Chế phẩm sinh học trừ bọ phấn trắng từ cây thầu dầu và thuốc cá
TNNN - Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM vừa nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm sinh học mới từ các hợp chất của lá cây thầu dầu và thuốc cá, có tác dụng phòng trừ bọ phấn trắng gây hại lớn trên cây trồng, an toàn cho người sử dụng và không ảnh hưởng đến môi trường.
Bọ phấn trắng, là một loại côn trùng gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân trồng rau quả như cà chua, ớt, khoai tây, cà tím, dưa leo, khổ qua, bầu bí, đậu, dưa lưới, dưa hấu,…Chúng hút nhựa ở cây, đẻ trứng ở các lá non, khiến chi cây bị lụi, giảm năng suất và chất lượng sản phẩm, thậm chí là thất thu hoàn toàn. Việc phòng trừ bọ phấn hiện còn gặp nhiều khó khăn, do bọ phấn có tính kháng thuốc hóa học cao và có khả năng bay rất nhanh, rất xa.
Cây thầu dầu (trái) và cây thuốc cá
Theo bà Nguyễn Thị Trang, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, TPHCM), hiện nay trên thị trường cũng có một số chế phẩm sinh học diệt trừ bọ phấn trắng. Tuy nhiên, những chế phẩm này gây chết chủ yếu ở dạng sâu non, nhộng của côn trùng, ít gây chết ở dạng trưởng thành và chưa có chế phẩm nào được sản xuất từ cây thầu dầu và thuốc cá.
Thầu dầu là loài cây bụi phát triển nhanh, tập trung nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, hoạt tính kháng nấm và gây độc ở sâu bọ của dịch chiết cây thầu dầu có chứa chất gây độc mạnh là ricinien. Đặc biệt, ricinien có hầu hết ở các bộ phận của cây thầu dầu. Còn thuốc cá là loài dây leo khỏe, thường mọc thành bụi hoặc tựa vào cây khác. Hoạt chất chính có nhiều trong lá thuốc cá là rotenone, có hoạt tính gây độc cho một số loài côn trùng và sâu bọ.
Chế phẩm sinh học phòng trừ bọ phấn. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Chế phẩm sinh học do nhóm sản xuất có chứa hai hợp chất gây độc mạnh đối với bọ phấn là ricinine và rotenone ở nồng độ rất nhỏ. Đặc biệt, hai hoạt chất này có thời gian phân hủy nhanh khi có nhiều ánh nắng mặt trời (mùa đông 4 – 5 ngày, mùa hè 2 – 3 ngày), thích hợp sử dụng với cả những cây ngắn ngày, có thời gian cách li ngắn, an toàn cho người sử dụng và không ảnh hưởng đến môi trường.
Theo quy trình sản xuất, lá cây sau khi xử lý được sấy ở 50°C đến khi đạt độ ẩm khoảng 12 - 13%, xay nhỏ thành bột. Bột lá của cây thầu dầu, thuốc cá ngâm với dung môi ethanol 98°, rồi được phá vỡ tế bào trong bể siêu âm, loại xác lá và dung môi. Sau khi cô đặc, dịch được chạy sắc ký lỏng cao áp để xác định hàm lượng ricinine và rotenone.
Thử nghiệm chế phẩm trên cây dưa leo. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Chế phẩm dịch chiết lá được pha trộn theo tỷ lệ 50% dịch chiết lá cây thầu dầu, 50% dịch chiết lá cây thuốc cá. Hỗn hợp dịch chiết này trộn với acetone theo tỉ lệ 1:10 đạt khả năng diệt trừ bọ phấn trắng.
Thử nghiệm trên cây dưa leo cho thấy, hiệu lực phòng trừ bọ phấn trắng ở ngoài đồng ruộng đạt 62% sau 7 ngày phun thuốc. Kết quả chạy sắc ký cho thấy, không xác định được hàm lượng ricinine và rotenone trong trái dưa leo sau 7 ngày phun.
Bà Trang cho biết, bọ phấn trắng nằm ở mặt dưới lá nên phải phun kỹ mặt dưới để thuốc tiếp xúc với bọ mới có hiệu quả. Ngoài ra, do bọ thường ẩn ở mặt dưới, di chuyển nhanh nên sau 7 ngày phun, bọ quay trở lại; bởi vậy, để tăng cường hiệu lực của thuốc cần bổ sung thêm chất khác để thuốc bám vào cơ thể lâu hơn, không bị phân giải nhanh dưới ánh nắng.
Đây là chế phẩm sinh học mới, có thể thay thế dần thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng trên một số loại cây khác và các vùng khác nhau, vì ký chủ của bọ phấn trắng rất rộng, trên 500 loài, để có thể chuyển giao quy trình sản xuất cho các đơn vị có nhu cầu.
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Tin khác
Gần 1.000 bài viết tham dự cuộc thi “Vượt lên số phận” lần thứ VII
Sắp diễn ra giải bóng đá "Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp"
Lan toả chương trình trồng cây "Đường xanh" đến cộng đồng
Đã có gần 18.000 người tham gia Chiến dịch "Triệu bước chân nhân ái"
Lễ trao giải Cây chổi vàng- Tôn vinh công nhân vệ sinh môi trường lần thứ 4- 2023
Tin cũ hơn