Theo dòng sự kiện

Hoàn thiện pháp luật về sử dụng, quản lý thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm

19/05/2023, 09:33

TNNN – Bài viết phân tích những điểm bất cập của pháp luật về sử dụng, quản lý thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm và mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm an toàn thực phẩm,…

TS. TRẦN VANG PHỦ

Giảng viên, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

THS. TRẦN THỤY QUỐC VANG

Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.

Tóm tắt: Trong thời gian gần đây, các vụ việc vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đang có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người tiêu dùng và uy tín của Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật làm cơ sở cho việc xử lý hình sự cũng như xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm hiện nay còn nhiều nội dung chưa phù hợp. Trong bài viết này, các tác giả phân tích những điểm bất cập của pháp luật về sử dụng, quản lý thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm và mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm an toàn thực phẩm; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về vấn đề này và đưa ra kiến nghị hướng hoàn thiện pháp luật.

Từ khoá: Thuốc bảo vệ thực vật, mức dư lượng tối đa, an toàn thực phẩm.

Abstract: In recent years, violations of the legal regulations on food safety and hygiene have increased, negatively impacting consumer health and Vietnam's reputation of the exported goods. However, the current legal regulations relating to the identification of criminal and administrative grounds for violations of food hygiene and safety contain numerous inappropriate provisions. Under this article, the authors provide an analysis of the shortcomings of the legal regulations on the use and management of pesticides in food and the maximum residue levels of pesticides to ensure food safety; handle violations of legal regulations on the discussed matters and also provide recommendations for improvements.

Keywords: Pesticides; maximum residue level; food safety.


Ảnh minh họa: Nguồn internet

1. Quy định của pháp luật về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm và mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm an toàn thực phẩm

Hiện nay, ở Việt Nam, mức dư lượng tối đa (MRL) thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được giao cho hai Bộ chuyên ngành quản lý ở hai góc độ khác nhau: (i) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý danh mục thuốc BVTV cấm và cho phép sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam; (ii) Bộ Y tế quy định loại thuốc BVTV được phép sử dụng và MRL thuốc BVTV được tồn dư trong thực phẩm (nông sản). Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào thống nhất quy định nguyên tắc xây dựng và ban hành MRL cho thuốc BVTV[1]. Theo hướng dẫn của Tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 5139:2008 phương pháp khuyến cáo lấy mẫu để xác định dư lượng thuốc BVTV phù hợp với các giới hạn dư lượng tối đa do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, thì căn cứ để ban hành MRL thuốc BVTV là dựa vào kết quả có được từ phương pháp thực nghiệm, ngoài ra không có hướng dẫn nào khác về nguyên tắc để xác định MRL như thế nào là phù hợp với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ cây trồng – vật nuôi và hài hoà với tiêu chuẩn chung của quốc tế[2].

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/6/2015 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về quản lý thuốc BVTV thì tất cả thuốc BVTV dùng để phòng trừ sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng cây trồng; bảo quản thực vật; khử trùng kho; trừ mối hại công trình xây dựng và đê điều; trừ cỏ trên đất không trồng trọt; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng (có tên thương phẩm riêng) phải được đăng ký vào “Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam”. Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài (có văn phòng đại diện, công ty, chi nhánh công ty kinh doanh thuốc BVTV đang được phép hoạt động tại Việt Nam) đều được trực tiếp đứng tên đăng ký thuốc BVTV do mình sản xuất[3]. Một điểm cần lưu ý là, nếu thuốc BVTV được sáng chế ở nước ngoài nhưng chưa được phép sử dụng ở nước ngoài (nước sáng chế hoặc nước thứ ba khác) thì không được phép đăng ký khảo nghiệm và sử dụng tại Việt Nam[4].

