Theo dòng sự kiện

Thúc đẩy công nghệ sinh học để doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng hưởng lợi

07/04/2020, 16:02

TNNN -Tính đến năm 2020, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành công trong việc ứng dụng công nghệ sinh học, nhất là trong lĩnh vực chế biến.

Ứng dụng các công nghệ sinh học bước đầu đạt nhiều thành công

Thực hiện Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai thành công Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

Công nghệ sinh học là một trong những lĩnh vực được Nhà nước đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển đến 2020. Hiểu một cách đơn giản, Công nghệ sinh học là ngành nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật để tạo ra sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp với các sản phẩm sinh học phục vụ cho lợi ích của con người, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, các sản phẩm của ngành Công nghệ sinh học được ứng dụng trong đời sống như: sản xuất thuốc, thức ăn; điều chế và sản xuất hóa chất công nghiệp; phát triển giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ di truyền, xét nghiệm trong y khoa; giải quyết các vấn đề môi trường;…


Thúc đẩy ngành công nghệ sinh học góp phần mang đến diện mạo và sức cạnh tranh mới cho nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Tính đến năm 2020, Ban Điều hành Đề án đã phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện tổng số 148 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó có 97 đề tài (chiếm 65,5%) và 51 dự án sản xuất thử nghiệm (chiếm 34,5%).

Theo đó, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành công trong việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để sản xuất, chế biến thực phẩm như: Các chế phẩm vi sinh phục vụ công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu hoá dược, sản phẩm phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng.

Thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh so với giá sản phẩm nhập ngoại cùng loại, bước đầu đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng Việt Nam như các sản phẩm: Thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ phòng và điều trị bênh ung thư, các bệnh nhiễm HIV/AIDS, viêm gan (Spobio Immunobran Kid, Spobio Immunobran) do Công ty Cổ phần ANABIO R&D nghiên cứu, sản xuất từ cám gạo Việt Nam; sản phẩm isoflavon có tác dụng hỗ trợ điều trị rối loạn mỡ máu, tim mạch, điều hoà hoócmon từ đậu tương do Công ty Cổ phần thực phẩm Quốc tế chủ trì sản xuất với giá thành khoảng 60 - 70% so với sản phẩm ngoại nhập; các sản phẩm surimi và một số sản phẩm từ surimi do Công ty Seaprodex Hải Phòng tiếp nhận công nghệ và sản xuất, đã đem lại lợi nhuận khoảng trên 5 tỷ triệu đồng/năm (cho 1 dây chuyền 1.000 tấn năm).

Bên cạnh đó, xuất hiện các công nghệ sạch giải quyết các “vấn nạn” ô nhiễm môi trường từ các phụ phẩm trong quá trình chế biến tôm tại vùng đồng bằng sông Cửu long, tạo ra các sản phẩm thực phẩm (bột tôm, gia vị bổ sung bột tôm, nước mắm), thức ăn chăn nuôi, chất dẫn dụ cho thức ăn thủy sản có giá trị kinh tế cao từ nguyên liệu đầu, vỏ tôm và cá cơm bằng quy trình khép kín tại Công ty TNHH MTV Sản xuất TM-DV Ðại Phát, các sản phẩm của Công ty được bán rộng rãi trên thị trường, đạt doanh thu hàng trăm tỷ/năm.

Đột phá công nghiệp sinh học trong lĩnh vực chế biến

Đánh giá về kết quả đạt được của Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn từ năm 2007 – 2020, phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến của Bộ Công Thương đã có những bước phát triển có tính đột phá, đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế của ngành Công Thương cũng như của đất nước, cơ bản hoàn thành các mục tiêu được Đảng và Nhà nước giao trong Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh thêm, có được sự thành công này là nhờ sự chung tay, vào cuộc của toàn ngành và vai trò không nhỏ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp và lấy doanh nghiệp là trung tâm, góp phần mang đến diện mạo và sức cạnh tranh mới cho nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Trong đó cần hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển công nghệ sinh học thành công nghiệp sinh học trong lĩnh vực chế biến. Tiếp tục tăng cường, thúc đẩy đưa công nghệ, sản phẩm vào thực tiễn sản xuất và thị trường tiêu thụ nhằm tạo ra GDP từ chính các công nghệ tiềm năng đã được nghiên cứu triển khai trong giai đoạn trước. Đồng thời tiếp thu tiến bộ của các nước trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm từ công nghệ sinh học trong các lĩnh vực công nghiệp để trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục vụ an sinh xã hội. Đặc biệt cần tập trung vào khả năng cạnh tranh về công nghệ; định hướng tới nguồn nguyên liệu; kết nối, chuyển giao công nghệ… nhằm hướng tới phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học.  

Trong giai đoạn 2007 - 2020, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) của Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 được triển khai theo 5 định hướng phát triển nghiên cứu chính, gồm: Ứng dụng công nghệ, thiết bị lên men vi sinh để sản xuất, chế biến thực phẩm; ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất, chế biến nguyên liệu hóa dược; ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các chế phẩm vi sinh, enzyme phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng; ứng dụng công nghệ enzyme để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Tính đến nay, đề án đã triển khai thực tế được 144 nhiệm vụ KH&CN, giúp thúc đẩy hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc ứng dụng công nghệ tại các doanh nghiệp góp phần không nhỏ tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Nhiều sản phẩm có giá thành chỉ bằng 60 - 80% so với sản phẩm ngoại nhập, đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp. Kết quả này đã khẳng định được vai trò của KH&CN trong thực tiễn sản xuất, cũng như đóng góp của KH&CN vào giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến.

Bên cạnh đó, đề án cũng triển khai các hoạt động nhằm tăng cường tiềm lực trong nghiên cứu và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phối hợp triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ theo nhu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh. Đối với công tác tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm, hiện đã có 2 phòng thí nghiệm đang hoạt động tại Viện Công nghiệp thực phẩm (Hà Nội) và Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm (Phú Thọ). Ngoài ra, đề án cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên môn sâu (tiến sĩ, thạc sĩ công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm); hoạt động truyền thông được tăng cường đẩy mạnh, nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho các tổ chức, cá nhân trong nước; số lượng đăng ký sở hữu trí tuệ/giải pháp hữu ích và công bố khoa học gia tăng.

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/thuc-day-cong-nghe-sinh-hoc-de-doanh-nghiep-nguoi-tieu-dung-cung-huong-loi-d172243.html

Bình luận