Theo dòng sự kiện

Biến thể Delta Plus đe dọa đảo ngược thành quả chống dịch của thế giới

25/06/2021, 17:06

TNNN – Sau sự xuất hiện của Delta, đến nay biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 với tên gọi là Delta Plus đang là mối đe dọa thành quả chống dịch Covid-19 của toàn thế giới.

Đại dịch COVID-19 đang được kiểm soát khá tốt ở những quốc gia có tốc độ tiêm vaccine nhanh. Tuy nhiên, cuộc đua giữa virus gây bệnh COVID-19 và vaccine vẫn tiếp tục leo thang và tuần này đã leo lên một mức cực điểm mới.

Từ cuối năm 2020, khi biến thể Alpha bắt đầu xuất hiện lần đầu tại Anh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo, càng để virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh trong cộng đồng, càng có nhiều khả năng xuất hiện các biến thể virus có tốc độ lây lan mạnh hơn và nguy hiểm hơn. Thật không may, cảnh báo này đã trở thành hiện thực với mức độ đáng lo ngại tăng dần theo thời gian.

Ấn Độ cảnh báo về biến thể Delta Plus

Một loạt bang tại Ấn Độ ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng có tên Delta Plus, 40 ca nhiễm biến thể này đã được báo cáo. Phiên bản đột biến mới của biến thể Delta khiến Ấn Độ đứng trước nguy cơ hứng chịu làn sóng dịch lần 3 tại đất nước tỷ dân này.

Ngày 20/6, ngành y tế Ấn Độ lần đầu tiên phát đi cảnh báo về các trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi là Delta Plus. Đây là thể mới nhất của biến thể Delta đã được phát hiện trước đó tại Ấn Độ. Các nhà chức trách địa phương đã lập nhiều khu cách ly, phong tỏa tại những nơi phát hiện ra biến thể này.


Ấn Độ đã ghi nhận 40 ca mắc biến thể Delta Plus. (Ảnh: AP)

Biến thể Delta Plus nguy hiểm như thế nào?

Hiện có 4 biến thể SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng lo ngại bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Trong đó, biến thể Delta được coi là nguy hiểm nhất, là chủng lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu, theo cảnh báo mới đây của WHO.

Delta có 2 đột biến khiến nó nguy hiểm hơn phần còn lại gồm đột biến L452R (khiến virus dễ lây lan từ người sang người hơn) và đột biến E484Q (giúp virus tăng khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch, ngay cả người đã mắc COVID-19 cũng có khả năng bị nhiễm biến thể này).

Ngoài những tính chất của Delta, biến thể Delta Plus còn chứa một đột biến bổ sung được gọi là K417N, được tìm thấy trong các biến thể Beta và Gamma. Beta có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong trong đợt nhiễm bệnh đầu tiên ở Nam Phi, trong khi Gamma được cho là có khả năng lây truyền cao.

Biến thể Delta Plus đã xuất hiện ở 9 quốc gia, còn khá ít so với chủng Delta. Giới chức y tế Ấn Độ cho rằng, hiện còn khá sớm để xác định mức độ nguy hiểm của Delta Plus. Tuy nhiên, với các tính chất nguy hiểm trong cấu trúc của biến thể, ngành y tế Ấn Độ khẳng định rằng, họ sẽ phản ứng mạnh để ngăn chặn sớm Delta Plus, không để bài học lây lan không kiểm soát của chủng Delta lặp lại.


Delta có 2 đột biến khiến nó nguy hiểm hơn virus chủng gốc và các biến thể khác. (Ảnh: AP)

Biến thể Delta đe dọa thành quả chống dịch

Như vậy, có thể thấy, Delta vẫn đang là biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất hiện nay. Nếu tiếp tục đột biến, chủng này sẽ gây ra mối đe dọa vô cùng lớn, chỉ riêng việc đối phó với Delta đã làm giới chức y tế các nước hết sức đau đầu. Với khả năng lây nhiễm cao, biến thể Delta có nguy cơ đảo ngược cả những thành quả chống dịch khá ấn tượng tại các quốc gia có độ tiêm chủng nhanh như Mỹ và châu Âu.

Các ca mắc biến chủng Delta chiếm 98% số ca mắc mới COVID-19 tại Anh, 96% tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Italy và khoảng 16% tại Bỉ. Điều này làm dấy lên lo ngại, biến chủng mới có thể cản trở những nỗ lực mà châu Âu đã đạt được trong vòng hai tháng qua trong việc giảm các ca mắc và tử vong do COVID-19 xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm 2020. Biến thể Delta đang lan rộng tại châu Âu, khiến các quan chức y tế châu Âu cảnh báo cần phải hành động để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Phía bên kia Đại Tây Dương, các nhà khoa học ở Mỹ cũng coi biến thể Delta là nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang nhanh chóng mở cửa trở lại.

Biến thể Delta, Delta Plus đe dọa đảo ngược thành quả chống dịch của thế giới - Ảnh 4.


Tự chủ vaccine được xem là bàn đạp chắc chắn, giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. (Ảnh: AP)

Tự chủ vaccine COVID-19 - chìa khóa tiêm chủng thần tốc tại châu Á

Trong bối cảnh nguồn cung vaccine toàn cầu khan hiếm, dịch COVID-19 còn chưa hạ nhiệt, các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chạy đua phát triển vaccine COVID-19 nội địa. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều thuộc danh sách những quốc gia đặt niềm tin vào các ứng viên vaccine được phát triển trong nước để kiểm soát dịch bệnh. Tự chủ vaccine được xem là bàn đạp chắc chắn, giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Trung Quốc

Với 2 loại vaccine được sản xuất nội địa, Trung Quốc đặt khẩu hiệu "sẵn sàng tiêm cho tất cả những ai có thể". Với những điểm tiêm phân bổ rộng khắp với các xe tiêm lưu động, nước này đạt gần 20 triệu liều tiêm/ngày. Mục tiêu 70 - 80% dân số được tiêm vào cuối năm nay hay muộn nhất vào giữa năm 2022 là hoàn toàn "nằm trong tầm tay".

Hàn Quốc

Hàn Quốc có ít nhất 5 hãng dược phẩm đang nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa và đã có ứng viên hiện đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 2. Những liều vaccine nội địa này sẽ có thể đến tay người dân vào cuối năm 2021. Từ đây, thành phố Seoul được kỳ vọng sẽ sớm đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.

Ấn Độ

Ấn Độ đang cho sử dụng rộng rãi hơn 21 triệu liều vaccine nội địa Covaxin, trong khi một loại vaccine khác đã được Chính phủ nước này phê duyệt thử nghiệm giai đoạn 3. Chính phủ Ấn Độ cam kết tiêm chủng cho toàn dân vào cuối năm nay.

Việt Nam

Từ đầu năm 2021, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm trên người những liều Nano Covax và Covivac đầu tiên. Theo Bộ Y tế, nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ có vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên mang tên Nano Covax vào tháng 9/2021. Việc chủ động phát triển vaccine nội địa là rất quan trọng bởi Việt Nam không muốn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung vaccine nhập khẩu.

Nguồn: VTV

Bình luận