Theo dòng sự kiện

Sửa đổi Luật SHTT: Bảo vệ quyền sở hữu trong môi trường số

22/03/2021, 12:20

TNNN - Một trong những vấn đề được các luật sư và đại biểu tham dự hội thảo “Tham vấn về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT” diễn ra tại TP HCM ngày 12/3/2021 đặc biệt quan tâm là quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số.

Hầu hết mọi người đều kỳ vọng lần sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
 
 
Bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” đã bị một số người lén phát trực tiếp trên mạng xã hội khi đang chiếu tại rạp, gây nhiều thiệt hại cho nhà sản xuất. Ảnh: Poster phim “Cô Ba Sài Gòn”. Nguồn: medium.com
 
Tháng 8/2020, công ty VNG Corporation (Việt Nam) đã khởi kiện TikTok - nền tảng mạng xã hội chuyên đăng tải các video ngắn của Trung Quốc vì cho rằng TikTok đã xâm phạm bản quyền các bài hát thuộc sở hữu của Zing (công ty con của VNG). VNG đã nộp đơn kiện lên Tòa án nhân dân TP.HCM, yêu cầu Tik Tok ngừng sử dụng nhạc của Zing và bồi thường 9,5 triệu USD (khoảng 221 tỉ đồng). Dù chưa biết kết quả vụ kiện sẽ đi về đâu song đến nay, người dùng vẫn có thể dễ dàng tìm kiếm các bài hát thuộc sở hữu của Zing trên TikTok.
 
Vụ kiện “vô tiền khoáng hậu” này là một trong những hệ quả xuất phát từ tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số ở Việt Nam. Mới đây, báo cáo “Các thị trường mua bán các sản phẩm giả mạo sở hữu trí tuệ và vi phạm bản quyền năm 2020” của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã công bố trang web phimmoizz.net - một trong những website được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam, đã đăng tải trái phép hàng ngàn bộ phim. Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và trên môi trường số nói riêng không chỉ gây thiệt hại cho người kinh doanh chân chính mà còn khiến các doanh nghiệp nước ngoài “e ngại” khi đầu tư vào Việt Nam.
 
Việc giảm thiểu các trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số như VNG và TikTok được kỳ vọng sẽ trở thành hiện thực thông qua dự án sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay. Bên cạnh việc đáp ứng các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gần đây, “mục tiêu của việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ là xử lý vướng mắc trong thực tiễn thi hành, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh trong hội thảo “Tham vấn về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT” do Bộ KH&CN phối hợp với Bộ VHTT&DL và Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 12/3.
 
Bên trung gian không thể bác bỏ trách nhiệm
 
Việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt là trên môi trường số. Bởi lẽ, các đối tượng vi phạm có thể dễ dàng “biến mất” và tiếp tục hành vi xâm phạm thông qua việc lập một website hay tài khoản khác. Chẳng hạn trong trường hợp phimmoizz.net, trước đây vốn có địa chỉ là phimmoi.net. Tuy nhiên, khi bị phát hiện và phải đóng cửa, những đối tượng vi phạm đã nhanh chóng lập một website mới tương tự là phimmoizz.net. Những đơn vị lớn như Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cũng nhiều lần “lao đao” trước tình trạng xâm phạm quyền tác giả (quyền đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học,…) và quyền liên quan (quyền đối với bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng,…) trên môi trường số. Năm 2018, VTV đã gửi công văn “kêu cứu” Bộ TT&TT vì chỉ ba ngày sau khi khai mạc World Cup, VTV đã phát hiện hơn 700 trường hợp vi phạm bản quyền phát sóng giải đấu này trên mạng. Nếu không kịp thời ngăn chặn, để tín hiệu phát sóng tràn ra ngoài lãnh thổ thì Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) có thể dừng sóng bất cứ lúc nào, gây thiệt hại cho đơn vị mua bản quyền cũng như người xem ở Việt Nam.
 
Trước thực tế này, dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ đã bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, bao gồm nhà cung cấp dịch vụ internet. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, xử lý các thông tin được lưu trữ, truyền đi trên mạng internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; đồng thời, phải gỡ bỏ và xóa nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cung cấp thông tin về khách hàng thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số và khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian khác khi nhận được yêu cầu của thanh tra hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Quy định này đã góp phần giải quyết bức xúc bấy lâu nay của nhiều chủ sở hữu có tác phẩm bị xâm phạm bản quyền trên internet. Có người từng liên hệ với bên trung gian để yêu cầu giải quyết thì “họ nói họ chỉ là đơn vị lưu trữ thôi”, luật sư Phan Vũ Tuấn ở công ty luật Phan Law kể lại. “Câu nói này của họ dường như bác bỏ trách nhiệm nhưng trên thực tế, việc lưu trữ sản phẩm không bản quyền của họ tương tự như việc lưu trữ ‘hàng hóa lậu’”.
 
