Thuốc điều trị trào ngược axit làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
TNNN - Nghiên cứu công bố trực tuyến trên tạp chí Gut cho thấy, sử dụng thường xuyên các thuốc ức chế bơm proton làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2.
Các phát hiện cho thấy, những loại thuốc này khi được dùng càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh dường như càng lớn hơn. Những người dùng những loại thuốc này trong vòng 2 năm trở lên cần kiểm tra đường huyết thường xuyên để có thể tầm soát bệnh tiểu đường.
PPI được sử dụng để điều trị trào ngược axit, viêm loét dạ dày tá tràng và chứng khó tiêu. Chúng nằm trong số 10 loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Quá trình sử dụng lâu dài có liên quan đến việc tăng nguy cơ gãy xương, bệnh thận mãn tính, nhiễm trùng đường ruột và ung thư dạ dày.
Năm 2014, tỷ lệ phổ biến bệnh tiểu đường tuyp 2 trên toàn cầu là 8,5% và các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem liệu việc sử dụng rộng rãi PPIs và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao có thể liên quan với nhau hay không.
Họ đã thu thập thông tin của 204.689 người tham gia (176.050 phụ nữ và 28.639 nam giới) từ 25 đến 75 tuổi được Dự án Nghiên cứu sức khỏe y tá Hoa Kỳ (NHS) thực hiện bắt đầu vào năm 1976, NHS II bắt đầu vào năm 1989, và Dự án Nghiên cứu theo dõi chuyên gia y tế (HPFS) bắt đầu vào năm 1986 cung cấp.
Từ khi ghi danh, cứ sau 2 năm, người tham gia sẽ phải cập nhật thông tin về hành vi sức khỏe, tiền sử bệnh và các tình trạng mới được chẩn đoán cho các nhà nghiên cứu.
Bắt đầu từ năm 2000 đối với NHS, 2001 đối với NHS II và 2004 đối với HPFS, những người tham gia cũng được hỏi liệu họ có sử dụng PPI thường xuyên trong 2 năm trước đó hay không. Khái niệm sử dụng thường xuyên được định nghĩa là dùng 2 hoặc nhiều lần trong một tuần.
Trong thời gian theo dõi trung bình khoảng 9 đến 12 năm trên cả ba nhóm, có 10.105 người tham gia được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Mức độ nguy cơ chẩn đoán ở những người sử dụng PPI thường xuyên là 7,44/1000 người so với 4,32/1000 người ở những người không sử dụng những loại thuốc này.
Sau khi xem xét các yếu tố có thể ảnh hưởng, bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, lười vận động và sử dụng các loại thuốc khác, những người thường xuyên sử dụng PPI có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 24% so với những người không sử dụng.
Sử dụng những loại thuốc này càng lâu dài, nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường càng lớn: sử dụng trong 2 năm có liên quan đến nguy cơ tăng 5%; sử dụng hơn 2 năm có liên quan đến tăng 26% nguy cơ.
Phân tích sâu hơn cho thấy nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở những người sử dụng PPI không bị ảnh hưởng bởi giới tính, tuổi tác, tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, hút thuốc, uống rượu, chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, cholesterol cao hoặc thường xuyên sử dụng thuốc chống viêm.
Để so sánh, các nhà nghiên cứu cũng xem xét tác động tiềm tàng của thuốc chặn H2, một loại thuốc khác được sử dụng để hạn chế sản xuất axit dạ dày dư thừa. Sử dụng thường xuyên các loại thuốc này có liên quan đến nguy cơ tăng 14%. Tương tự, càng sử dụng lâu dài càng có nguy cơ cao hơn. Nguy cơ giảm dần khi ngưng sử dụng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, đây là một nghiên cứu quan sát và do đó, không thể xác định nguyên nhân, nhưng nó liên quan đến sức khỏe của nhiều người trong một thời gian tương đối dài được theo dõi.
Nhóm nghiên cứu cho biết, nhiều bằng chứng cho thấy những thay đổi về loại và khối lượng vi khuẩn trong ruột (hệ vi sinh vật) có thể giúp giải thích mối liên hệ giữa việc sử dụng PPI và việc tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
Họ cũng cảnh báo: “Do được sử dụng rộng rãi, tổng số ca bệnh tiểu đường liên quan đến việc sử dụng PPI có thể là đáng kể”.
Do có nhiều tác dụng phụ và nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, các bác sĩ nên cân nhắc kỹ lưỡng ưu và nhược điểm của việc kê đơn các loại thuốc này. Đối với những bệnh nhân phải điều trị PPI lâu dài, cần kiểm tra lượng đường huyết, bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xuyên, nhóm nghiên cứu đề xuất.
Theo https://medicalxpress.com/news/2020-09-regular-acid-reflux-drugs-linked.html