Theo dòng sự kiện

Sắp có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị thể dục dụng cụ

26/12/2023, 15:32

TNNN - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang khẩn trương hoàn thành Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị thể dục dụng cụ (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động.


Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Dự thảo Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị tập luyện tại chỗ quy định các yêu cầu an toàn đối với thiết bị tập luyện tại chỗ, các phương pháp thử tương ứng và yêu cầu về quản lý chất lượng thiết bị tập luyện tại chỗ sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Quy chuẩn áp dụng cho tất cả thiết bị luyện tập tại chỗ, bao gồm thiết bị sử dụng trong khu vực luyện tập của các tổ chức như: liên đoàn thể thao, cơ sở giáo dục, khách sạn, phòng thể thao, câu lạc bộ, trung tâm phục hồi chức năng, phòng tập (loại S và I), ở đó việc tiếp cận và kiểm soát do người chủ sở hữu (người có trách nhiệm pháp lý) quy định, thiết bị dùng trong gia đình (loại H) và các loại thiết bị khác bao gồm thiết bị có động cơ dẫn động như định nghĩa tại 3.1 trong TCVN 11281-1.

Dự thảo Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ thiết bị tập luyện tại chỗ, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan; các tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy thực hiện việc đánh giá, chứng nhận thiết bị tập luyện tại chỗ.

Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị tập luyện tại chỗ quy định về kỹ thuật như sau: Các thiết bị tập luyện tại chỗ ngoài việc tuân thủ các yêu cầu an toàn chung theo TCVN 11281-1:2015 còn phải tuân thủ theo các yêu cầu an toàn riêng bổ sung theo quy định (các yêu cầu trong các tiêu chuẩn cụ thể của bộ TCVN 11281 được ưu tiên hơn các yêu cầu tương ứng của TCVN 11281-1:2015). Đồng thời, mọi phụ kiện kèm theo (nếu có) được cung cấp cùng với thiết bị tập luyện tại chỗ để thực hiện các bài tập bổ sung phải tuân theo các yêu cầu của TCVN 11281-1:2015. Cùng với đó, các thiết bị tập luyện tại chỗ phải được kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật theo các phương pháp thử tương ứng và phải thỏa mãn mức yêu cầu quy định theo danh mục thiết bị tập luyện tại chỗ.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định về quản lý. Cụ thể, các thiết bị tập luyện tại chỗ thuộc phạm vi của quy chuẩn kỹ thuật này phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.


Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Việc công bố hợp quy thiết bị tập luyện tại chỗ phải dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành hoặc được thừa nhận theo quy định của Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN ngày 31/10/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các Hiệp định và thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp.

Chứng nhận hợp quy đối với thiết bị tập luyện tại chỗ sản xuất trong nước được thực hiện theo Phương thức 5 "Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất" tại cơ sở sản xuất thiết bị tập luyện tại chỗ hoặc Phương thức 7 "Thử nghiệm mẫu đại diện, đánh giá sự phù hợp của lô sản phẩm, hàng hóa tại cơ sở sản xuất thiết bị tập luyện tại chỗ trong trường hợp cơ sở sản xuất không thể áp dụng các yêu cầu đảm bảo chất lượng theo Phương thức 5.

Đối với thiết bị tập luyện tại chỗ nhập khẩu, chứng nhận hợp quy theo Phương thức 7 "Thử nghiệm mẫu đại diện, đánh giá sự phù hợp của lô sản phẩm, hàng hóa đối với từng lô thiết bị tập luyện tại chỗ nhập khẩu trong trường hợp lô thiết bị tập luyện tại chỗ chưa được chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5 quy định tại quy chuẩn kỹ thuật này hoặc chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5 tại cơ sở sản xuất ở nước ngoài khi có yêu cầu từ phía cơ sở sản xuất nước ngoài theo quy định.

Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị tập luyện tại chỗ cũng chỉ định rõ tổ chức chứng nhận hợp quy, tổ chức thử nghiệm cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.


Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thể dục dụng cụ là môn thể thao hỗn hợp, phức tạp, bất kỳ động tác nào khi thực hiện đều phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về độ cao, độ xa, biên độ rộng và tốc độ tương đồng. Các vận động viên thể dục dụng cụ thành tích cao thường có kỹ năng, kỹ xảo vận động chuyên môn tốt và có khả năng thực hiện các động tác phức tạp, mạo hiểm. Vì là môn thể thao đòi hỏi sự chính xác, thăng bằng và kỹ thuật nên bất kỳ sai lệch nào so với thiết kế và cấu tạo thiết bị hợp tiêu chuẩn đều có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng.

Hiện tại, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã công bố 09 TCVN yêu cầu về đặc tính kỹ thuật, an toàn và phương pháp thử gồm 08 phần liên quan đến thiết bị thể dục/thiết bị thể dục dụng cụ, sản phẩm thiết bị thể dục/thiết bị thể dục dụng cụ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử và phần riêng của tiêu chuẩn có liên quan đến loại thiết bị thể dục/thiết bị thể dục dụng cụ, bao gồm:

TCVN 11771:2016 (ISO 378:1980) Thiết bị thể dục - Xà kép;

TCVN 11772:2016 (ISO 379:1980) Thiết bị thể dục - Xà đơn;

TCVN 12186:2017 (EN 915:2008) Thiết bị thể dục dụng cụ - Xà lệch - Yêu cầu và phương pháp thử;

TCVN 12838:2019 Thiết bị thể dục - Bàn nhảy chống - Yêu cầu chức năng và yêu cầu an toàn, phương pháp thử;

TCVN 12839:2019 Thiết bị thể dục - Cầu thăng bằng - Yêu cầu chức năng và yêu cầu an toàn, phương pháp thử;

TCVN 12840:2019 Thiết bị thể dục - Vòng treo - Yêu cầu chức năng và yêu cầu an toàn, phương pháp thử;

TCVN 13318:2021 (BS EN 913:2018) Thiết bị thể dục dụng cụ - Yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử;

TCVN 13319:2021 (BS EN 916:2003) Thiết bị thể dục dụng cụ - Bục nhảy chống - Yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử;

TCVN 13320:2021 (BS EN 13219:2008) Thiết bị thể dục dụng cụ - Lưới bật - Yêu cầu về chức năng và an toàn chung, phương pháp thử.

Trong các giải thi đấu mang tính khu vực và quốc tế, hầu hết trang thiết bị được quy định trong Luật thi đấu và cũng chỉ đề cập thiết bị này phải do một nhà cung cấp cụ thể do Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) lựa chọn, chỉ định, như: Janssen - fritsen; Gymnova; AAI, Eurotramp…

Minh Quân

Bình luận