Quy trình khảo nghiệm thuốc BVTV ở Việt Nam được thực hiện theo chuẩn chung của thế giới, nhưng khi Bộ NN&PTNT chấp thuận đơn đăng ký sử dụng một loại thuốc BVTV nào đó để đưa vào Danh mục thuốc BVTV được sử dụng tại Việt Nam, thì cơ quan này lại không đồng thời quy định mức dư lượng thuốc BVTV của loại thuốc đó là bao nhiêu, mà chỉ có hướng dẫn về hàm lượng và liều lượng sử dụng, ngày cách ly trước thu hoạch; đồng thời cũng không có quy định về quy trình đăng ký để thiết lập MRL cụ thể cho loại thuốc đã được cấp phép[5]. Chính sự thiếu sót này đã dẫn đến sự lúng túng cho cả nhà sản xuất và cơ quan chức năng trong việc quản lý và kiểm soát MRL đối với nông sản sau thu hoạch cũng như để so sánh với quy định của quốc gia nhập khẩu. Quy định hiện nay làm cho chi phí quản lý thuốc BVTV rất tốn kém cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cũng như người sử dụng do thủ tục rườm rà về khảo nghiệm và hiệu quả quản lý cũng như thực thi lại rất thấp, đi ngược với cách quản lý của các quốc gia trên thế giới hiện nay.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Thái Lan[6], Australia[7], Ấn Độ[8]… cơ quan có trách nhiệm xem xét cấp phép sử dụng thuốc BVTV cũng chính là cơ quan có thẩm quyền thiết lập MRL cho loại thuốc mà họ đã cấp phép, cách làm này đảm bảo sự thông suốt và thống nhất trong quá trình quản lý, tạo đầu mối thống nhất và tăng trách nhiệm trong việc quản lý và cung cấp thông tin đến các bên có liên quan, đồng thời tạo sự thuận lợi cho cả người sản xuất và sử dụng thuốc BVTV[9]. Ngược lại với cách quản lý trên, Việt Nam không có quy định về điều kiện và quy trình để thiết lập MRL cho thuốc BVTV. Điều đó có nghĩa là một loại thuốc sau khi đã được Bộ NN&PTNT cấp phép sử dụng ở Việt Nam, sẽ được phép đưa vào lưu thông, sử dụng, nhưng không bị kiểm soát về MRL. Quy định về thiết lập MRL để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản hiện nay chỉ được quy định ngắn gọn tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm là Bộ NN&PTNT có trách nhiệm “xây dựng và gửi Bộ Y tế ban hành quy định về mức giới hạn an toàn đối với các nhóm sản phẩm trong Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP”. Như vậy, Bộ NN&PTNT sẽ dự thảo mức MRL và gửi Bộ Y tế để ban hành cụ thể. Tuy nhiên, quy trình xây dựng MRL của thuốc BVTV và việc phối hợp giữa hai Bộ này trong việc ban hành MRL như thế nào thì pháp luật hiện hành lại không quy định. Điều này làm cho công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn, nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu nông sản gặp nhiều lúng túng trong việc sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là ở giai đoạn xin kiểm tra an toàn thực phẩm và Giấy chứng nhận Kiểm dịch thực vật trước khi thông quan hàng hoá và rủi ro rất lớn từ thị trường nhập khẩu.

Ngoài ra, theo báo cáo tại Hội nghị lần thứ 45 của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Ủy ban Codex) được tổ chức tại Hà Nội do Việt Nam và Hoa Kỳ đăng cai chủ trì, qua thống kê có “khoảng 70% các tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của Codex”[10]. Ngoài ra, theo Báo cáo của FAO vào tháng 10/2020 thì hiện nay chỉ tính riêng đối với mặt hàng gạo, có khoảng 60% quy định về MRL của Việt Nam là giống với Codex, khoảng 30% tiêu chuẩn của Codex chưa được Việt Nam quy định và Việt Nam cũng không có quy định tự động áp dụng tiêu chuẩn của Codex trong trường hợp thiếu quy định trong nước[11].

2. Những bất cập trong quy định của pháp luật về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm

Sự tách biệt về cơ quan quản lý và thiếu sót về quy trình thiết lập MRL đã dẫn đến một bất cập là hiện nay có khoảng 5,260[12] loại thuốc BVTV và hoạt chất được cấp phép sử dụng ở Việt Nam nhưng chỉ có khoảng 270[13] loại thuốc BVTV và 400[14] loại phụ gia thực phẩm được quy định MRL, nghĩa là hiện nay có khoảng 4900 loại thuốc BVTV và hoạt chất đang được sử dụng ở Việt Nam nhưng không được kiểm soát MRL[15]. Sự không thống nhất trong quy trình đăng ký sử dụng thuốc BVTV và thiết lập MRL thuốc BVTV còn dẫn đến việc khó thực thi quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) về “Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.

