Theo dòng sự kiện

VinaCert và NFSI ký kết thỏa thuận đối tác thực hiện chuỗi truy xuất nguồn gốc thực phẩm

24/06/2019, 14:29

Ngày 24/06/2019, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert (VinaCert) và Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI) đã ký kết biên bản hợp tác về việc triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng phần mềm công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.

Dự lễ ký kết, về phía VinaCert có ông/bà: Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc, Đặng Thị Hương, Giám đốc Chứng nhận, Nguyễn Thị Yến, Giám đốc Điều hành kiêm Chánh Văn phòng, đại diện các phòng, ban liên quan: Phòng Chứng nhận, Phòng Kinh doanh, Phòng thử nghiệm 1…

Về phía NFSI có GS.TS Phan Thị Kim, Viện trưởng, đại diện Hội đồng khoa học, Phòng Kinh doanh, Văn phòng cùng các cá nhân liên quan.

Lễ ký kết được thực hiện trên cơ sở 2 bên đã tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của nhau nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng phần mềm công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả nhất. 

Trên cơ sở đó, VinaCert và NFSI đã nhất trí thông qua các điều khoản nêu trong bản thoả thuận hợp tác đối tác, trong đó nổi bật nhất là việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ứng dụng phần mềm VFSC vào quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản thực phẩm, thực hiện chuỗi truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng phần mềm VFSC.


GS.TS. Phan Thị Kim - Viện trưởng NFSI và bà Đặng Thị Hương - Giám đốc Chứng nhận VinaCert ký biên bản hợp tác đối tác.

Theo biên bản hợp tác, hai bên sẽ cùng phối hợp triển khai thực hiện, cải tiến và hoàn thiện phần mềm VFSC, đảm bảo các bên sử dụng phần mềm hiệu quả; Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm, tập huấn, diễn đàn theo chuyên đề nhằm tuyên truyền, giới thiệu và trao đổi các vấn đề liên quan đến phát triển rộng rãi ứng dụng phần mềm VFSC cho các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm nông nghiệp…

Đây là những hoạt động thiết thực của VinaCert và NFSI nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quản lý quá trình, nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng hội nhập, phát triển, tạo đầu mối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua ứng dụng phần mềm công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, VinaCert sẽ xây dựng cơ chế cho việc chấp nhận đánh giá chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân (khách hàng) áp dụng phần mềm VFSC để cung cấp hồ sơ điện tử cho các tiêu chuẩn đăng ký chứng nhận (VietGAPISO 22000HACCP);Thông báo cho NFSI những bất cập trong quá trình sử dụng phần mềm VFSC; hỗ trợ khách hàng phí sử dụng phần mềm VFSC;…

NFSI sẽ miễn phí cài đặt, hướng dẫn, bảo hành ứng dụng phần mềm công nghệ VFSC cho các bên sử dụng; Thông báo, khắc phục kịp thời những lỗi liên quan đến phần mềm trong quá trình sử dụng cho các bên; Hỗ trợ chi phí cho khách hàng sử dụng phần mềm VFSC đăng ký chứng nhận với VinaCert với mức bằng 70% giá trị hợp đồng chứng nhận và 100% giá trị hợp đồng đánh giá giám sát chu kỳ đầu;…

VFSC là một phần mềm mở, áp dụng công nghệ Block Chain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam theo nguyên tắc “Từ trang trại đến bàn ăn” cho các trang trại chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và cây cảnh.

VFSC xây dựng các tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên cơ sở các tiêu chuẩn VietGAP; AseanGAP; GlobalG.A.P; ASC.

Các trang trại khi tham gia VFSC sẽ được NFSI chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn VFSC theo phương thức chứng nhận điện tử. Còn việc chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn VietGAP/AseanGAP/GlobalG.A.P/ASC phụ thuộc vào các tổ chức đánh giá sự phù hợp là đối tác của VFSC.

Tham gia VFSC các trang trại sẽ có những lợi ích chủ yếu sau:

1. Từng bước giúp nông dân Việt Nam trở thành những người nông dân biết hoạch định công việc của mình;

2. Giúp người nông dân quản lý trang trại của mình một cách cụ thể để từ đó có cơ sở hạch toán chính xác hiệu quả công việc;

3. Trợ giúp nông dân sử dụng vật tư phù hợp, đúng chất lượng;

4. Giúp nông dân biết được nhu cầu của thị trường để từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp tránh tình trạng được mùa mất giá trong tương lai gần;

5. Giúp nông dân truyển tải thông tin đến người tiêu dùng biết được chất lượng sản phẩm của mình một cách chính xác, tin cậy và kịp thời;

6. Giúp nông dân áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, AseanGAP, GlobalG.A.P, ASC được thuận lợi, giảm thiểu tối đa việc ghi chép hồ sơ giấy;

7. Giúp nông dân có đủ thông tin chính xác, tin cậy để cung cấp cho đối tác, bạn hàng về chất lượng sản phẩm của mình. Dữ liệu mà VFSC thu thập được là cơ sở truy xuất điện tử nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của mỗi trang trại;

8. Nông dân có thể được hưởng một số ưu đãi từ các đối tác (cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khuyến nông, tổ chức đánh giá sự phù hợp…) của VFSC thông qua các thỏa thuận cam kết giữa các đối tác với VFSC;

9. Giúp người tiêu dùng có thể biết được chính xác nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm mà mình đã trả tiền;

10. Giúp cơ quan khuyến nông dễ dàng tiếp cận theo dõi và giúp đỡ các trang trại về kỹ thuật, quản lý sâu bệnh, dịch bệnh một cách nhanh chóng, kịp thời.

Bình luận