Cấy ghép tế bào gốc có thể trị HIV
TNNN - Các nhà khoa học Anh đã tiến thêm một bước quan trọng để có thể điều trị bệnh HIV tận gốc.
Cụ thể, cả hai bệnh nhân tại Anh đã hoàn toàn không tăng nhiễm HIV kể cả khi đã ngừng dùng thuốc điều trị HIV sau khi họ được cấy ghép tế bào gốc cho một bệnh về máu (huyết học). Cả hai bệnh nhân đều trải qua cấy ghép tế bào gốc như là một phần của điều trị ung thư.
Các tế bào gốc của người hiến được cấy ghép có khiếm khuyết gien (CCR5) dẫn đến việc người được ghép thiếu protein CCR5. CCR5 là một gien hình thành nên protein CCR5 nằm trên bề mặt tế bào bạch cầu, bị HIV lợi dụng trở thành nơi giúp vi rút này xâm nhập vào bạch cầu, thành phần chính của hệ miễn dịch người. Người nhiễm HIV sẽ không chết bởi vi rút mà chết vì hệ thống miễn dịch suy yếu khiến những bệnh khác có cơ hội phát tán mạnh hơn.
Cho đến nay, chỉ có một người trên thế giới - Timothy Ray Brown, được biết đến vào năm 2008 với biệt danh "Bệnh nhân Berlin", đã được chữa khỏi HIV. Dù Brown có dấu vết của HIV, nhưng vi rút này không bao giờ hồi phục và hiện anh đang kỷ niệm 12 năm được chữa khỏi HIV.
Việc được cấy tế bào gốc từ một người hiến thiếu CCR5 rất có thể đã bảo vệ hệ thống miễn dịch của Brown chống lại HIV. Ông cũng nhận được hóa trị liệu tích cực, chiếu xạ toàn bộ cơ thể và hai ca cấy ghép tế bào gốc. Trong hơn một thập niên qua, các nhà khoa học đã và đang đau đầu về việc làm thế nào để trị HIV.
Tuy nhiên, nghiên cứu đột phá về hai bệnh nhân tại London và Düsseldorf đã được trình bày tại Hội nghị về Retrovirus và nhiễm trùng cơ hội tại Washington cho thấy cấy tế bào gốc thiếu CCR5 có thể là chìa khóa giúp thành công trong việc chữa HIV.
Cả hai bệnh nhân tại London và Düsseldorf đề đăng ký tham gia chương trình IciStem. IciStem là sự hợp tác quốc tế để hướng dẫn và điều tra khả năng chữa khỏi HIV bằng cách cấy ghép tế bào gốc.
IciStem cũng là chương trình lớn nhất để điều tra việc chữa khỏi HIV sau ghép tế bào gốc, với hơn 22.000 người hiến tế bào gốc khiếm khuyết gien CCR5 và 39 bệnh nhân đã được ghép tế bào này.
"Rõ ràng, đây chưa phải là một lựa chọn cho người nhiễm HIV, ngay cả ở những nước rất giàu, nhưng nó là một bước tiến lớn. Điều này cực kỳ thú vị vì nó làm tăng sự hiểu biết của chúng ta về miễn dịch phức tạp của HIV và sẽ giúp chúng ta hiểu gần hơn với một phương pháp chữa bệnh", Giáo sư Francois Venter, Phó giám đốc điều hành Wits RHI nói.
Theo Motthegioi
Nguồn: Khoa học & Phát triển