Giải pháp kiểm soát bụi mịn ở Hà Nội
TNNN - Theo các số liệu đo đạc quan trắc môi trường gần đây, Hà Nội thuộc tốp đầu những thành phố bị ô nhiễm bụi khí PM2.5 (bụi mịn). Phân tích khoa học cho thấy bụi mịn dễ xuyên sâu vào phế nang và mạch máu khi hít thở, mang theo nhiều độc tố, gây ra các bệnh hô hấp và tim mạch. Nồng độ bụi mịn ở Hà Nội đang vượt quá nhiều lần chuẩn chất lượng không khí của nước ta.
Nồng độ bụi ở Hà Nội gia tăng theo đà phát triển kinh tế và tốc độ tăng trưởng các phương tiện giao thông cơ giới hơn 15%/năm. Vấn đề đặt ra là giảm bụi để chặn đứng và đảo ngược đà gia tăng hiện nay mà không tác động nhiều đến phát triển.
Bụi mịn từ đâu ra?
Các nguồn bụi mịn chính thường xuyên tác động đến chất lượng không khí tại các khu đô thị Hà Nội gồm: Bụi do giao thông, bụi đất lơ lửng, tro bay từ các bếp than tổ ong và đốt sinh khối, bụi có nguồn gốc từ chất thải... Bụi từ những vùng ô nhiễm ở các nước lân cận cũng lan đến Hà Nội theo các khối khí tác động đến thời tiết hằng ngày ở miền bắc. Nhưng áp đảo vẫn là nguồn phát thải từ hơn 7 triệu phương tiện giao thông, đa phần là xe máy. Những nguồn bụi khác nhau có thành phần nguyên tố khác nhau, nhờ đó có thể nhận dạng và phân định phần đóng góp của từng nguồn bụi tại nơi quan trắc. Việc này không hề đơn giản, vì nhiên liệu khi bị cháy phát ra cả hạt lẫn khí độc. Sau khi lan truyền trong khí quyển, khí độc lại chuyển hóa thành hạt.
Trong khói bụi từ xe cộ có dạng hạt (hạt nguyên khai), bao gồm bụi đất do xe tốc lên từ đường, vỉa hè, sản phẩm bào mòn động cơ, phanh, lốp, và hạt thải ra từ ống xả rất độc do nhiên liệu không cháy hết. Ở dạng khí, có các oxit như NOx, CO, khí hữu cơ dễ bốc, trong đó đáng chú ý nhất là benzene vì dễ gây ung thư. Benzene được pha vào xăng để tăng chỉ số octane thay cho xăng pha chì trước đây. Xe cộ còn thải ra khí SO2 từ các động cơ diesel chạy bằng dầu có chứa lưu huỳnh. NO2, SO2, benzene có nồng độ rất cao trong nội thành, nhất là tại các giao lộ ở cửa ngõ thành phố. Khi lan truyền trong khí quyển, các khí độc nói trên tương tác với nhiều khí khác do phản ứng quang hóa dưới ánh sáng mặt trời sẽ chuyển hóa thành hạt thứ cấp. Do đó, để xác định nguồn gốc bụi mịn cần xác lập định lượng về các thành phần nguyên tố và hợp chất chứa bên trong hạt bụi quan trắc.
Các trạm quan trắc tự động đang đầu tư xây dựng ồ ạt hiện nay không thể giải quyết được bài toán này, vì chỉ đo được lượng bụi mà không xác định được thành phần nguyên tố trong hạt bụi. Muốn nhận dạng các nguồn phát thải, các nhà khoa học phải phân tích hàng chục nguyên tố và hợp chất trong rất nhiều mẫu bụi mịn, sau đó xử lý kết quả phân tích bằng các mô hình thống kê để truy các nguồn phát, từ đó phân định phần đóng góp của từng nguồn tại địa điểm quan trắc.