Theo đó, điểm b và c khoản 1 Điều 317 Bộ luật Hình sự đều dựa vào một căn cứ để xác định mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội là hành vi sử dụng thuốc BVTV thuộc danh mục cấm sử dụng, không thuộc danh mục thuốc được sử dụng hoặc thuộc danh mục thuốc được sử dụng nhưng dẫn đến hậu quả là có “tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm” hay không để định khung hình phạt. Tuy nhiên, như đã phân tích, hiện nay có khoảng 4900 loại thuốc thuộc Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam đang được sử dụng nhưng không có quy định về MRL, những loại thuốc không thuộc Danh mục thuốc BVTV được sử dụng tại Việt Nam và thuộc Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam sẽ không được quy định mức dư lượng tối đa. Như vậy, trong trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi sử dụng một loại thuốc BVTV nhưng loại thuốc này chưa được quy định MRL thì cơ quan chức năng khó có thể xác định được hành vi phạm tội theo Điều 317 Bộ luật Hình sự, vì không có căn cứ để xác định là việc sử dụng loại thuốc BVTV cụ thể nào đó là có “tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm” hay không.

Một ví dụ điển hình cho sự chồng chéo và lúng túng trong quản lý về việc sử dụng thuốc BVTV và MRL trong quy định hiện nay là vụ việc vào tháng 8/2021 Cơ quan an toàn thực phẩm Ireland và Hệ thống Cảnh báo nhanh của Châu Âu về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) đã thông báo về việc một số lô mì ăn liền của Công ty Acecook Việt Nam và mì khô vị bò gà của Công ty Thiên Hương, chứa dư lượng thuốc Ethylene Oxide trong gói gia vị vượt quá mức cho phép của EU. Cụ thể, gói gia vị trong sản phẩm mì Hảo Hảo của Công ty Acecook Việt Nam chứa chất Ethylene Oxide trên hệ thống cảnh báo RASFF số 2021.4233 là 0,066 mg/kg và mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương là 0,052 mg/kg. Trong khi đó, theo Chỉ thị số 91/414/EEC của EU và Quy định số 396/2005 của EC, thì hàm lượng Ethylene Oxide trong các loại thực phẩm này phải dưới 0,05 mg/kg[16]. Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Công thương giải thích rằng, Việt Nam hiện chưa quy định cho phép hay cấm sử dụng chất Ethylene Oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng trong thực phẩm. Bên cạnh đó, theo thông tin được công bố vào tháng 9/2021, thì trong sản phẩm mì Hảo Hảo sản xuất cho thị trường Việt Nam không chứa chất Ethylene Oxide, nhưng lại chứa chất 2-Chloroethano, với MRL là1,17 mg/kg[17].

Một vấn đề quan trọng ở đây là cả chất Ethylene Oxide và 2-Chloroethanođều không nằm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, tức là không được phép sử dụng ở Việt Nam với mục đích phòng trừ sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng cây trồng; bảo quản thực vật; khử trùng kho; trừ mối hại công trình xây dựng và đê điều; trừ cỏ trên đất không trồng trọt; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng[18]. Từ đó, có thể kết luận rằng, việc sử dụng thuốc Ethylene Oxide và 2-Chloroethanolà không đúng quy định của pháp luật. Để xử lý vụ việc này, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp với nhau để xem xét cấp phép sử dụng và quy định MRL cho hai loại thuốc BVTV nêu trên[19].

Bên cạnh đó, như đã phân tích, vì hai loại thuốc trên không thuộc danh mục thuốc BVTV được sử dụng ở Việt Nam, nên sẽ không được cơ quan có thẩm quyền thiết lập MRL. Vì vậy, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ khó có thể xử lý trách nhiệm hình sự, mà nhiều nhất chỉ có thể xử phạt VPHC đối với hành vi “Sử dụng thuốc BVTV không có tên trong Danh Mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam” với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người vi phạm là cá nhân, đối với tổ chức vi phạm mức phạt là gấp đôi[20]. Ngoài ra, các tác giả cũng không tìm thấy thông tin Công ty Acecook Việt Nam và Công ty Thiên Hương bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm pháp luật theo Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

3. Kiến nghị

Do sự ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khoẻ của con người, động thực vật và môi trường của việc sử dụng không đúng thuốc BVTV và không tuân thủ MRL thuốc BVTV, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý VPHC trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo hướng:

