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thép, than…), trong đó nhiều chương trình có yêu cầu kĩ thuật cao với các chỉ tiêu hiếm gặp như: bệnh thủy sản, bệnh động vật, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm…

Việc tham gia TNTT/SSLP là bằng chứng cho thấy PTN đang thực hiện qui trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/ IEC17025:2017 để nâng cao chất lượng kiểm nghiệm. Thông qua chương trình TNTT, các đơn vị tự đánh giá năng lực của mình và đồng thời tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng của kết quả kiểm nghiệm, từ đó đề ra biện pháp cải tiến, khắc phục nhằm đảm bảo kết quả thử nghiệm tốt hơn.

Đình Lâm

Bình luận