Theo dòng sự kiện

Blockchain - Nền tảng đưa nông nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế

02/06/2020, 16:53

TNNN – Công nghệ blockchain sẽ là nền tảng vững chắc để hơn 11.000 hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm vươn tầm quốc tế.

​Theo các chuyên gia Viện an toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI), công nghệ blockchain mang lại nhiều tính năng vượt trội khi sử dụng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Tính bền vững, không thể làm giả; tính minh bạch; bảo mật dữ liệu; hợp đồng thông minh.

Blockchain - Nền tảng của VFSC

Dựa trên nền tảng của Internet vạn vật (IoT – Internet of Things), ứng dụng blockchain sẽ phát huy cao nhất các chức năng: Truy xuất nguồn gốc, kết nối người dùng, kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ quản lý doanh nghiệp, quản lý sản xuất, tạo nên hệ sinh thái nông nghiệp sạch, an toàn, minh bạch về thông tin, chất lượng sản phẩm.

Mặc dù thông tin khi đã vào hệ thống blockchain thì không thể thay đổi, có tính bảo mật tuyệt đối, nhưng người sử dụng vẫn có thể xem và truy xuất được những thông tin cần thiết vào mọi lúc, ở mọi nơi.

Do đó, cùng với chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch của các địa phương, việc kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo nên cộng đồng trao đổi thông tin về một sản phẩm cụ thể, loại bỏ những hành vi gian lận thương mại của các tổ chức, cá nhân, tạo ra những liên kết trực tiếp giữa người tiêu dùng với nông trại…

Như vậy, việc hợp tác trong truy xuất nguồn gốc theo chuỗi khép kín sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản, giúp mặt hàng này ổn định hơn về mặt giá cả. Với việc minh bạch trong quản lý theo chuỗi, việc đưa nông sản Việt đến những thị trường khó tính như Liên minh châu Âu, Nhật Bản… sẽ thuận lợi hơn.


​NFSI giới thiệu và triển khai thực hiện VFSC tại Yên Bái, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những lợi ích từ công nghệ blockchain mang lại.

Để góp phần thúc đẩy tiến trình đó, trong một nỗ lực liên quan, Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI) đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Chuỗi An toàn Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Safety chain - VFSC), trong đó, lấy công nghệ blockchain làm nền tảng.

VFSC là một phần mềm mở, được thiết kế để áp dụng cho các trang trại chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản,… thực hiện việc truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc “Từ trang trại đến bàn ăn” đáp ứng yêu cầu các tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn tương ứng (VietGAP, AseanGAP, GlobalG.A.P, ASC).

Các trang trại khi tham gia VFSC sẽ được NFSI chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn VFSC theo phương thức chứng nhận điện tử (e.GAP), và việc đánh giá chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn VietGAP/AseanGAP/GlobalG.A.P/ASC do các tổ chức đánh giá sự phù hợp là đối tác của VFSC thực hiện.

Truy xuất nguồn gốc bằng blockchain nói riêng và ứng dụng công nghệ cao nói chung mở ra hướng đi và phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Nếu nông sản Việt Nam không minh bạch về thông tin, chất lượng,… sẽ yếu thế ngay tại thị trường trong nước. Và khi đó, doanh nghiệp và người nông dân tiếp tục chịu rủi ro với điệp khúc “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”, hay nông sản hàng hóa không có thị trường tiêu thụ,…

Nhận thấy lợi ích và triển vọng của chuỗi an toàn thực phẩm, nhiều doanh nghiệp/ hợp tác xã đã đăng ký tham gia VFSC và đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn VietGAP theo phương thức điện tử: Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Life Green (thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái); Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh (thôn Vân Giữa, xã Vân Hội, Tam Dương, Vĩnh Phúc); Công Ty TNHH MTV Dịch vụ và Chăn nuôi gà đồi Yên Bái (Tổ dân phố số 8, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái),…

Theo bà Đặng Thị Hương, Giám đốc Chứng nhận Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert, khi tham gia VFSC, thay vì phải ghi chép trên giấy, toàn bộ hồ sơ VietGAP sẽ được khách hàng thực hiện trên điện thoại thông minh (smartphone) dưới dạng các file ảnh.

Doanh nghiệp/ hợp tác xã đăng ký tham gia VFSC sẽ được cung cấp và hướng dẫn áp dụng phần mềm e.GAP vào công việc thực hành sản xuất của đơn vị. Dựa trên phần mềm này mà tổ chức chứng nhận theo dõi, kiểm tra được thường xuyên việc áp dụng VietGAP của khách hàng.

Việc đánh giá chứng nhận, đánh giá giám sát cũng được tổ chức chứng nhận thực hiện thông qua truy xuất hồ sơ điện tử. Doanh nghiệp/ hợp tác xã áp dụng e.GAP sẽ không phải tiếp đón đoàn đánh giá đến đánh giá trực tiếp tại hiện trường như trước đây.

Là đơn vị đã áp dụng và được VinaCert đánh giá chứng nhận bằng phương thức e.GAP, ông Nguyễn Khắc Hoàng, chuyên viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc - kiêm Trưởng ban Kiểm soát của Hợp tác xã Rau An toàn Vân Hội Xanh cho biết: khi mới tham gia VFSC và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn gặp một số trở ngại, nhưng với sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, tận tâm, chuyên nghiệp của các chuyên gia, chuyên viên VFSC, đến nay hợp tác xã đã đạt được những kết quả quan trọng, thương hiệu rau VietGAP của “Vân Hội Xanh” ngày càng được khẳng định và thị trường liên tục được mở rộng.


Một cuộc đánh giá chứng nhận online do các chuyên gia VinaCert thực hiện.

EVFTA và cơ hội của ngành nông nghiệp Việt Nam

Xét trên một bình diện khác, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực (dự kiến vào tháng 7/2020), nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như: gạo tấm, các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực.

Các chuyên gia cũng đã nhận định rằng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đến năm 2025 của một số ngành nông sản cũng được dự báo tăng đáng kể, như: gạo (tăng 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%).

Tận dụng được những lợi ích từ EVFTA sẽ là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ sang nền nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt phải thực sự nỗ lực mới có thể vượt qua những hàng rào kỹ thuật của EU.

Bởi trên thực tế, theo Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI Vietnam), một số thị trường trên thế giới yêu cầu minh bạch đến cả giống cây chứ không dừng lại ở việc minh bạch về vùng trồng, hàm lượng chất bảo quản…

Do đó, muốn xuất khẩu nông sản sang các nước EU, trước hết phải chứng minh được diện tích đất trồng, số lượng cây trồng, dự tính sản lượng thu hoạch để đảm bảo nguồn cung, sau mới đến các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cần ứng dụng công nghệ blockchain vào sản xuất để kiểm soát được toàn bộ chuỗi sản xuất, nhận biết khâu đoạn nào đang hợp lý, khâu nào có thể tiết kiệm,… để sắp xếp lại chuỗi sản xuất cho hợp lý hơn, từ đó làm gia tăng giá trị của chuỗi.

Vũ Hải

Bình luận