Theo dòng sự kiện

Phát hiện protein gây kháng hóa trị ở một số bệnh ung thư

07/08/2019, 02:32

Từ việc phát hiện và lý giải nguyên nhân gây hiện tượng kháng một loại thuốc hóa trị ung thư phổ biến, đã mở ra tiềm năng phòng ngừa, phát hiện và áp dụng các quy trình điều trị thay thế.

Kháng hóa trị là hiện tượng các tế bào ung thư vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển trong quá trình sử dụng các biện pháp điều trị ung thư. Trong nhiều trường hợp, ung thư có thể phát triển khả năng kháng lại nhiều loại thuốc khác nhau, hay còn gọi là đa kháng.

Nghiên cứu được thực hiện bởi TS. Hamsa Puthalakath thuộc Đại học La Trobe (Úc) đã phát hiện và lý giải nguyên nhân gây hiện tượng kháng một loại thuốc hóa trị ung thư phổ biến, từ đó mở ra tiềm năng phòng ngừa, phát hiện và áp dụng các quy trình điều trị thay thế.


Hiện tượng kháng thuốc hóa trị là một trong những nguy cơ hàng đầu đe dọa sự sống của bệnh nhân ung thư. Các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân gây hiện tượng kháng 5-FU, một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong hóa trị. Nguồn ảnh: Shutterstock

5-Fluorouracil (5-FU) là loại hóa trị được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị ung thư vú, ung thư trực kết tràng và một vài dạng ung thư hiếm gặp khác. Tuy nhiên, ở một số trường hợp bệnh nhân phát triển tình trạng kháng thuốc, khiến quy trình điều trị đi vào ngõ cụt.

Trong khi nguyên nhân gây ra hiện tượng này vẫn chưa được làm rõ, TS. Puthalak đã so sánh các loại ung thư kháng với các loại ung thư không kháng lại 5-FU.

Trong bài báo đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, ông đã công bố việc phát hiện một thuộc tính khác của một protein được gọi là BOK.

Theo đó, giữa BOK và một loại enzyme là UMPS có sự liên kết giúp tăng cường khả năng phát triển của tế bào. Nếu không có BOK, các tế bào sẽ gặp khó khăn khi tổng hợp DNA và không thể phát triển được. Khi liên kết với UMPS, protein BOK cũng đồng thời chuyển hóa 5-FU, lẽ ra ở dạng tương đối bất hoạt, thành một loại thuốc tiêu diệt tế bào.

Một số bệnh ung thư có khả năng tắt cơ chế hoạt động của BOK, giữ cho 5-FU ở dạng bất hoạt và các tế bào được an toàn. Do không có BOK, hiệu quả hoạt động của UMPS bị giảm từ 3 đến 5 lần, từ đó cũng làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư, nhưng chỉ là tạm thời.

Nếu tế bào ung thư tồn tại đủ lâu, chúng có nguy cơ phát triển thành dạng đột biến P-53 và gần như không thể tiêu diệt. Nếu chúng kích hoạt BOK trở lại thì có rất ít khả năng để chúng ta ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển.

Hiện tại, TS. Puthalakath đang nghiên cứu một loại thuốc mô phỏng vai trò của BOK trong quá trình biến đổi 5-FU mà các tế bào ung thư không thể dễ dàng ngăn chặn. Giống như tất cả các loại thuốc mới, để được đưa vào sử dụng, sẽ cần nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm.

Một phương pháp khác đòi hỏi ít thời gian hơn là bài test BOK, từ đó tính toán tỉ lệ kháng hóa trị ở bệnh nhân. Nếu tỉ lệ kháng thuốc quá cao, 5-FU sẽ được thay thế bằng các loại thuốc điều trị ung thư khác.

Nguồn: https://www.iflscience.com/health-and-medicine/a-protein-explains-why-some-cancers-resist-chemotherapy/

Bình luận