Các yếu tố thời tiết và khí tượng cũng tác động đến ô nhiễm không khí. Khi mặt đất bị đốt nóng, hoặc trong điều kiện áp thấp khi có xoáy thuận (cyylone), không khí giãn nở, dòng đối lưu bốc không khí lên cao pha loãng chất ô nhiễm. Ngược lại, khí áp cao do các xoáy nghịch (anticyclone) nén không khí xuống dưới khiến bụi và chất ô nhiễm tích tụ tại nơi phát thải, nồng độ bụi cứ thế tăng lên dù phát thải tại chỗ có thể giảm. Ô nhiễm càng trầm trọng hơn khi có lớp nghịch nhiệt sát mặt đất về ban đêm, hoặc gần mặt đất trong cả ngày lẫn đêm. Trong các lớp này, nhiệt độ không khí tăng lên theo độ cao, ngược với quy luật thông thường. Nghịch nhiệt sát mặt đất bắt đầu xảy ra lúc chập tối trong thời tiết khô hanh, khói bụi do xe cộ thải ra vào giờ cao điểm tăng vọt, sau nửa đêm mới giảm dần. Nghịch nhiệt gần mặt đất (ở độ cao khoảng 500 m), thường xảy ra trong thời tiết ẩm mùa đông, gây mù trời cả ngày. Các hiện tượng nghịch nhiệt thường xảy ra trong nhiều ngày liền, tạo nên các kịch bản ô nhiễm cực đoan. Một kịch bản như thế vừa mới xảy ra trong tuần lễ sau ngày 7-12 khi xoáy nghịch trên bầu trời miền bắc, khiến ô nhiễm tại các trạm tự động đồng loạt tăng lên hơn 200 microgam/m3 lúc nửa đêm. Các hiện tượng “cực đoan” này hoàn toàn có thể dự báo trong các bản tin thời tiết để người dân tránh bụi.
Những bất cập trong hệ thống giao thông và quy hoạch đô thị khiến ô nhiễm trầm trọng hơn. Xe máy chiếm 81% phương thức lưu thông so với 11% từ xe buýt, do đó lượng phát thải tính trên đầu người rất cao. Mặt đường chỉ chiếm 1,9% diện tích trong khu vực nội thành, vào loại thấp nhất thế giới. Mặt đường, vỉa hè không sạch, bụi đất do xe cộ tốc lên quá nhiều, chiếm đến gần 20% khối lượng bụi mịn. Khắp nơi bị bê-tông hóa, diện tích cây xanh, công viên, mặt nước bị thu hẹp. Ban ngày mặt đất bị đốt nóng, chập tối phát ra tia hồng ngoại sưởi ấm lớp không khí bên trên, dễ gây ra nghịch nhiệt sát mặt đất. Dù đô thị đã mở rộng trong 20 năm gần đây, song bảy quận nội thành vẫn rất chật chội. Do đó, thiếu khoảng trống cho ô nhiễm phát tán. Ngoài ra, chất lượng phát thải xe cộ vẫn còn thấp, hàm lượng benzene trong xăng, lưu huỳnh trong dầu và than còn tương đối cao, ảnh hưởng đáng kể đến ô nhiễm không khí.
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu
Ðể giảm bụi, trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quy hoạch và quản lý đô thị. Quan trắc môi trường, xây các trạm tự động chỉ đưa ra những thông tin giúp quản lý, chứ không trực tiếp làm giảm ô nhiễm. Cần tiến hành kiểm kê các nguồn phát thải, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, vừa làm căn cứ cho quy hoạch phát triển và quản lý đô thị, vừa làm đầu vào cho các mô hình phát tán trong nghiên cứu môi trường không khí. Ðây là lỗ hổng rất lớn, tồn tại từ nhiều năm nay khiến các nhà quản lý không biết dựa vào đâu để điều chỉnh chính sách, các nhà nghiên cứu thiếu công cụ để nghiên cứu và đưa ra thông tin đáng tin cậy.
Trung Quốc bị ô nhiễm không khí trầm trọng, nhưng gần đây tình hình đã cải thiện rõ rệt nhờ chính quyền biết dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học. Hà Nội đã có nhiều giải pháp, đầu tư nhiều tiền của để giảm ách tắc giao thông, nhưng hiện tượng kẹt xe hầu như không mấy cải thiện, ô nhiễm không khí vì thế tiếp tục gia tăng. Ðã đến lúc phải chấp nhận những giải pháp triệt để nhất, có thể tốn kém và gây xáo trộn lớn đến cuộc sống của người dân, nhưng lại làm thay đổi hẳn diện mạo Thủ đô theo hướng hiện đại như các nước tiên tiến. Cụ thể, di dời một số trường đại học ra ngoại ô để xây các công viên; cắt giảm đăng ký, tiến đến cấm dần xe máy; mở rộng khu phố đi bộ quanh phố cổ, tại đây chỉ cho phép xe điện và (có thể) xe buýt; dẹp chiếm dụng vỉa hè, tiến hành tân trang vỉa hè; cấm hẳn bếp than tổ ong; nâng chất lượng xăng, dầu. Ngoài ra, cần rút ra những bài học đắt giá về quản lý để tránh ô nhiễm không khí cho những khu đô thị mới ở ngoại thành và các nơi khác trong cả nước. Người dân phải từ bỏ nhiều thói quen cũ, nhanh chóng thích nghi nếp sống trong một đô thị văn minh, hiện đại.