Một là, cần xác định rõ nguyên tắc và mức độ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe cây trồng, vật nuôi và bảo vệ môi trường khi xây dựng các quy định về quản lý đối với thuốc BVTV và MRL thuốc BVTV. Cụ thể, do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam chưa cho phép áp dụng các tiêu chuẩn quá cao về vệ sinh an toàn thực phẩm; do đó, nguyên tắc trong việc quản lý thuốc BVTV và MRL thuốc BVTV hiện nay nên tiếp thu quy định của Hoa Kỳ là đặt ở mức được cho là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời xem xét nhu cầu về nguồn cung cấp thực phẩm đầy đủ, an toàn và tiết kiệm[21].

Hai là, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2016/NĐ-CP quy định về xử lý VPHC trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo hướng tăng mức xử phạt và quy định cụ thể từng mức độ vi phạm sẽ có mức phạt tương ứng và bắt buộc thu hồi hoặc tiêu huỷ đối với hàng hoá vi phạm quy định về sử dụng thuốc BVTV và quy định về MRL thuốc BVTV, đặc biệt là hành vi sử dụng thuốc BVTV không thuộc Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam[22].

Ba là, xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 317 Bộ luật Hình sự về “Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo hướng tăng mức chế tài đối với hành vi vi phạm, bổ sung quy định về định khung hình phạt theo giá trị lô hàng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, dẫn chiếu trực tiếp đến tiêu chuẩn của Codex trong trường hợp loại thuốc BVTV đang bị xem xét chưa có quy định về MRL để làm căn cứ xác định ngưỡng vi phạm. Qua đó, có thể tăng tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân có hành vi không tuân thủ đúng quy định về sử dụng thuốc BVTV và quy định về MRL thuốc BVTV gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ con người, động thực vật và môi trường[23].

-----------------------------------------------------------------

[1] Văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định về nguyên tắc xác định MRL là Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Trưởng Bộ Y tế ban hành quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm. Phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 24/2019/TT-BYT là MRL đối với phụ gia thực phẩm mà không điều chỉnh MRL đối với thuốc BVTV và hoạt chất khác.

[2] Mục 4.1 TCVN 5139:2008 chỉ có một hướng dẫn đơn giản dẫn chiếu đến Codex về cách lấy mẫu và phương pháp phân tích mẫu là “Kết quả phân tích phải nhận được từ một hoặc nhiều mẫu phòng thử nghiệm lấy từ lô hàng và tình trạng mẫu phù hợp với phép phân tích. Kết quả cần được xác nhận bằng các dữ liệu kiểm soát chất lượng có thể chấp nhận được (ví dụ: hiệu chuẩn thiết bị và hiệu suất thu hồi thuốc BVTV - Tập 2 của Codex Alimentarius: “Hướng dẫn về thực hành thử nghiệm tốt trong quá trình phân tích dư lượng thuốc BVTV”).

[3] Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT.

[4] Điều 6 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT.

[5] Liên quan đến thiết lập MRL cho thuốc BVTV hiện nay chỉ có quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm xây dựng và gửi Bộ Y tế ban hành quy định về mức giới hạn an toàn đối với các nhóm sản phẩm trong Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản hướng dẫn quy trình cụ thể về thiết lập mức giới hạn an toàn đối với lương thực, thực phẩm cũng như việc phối hợp và trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông với Bộ Y tế về nội dung này.

[6] National Bureau of Agricultural Commodity and Food Standards – ACFS (2022). Structure of organization. https://www.acfs.go.th/#/page/11, truy cập ngày 14/01/2022.

[7] Food Standards (2018). Chemicals in food - maximum residue limits. https://www.foodstandards.gov.au/consumer/chemicals/maxresidue/pages/default.aspx, truy cập ngày 08/8/2021.

[8] Food Safety and Standars Authority of India – FSSAI (2022). Food Authority. https://www.fssai.gov.in/cms/food-authority.php, truy cập ngày 14/01/2022.

[9] Richard J. Fussell (2020). An Overview of Regulation and Control of Pesticide Residues in Food, http://tools.thermofisher.com/content/sfs/brochures/WP-71711-Regulatory-Pesticide-Residue-WP71711-EN.pdf, truy cập ngày 17/5/2021.

