Theo dòng sự kiện

Tăng mức xử phạt khi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

04/03/2021, 10:24

TNNN – Đây là một trong những nội dung tại Nghị định 14/2021/NĐ-CP ngày 01/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/04/2021.


Chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert đánh giá chứng nhận hợp quy sản phẩm thức ăn chăn nuôi tại  Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P.Việt Nam - Chi nhánh Hải Dương. Ảnh  minh họa: Vũ Hải

Nghị định 14/2021/NĐ-CP áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, quy định chi tiết về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi.

Các hành vi vi phạm hành chính khác về chăn nuôi không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Liên quan đến vi phạm quy định về công bố thông tin sản phẩm và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, khoản 2 Điều 15 nêu rõ: Phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không lưu mẫu, không lưu kết quả thử nghiệm thức ăn chăn nuôi theo quy định; b) Không thực hiện quy trình kiểm soát chất lượng hoặc thực hiện không đầy đủ các nội dung trong quy trình kiểm soát chất lượng; c) Không ghi và lưu nhật ký sản xuất theo quy định”.

Tại khoản 4 Điều 17 “Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi” quy định: Phạt tiền từ 07 đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin sản phẩm trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trừ trường hợp nhập khẩu để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm, nuôi thích nghi, nghiên cứu, khảo nghiệm, làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm, sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu.

Khoản 5 Điều 17 quy định: Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sai mục đích so với giấy phép nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm, nuôi thích nghi, nghiên cứu, khảo nghiệm, làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm, sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu.

Với vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn, Khoản 5 và 6 Điều 26 quy định: “Phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động chăn nuôi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi; Phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi”.

Đáng chú ý tại Nghị định này là hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt đến 80 triệu đồng. Theo đó, phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu đã đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì mức phạt được áp dụng là từ 70 đến 80 triệu đồng.

Nghị định này cũng quy định hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích kích thích sinh trưởng sẽ bị phạt tiền từ 01 đến 03 triệu đồng đối với chăn nuôi nông hộ; phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng đối với chăn nuôi trạng trại quy mô nhỏ; chăn nuôi trang trại quy mô vừa bị phạt từ 05 đến 07 triệu đồng; và đối với trang trại quy mô lớn thì mức phạt này là 07 đến 10 triệu đồng.

Minh Tâm

Bình luận