Bốn vũ khí hữu hiệu cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu
TNNN - Một nhóm các chuyên gia về vật lý, địa lý, khoa học giáo dục và khí hậu đã đề xuất 4 biện pháp táo bạo nhưng cấp thiết mà chính phủ các nước nên thực hiện nhằm giảm khí thải toàn cầu, chống lại biến đổi khí hậu.
- Phân tích các chỉ tiêu đánh giá chất lượng nước uống
- Phân tích và đánh giá chất lượng thức ăn chăn nuôi
Năm 1896, nhà khoa học người Thụy Điển Svante Arrhenius đã khám phá ảnh hưởng của các loại khí hấp thụ nhiệt trong khí quyển tới nhiệt độ Trái đất. Ông tính toán rằng, nồng độ cacbon dioxit (CO2) cứ tăng gấp đôi thì nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên 5 độC. Chỉ hơn một thế kỷ sau, thế giới chứng minh dự đoán của Arrhenius là đúng. Nếu nhịp độ phát thải cacbon hiện tại không thay đổi, đến năm 2100, Trái Đất sẽ nóng hơn 4,8 độC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Dưới đây là bốn biện pháp được các chuyên gia uy tín trong nhiều lĩnh vực đề xuất:
1. Trồng thêm nhiều cây xanh
Theo tính toán của một nghiên cứu gần đây, bổ sung thêm 900 triệu ha diện tích cây che phủ trên toàn thế giới sẽ tăng khả năng lưu trữ lượng carbon trong khí quyển hiện tại lên tới 25%. Ngoài ra, rừng cũng hoạt động như một yếu tố giúp tăng lượng mưa và giảm nhiệt độ khí quyển nói chung.
Dự án bảo tồn cây lớn nhất Australia, Gondwana link đã đặt mục tiêu tái kết nối các hệ sinh thái bị chia rẽ nhằm tạo nên một hành lang cây xanh trải dài liên tục 1000km. Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi phải chấm dứt các công tác giải phóng mặt bằng và tổ chức một chiến dịch trồng cây quy mô lớn ở mọi khu vực có thể. Nếu một chương trình trồng cây tầm cỡ toàn cầu như vậy được thực hiện, nó sẽ tạo cơ hội việc làm khổng lồ cho các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, các ưu đãi và quan hệ đối tác cần thiết cho dự án này sẽ phải huy động nguồn vốn từ nguồn thuế môi trường, cụ thể là thuế phát thải cacbon.
Hình minh họa. Nguồn:CHRISTIAN BRUNA / EPA
Bên cạnh đó, việc khử mặn bằng năng lượng tái tạo sẽ trở nên cần thiết tại một số khu vực có điều kiện môi trường khô hạn nhằm đảm bảo nguồn nước cần thiết cho rừng cây. Trùng hợp thay, một công nghệ mới đã ra đời giúp giải quyết nhu cầu này: công nghệ khoáng hóa cacbon.
2. “Hóa đá” cacbon
Khoáng hóa carbon là công nghệ chuyển hóa carbon dioxide thành các khoáng chất cacbonat nhờ mô phỏng sự hình thành vỏ sò và đá vôi trong tự nhiên.
Trong suốt quá trình phát triển công nghệ trên, nhiều kỹ thuật đã được nghiên cứu và đề xuất, chẳng hạn như giữ lại cacbon dioxide từ các nhà máy công nghiệp và cho sục khí qua nước muối tại các nhà máy khử muối, hoặc dùng vi khuẩn giữ CO2 từ các mỏ quặng niken. Các phương pháp này có tiềm năng giữ không cho CO2 phát thải ra môi trường và tạo ra các sản phẩm phụ hữu dụng là các loại vật liệu xây dựng. Các nhà máy khoáng hóa cacbon mẫu đang được thử nghiệm tại Australia với mục tiêu đẩy nhanh quá trình phát triển và tiến đến thương mại hóa.
3. Tăng tính phản xạ cho bề mặt Trái Đất
Quản lý bức xạ mặt trời là các kỹ thuật giúp phản xạ năng lượng mặt trời trở lại không gian, giúp chống lại sự nóng lên của Trái Đất.
Những mái nhà màu trắng trên đảo Santorini của Hy Lạp có thể giúp phản xạ ánh sáng mặt trời và giảm nhiệt độ. Nguồn ảnh: Yvette Kelly / AAP
Việc thay đổi mức độ phản xạ của một bề mặt sẽ giúp giảm nhiệt lượng hấp thụ một cách đáng kể và tạo hiệu ứng làm mát. Tại các thành phố lớn, những phương pháp đơn giản để thực hiện điều này có thể kể tới như sơn mái nhà màu trắng (với những mái có màu tối), phủ đá vôi lên mặt đường nhựa. Ở các trang trại, người ta có thể giữ lại các gốc rạ qua mùa hè và trồng các cây màu nhạt hơn.
4. Tái thiết kế hệ thống giao thông
Các cơ chế kinh tế là yếu tố cốt lõi trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và vận chuyển không phát thải. Đến nay, ước tính ngành vận tải quốc tế đã thải ra khoảng 800 triệu tấn cacbon dioxit trong 2015, con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.
Các nghiên cứu cho rằng nên giảm 20% giới hạn tốc độ đối với những con tàu vận tải không chạy bằng năng lượng tái tạo nhằm giảm mức sử dụng nhiên liệu. Australia hiện đang có tiềm năng đi đầu với mô hình tính phí neo đậu cho tàu thuyền dựa trên tốc độ tàu chạy được giám sát bởi vệ tinh.
Theo các chuyên gia, Australia cũng nên làm theo Na Uy, đề xuất các gói ưu đãi tài chính hào phóng nhằm khuyến khích sử dụng các phương tiện không phát thải chạy bằng hydro hoặc điện, chẳng hạn như miễn thuế bán hàng, xây dựng một số bãi đậu xe miễn phí. Các hình thức này đã cho kết quả tích cực tại Na Uy: xe ô tô chạy hoàn toàn bằng điện chiếm gần 60% sản lượng xe ô tô mới được bán ra.
Dù một số công nghệ vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển: hoặc quá tốn kém hoặc cần chờ quá lâu để thực hiện, song con người cần phải triển khai mọi phương pháp có thể sử dụng được bởi khí thải toàn cầu đang không ngừng gia tăng. Để phát huy hiệu quả của những “vũ khí” trên, chính phủ các nước cần quản lý, lãnh đạo và liên kết chặt chẽ nhằm kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng. Bởi lẽ, mục đích cuối cùng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không phải để thắng cuộc, mà là để phòng tránh hậu quả tàn khốc trong tương lai.
Phạm Nhật theo Conversation
Nguồn: KHoa học & Phát Triển
Bình luận
Tin khác
Sắp diễn ra hội thảo “Chất lượng nước - Những kỹ thuật mới nhất trong kiểm soát và đánh giá chất lượng”
Chỉ số đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
TCVN 13751:2023 - Tiêu chuẩn quốc gia đối với chuyên gia năng suất
Triển lãm Dụng cụ Khoa học lần thứ 35 (JASIS 2023) có gì mới?
Nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam trong công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm
Tin cũ hơn