Việc quy định trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ trung gian trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số không chỉ thực hiện cam kết của Việt Nam trong hiệp định EVFTA mà còn là hướng đi phù hợp với thế giới hiện nay. Ngoài quyền tác giả và quyền liên quan, ở những quốc gia phát triển trên thế giới, trách nhiệm của bên trung gian còn được mở rộng sang lĩnh vực sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,...). Chẳng hạn, trước những phản hồi của doanh nghiệp về nạn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên sàn thương mại điện tử Amazon (Hoa Kỳ), Amazon đã tìm cách áp dụng các biện pháp công nghệ để truy dấu đối tượng vi phạm.
 
Dù nhận thấy đây là bước tiến bộ song các chuyên gia vẫn mong muốn quy định này có thể linh hoạt hơn để việc xử lý nhanh chóng, tiết kiệm thời gian hơn. Cụ thể, khi phát hiện hành vi xâm phạm, thay vì gửi yêu cầu thông qua cơ quan thanh tra,... chủ sở hữu quyền tác giả/quyền liên quan có thể gửi thẳng yêu cầu đến đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian. “Dự thảo quy định bên trung gian chỉ gỡ bỏ tác phẩm xâm phạm quyền khi có yêu cầu của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, thực tế các hành vi xâm phạm bản quyền thường diễn ra và được lan truyền rất nhanh chóng, chẳng hạn một trận bóng đá chỉ diễn ra khoảng 90 phút, trong thời gian đó, liệu chúng tôi có kịp làm đơn gửi cơ quan thanh tra không, họ có kịp yêu cầu người ta tháo xuống không? Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi mong muốn chủ sở hữu quyền tác giả/quyền liên quan cũng được yêu cầu bên cung cấp dịch vụ trung gian tháo gỡ”, luật sư Phan Vũ Tuấn nêu ý kiến.
 
Thực ra, các nhà quản lý cũng nhận thấy vấn đề này, nhưng vấn đề là “chúng tôi đang phải nghiên cứu xem xét sao cho việc sửa đổi phù hợp với thực tiễn”, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết. “Điều này liên quan đến hai vấn đề, thứ nhất làm thế nào để đáp ứng việc nhanh chóng và kịp thời gỡ bỏ trong môi trường số, thứ hai là làm thế nào để tránh tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu gỡ bỏ. Chẳng hạn, người ta mất rất nhiều tiền đầu tư để có số lượng view nhất định, nhưng nếu có người lạm dụng quyền khiến các sản phẩm này phải tháo gỡ ngay lập tức thì sẽ gây thiệt hại. Đây là bài toán chúng tôi đang phải xem xét”.
 
Tháo gỡ vướng mắc trong tranh chấp quyền tác giả
 
Với mục tiêu đảm bảo hiệu quả của các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, dự thảo sửa đổi lần này đã đề xuất nội dung về giả định quyền tác giả và quyền liên quan. Cụ thể, trong các thủ tục tố tụng dân sự, hành chính, hình sự về quyền tác giả và quyền liên quan, nếu không có bằng chứng ngược lại thì tổ chức, cá nhân được nêu tên theo cách thông thường là tác giả, nhà sản xuất, tổ chức phát sóng,... sẽ được coi là chủ thể quyền đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng,...
 
Bước tiến mới này sẽ góp phần gỡ bỏ không ít vướng mắc trong thực tế xử lý các trường hợp vi phạm và tranh chấp quyền tác giả, quyền liên quan. Chẳng hạn để chứng minh là chủ sở hữu của một bộ phim, phải chứng minh bằng cách nào? Làm sao có thể lấy được chữ ký của tất cả các diễn viên? Do vậy, theo luật sư Phan Vũ Tuấn cần có quy định về giả định quyền tác giả, quyền liên quan, những người đứng tên trên đó đương nhiên được coi là chủ sở hữu cho đến khi có chứng cứ ngược trở lại.
 
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận