Kỹ sư 80 tuổi đề xuất làm bê tông chắn sóng từ… nhựa
TNNN - KS Nguyễn Đình Dương, nguyên cán bộ Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công Thương) vừa công bố nghiên cứu chế tạo bê tông từ các khối đá nhựa để đắp đê, kè.
Tận dụng nhựa phế thải
KS Nguyễn Đình Dương (86 tuổi) vừa công bố đề tài có tên “Đề án sản xuất khối đá nhựa sẽ phù hợp thực hiện các công trình đắp đê kè cho đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và các vùng ven biển”. Dù được nghiên cứu từ năm 2012, nhưng đến nay KS Nguyễn Đình Dương mới chính thức công bố do đã hoàn thiện quy trình công nghệ đầy đủ. Sử dụng rác thải nhựa nilon sản xuất đá nhựa thay đá xanh, đổ bê tông các công trình là tâm huyết nghiên cứu trong nhiều năm của ông. Đây là nghiên cứu được đánh giá mở ra triển vọng lớn trong sản xuất các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, đồng thời bảo vệ môi trường khi lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra môi trường còn lớn.
Loại bê tông nhựa này có thể tận dụng rác thải nhựa nilon và các loại rác thải rắn như cát, sỏi, xỉ than, sành sứ, thủy tinh, rác thải y tế… đúc thành khối bê tông nhựa để đắp đê kè cho đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và các vùng ven biển…Các loại rác thải thu gom về nhà máy sau đó được phân loại, xử lý theo từng công đoạn. Sau đó đong theo đúng tỷ lệ kỹ thuật chuyển vào nhà máy gia công nhiệt để các chất liệu nhựa nilon chảy hoàn toàn nhào trộn với các loại phôi liệu theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc còn lại là cho đổ vào khuôn mẫu theo yêu cầu thiết kế.
Một loại kè chắn sóng biển bằng bê tông cốt thép.
“Nếu như bê tông thông thường, xi măng là chất kết dính của đá, cát sỏi, thép… thì ở đây nilon chính là chất kết dính với các vật liệu khác như xỉ than của các nhà máy nhiệt điện, sành sứ, rác thải. Điều đặc biệt là loại vật liệu này không bị nước biển ăn mòn, có tuổi thọ rất dài”, KS Nguyễn Đình Dương cho biết.
Theo KS Nguyễn Đình Dương, ông đã nghiên cứu thử nghiệm ở Hải Phòng với 100 tấn (gồm 10 khối) lắp ghép cho thấy chúng rất bền, chắc bởi mỗi khối nặng 10 tấn. Chỉ cần đặt lên mặt bùn cát và lắp ghép các khối khác lên trên. Trọng lượng lớn sẽ khiến nền cát lún xuống dần dần, không cần thiết phải đóng cọc hay làm bất cứ gì để đảm bảo ổn định của đê kè.
Sẵn sàng chuyển giao không tính toán đến kinh tế
Theo KS Nguyễn Đình Dương, các khối bê tông nhựa được đúc theo khối lớn, được thiết kế có rãnh để lắp ghép và nối với nhau theo các chiều ngang, dọc. Đề án sản xuất khối đá nhựa sẽ phù hợp với tình hình đất đai ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là có thể ngăn mặn, ngăn triều cường ở các tỉnh Nam Bộ. Hiện trên cả nước còn tồn đọng rất nhiều rác thải chưa được xử lý tái chế, gánh nặng cho môi trường ngày càng tăng. Việc đưa công nghệ này vào sản xuất sẽ giúp xử lý được số rác thải nhựa hiện nay, đồng thời là một giải pháp công nghệ hữu ích để ngăn mặn, giúp bà con sản xuất nông nghiệp hạn chế thiệt hại.
Các khối đá nhựa này nếu triển khai sẽ được lắp ghép theo mẫu và không bị sóng biển phá vỡ, không bị nước biển ăn mòn như các công trình đê kè sử dụng xi măng, sắt thép. Ngày 14/9/2012, Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, đồng thời là chủ sở hữu cho ông Nguyễn Đình Dương vì đã có công trình nghiên cứu “Sử dụng rác thải nhựa nilon sản xuất đá nhựa thay đá xanh, đổ bê tông các công trình”.
Ở tuổi 86, KS Nguyễn Đình Dương mong muốn sẽ có doanh nghiệp đặt vấn đề sản xuất, ông sẵn sàng hướng dẫn chuyển giao toàn bộ công nghệ mà không cần tính toán đến các yếu tố khác như tiền bản quyền. Ai có nhu cầu, ông sẵn sàng hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết công nghệ để thực hiện. Tuy vậy, vì là dây chuyền công nghệ nên phải có nhà xưởng khá rộng lớn để xử lý nguyên vật liệu trước khi cho vào phối trộn. Công thức phối trộn theo một tỷ lệ nhất định đã được ông nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉ cần áp dụng là sẽ thành công.
Nguồn: Khoa học & Đời sống