[10] Băng Thu (2013), Khai mạc Hội nghị Codex về thực phẩm ở Hà Nội, https://dantri.com.vn/suc-khoe/khai-mac-hoi-nghi-codex-ve-thuc-pham-o-ha-noi-1384650358.htm, truy cập ngày 02/10/2021.

[11] FAO (2020), Understanding international harmonization of pesticide Maximum Residue Limits (MRLs) with Codex standards: A case study on rice, http://www.fao.org/3/cb1428en/cb1428en.pdf, truy cập ngày 05/7/2021, pp. 9-10.

[12] Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

[13] Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm.

[14] Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Trưởng Bộ Y tế ban hành quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.

[15] Tran Vang Phu, Lam Ba Khanh Toan, Nguyen Thanh Giao (2021). Comparison of Vietnam's and the European Union's regulations on product labelling and maximum residue levels of pesticides. Journal of Legal, Ethical and Regulatory Issues, Volume 24, Special Issue 1-238, pp. 4-5.

[16] Food Safety Authority of Ireland (2021). Recall of Certain Batches of Instant Noodle Products due to the Presence of the Unauthorized Pesticide Ethylene Oxide. https://www.fsai.ie/news_centre/food_alerts/instant_noodles_ethylene_oxide_recall.html, truy cập ngày 04/9/2021.

[17] Trần Chung (2021). Mì Hảo Hảo bị thu hồi ở EU, nhà cung cấp dùng chất khử khuẩn nguyên liệu. https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/cong-bo-ket-qua-chi-tiet-kiem-nghiem-thuc-te-mau-mi-hao-hao-774244.html, truy cập ngày 13/9/2021.

[18] Một điểm cần lưu ý thêm ở đây là cả hai chất này đều được EU quy định MRL chung là 0,05 mg/kg, nhưng cả Canada và Hoa Kỳ đều cho phép sử dụng với mức dư lượng rất cao. Canada và Hoa Kỳ đều quy định MRL là 7 mg/kg đối với Ethylene Oxide và 940 mg/kg đối với 2 ‑ Chloroethanol áp dụng cho hạt mè. Xem thêm Health Canada Pest Management Regulatory Agency (2019). Proposed Maximum Residue Limit PMRL2019-29, Ethylene Oxide. https://www.canada.ca/en/health-canada/services/consumer-product-safety/pesticides-pest-management/public/consultations/proposed-maximum-residue-limit/2019/ethylene-oxide/document.html, truy cập ngày 15/9/2021.

[19] Minh Chiến (2021). Từ vụ mì Hảo Hảo bị thu hồi ở Ireland, Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn. https://nld.com.vn/kinh-te/tu-vu-mi-hao-hao-bi-thu-hoi-o-ireland-pho-thu-tuong-chi-dao-khan-20210912220928414.htm, truy cập ngày 29/9/2021.

[20] Điểm a khoản 2 Điều 26 Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

[21] National Academy of Sciences (1987). Regulating Pesticides in Food. National Academy Press, Washington, D.C., pp. 22-25.

[22] Mức xử phạt và các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi “Vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật” hiện nay tương đối thấp và thiếu tính răng đe, biện pháp khắc phục hậu quả cũng không hợp lý trong trường hợp tổ chức cá nhân sử dụng thuốc BVTV để sản xuất thực phẩm. Theo đó, hành vi “Vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật” được xử lý theo quy định tại Điều 26 Nghị định 31/2016/NĐ-CP như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn thuốc;

b) Không thu gom, để đúng nơi quy định bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh Mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;

b) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dưới dạng ống tiêm thủy tinh.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên nhãn gây hậu quả nguy hiểm.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh Mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc tiêu hủy thuốc đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, 4 Điều 26 Nghị định 31/2016/NĐ-CP;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 26 Nghị định 31/2016/NĐ-CP.

[23] Người tiêu dùng vẫn có thể viện dẫn pháp luật về dân sự và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu chọn giải quyết bằng biện pháp dân sự thì trách nhiệm chứng minh thuộc về bên yêu cầu tức là người tiêu dùng, tính khả thi của giải pháp này không cao vì người tiêu dùng thiếu kiến thức pháp luật, khó chứng minh thiệt hại và viện dẫn các bằng chứng khoa học…

(Nguồn tin: Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 23 (471), tháng 12/2022.)

Bình luận