Sửa đổi bổ sung quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực KHCN
TNNN – Việc sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật số 67/2020/QH14 và các văn bản luật khác có liên quan.
- Tăng cường xử phạt các vi phạm quy định về chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi
- Ghi nhãn hàng hóa theo phương thức điện tử để thúc đẩy phát triển và hội nhập
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.
Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản tại các điều của Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13/6/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN), chuyển giao công nghệ.
Bộ KH&CN cho biết qua thực tiễn thanh tra KHCN cho thấy hầu hết các tổ chức KHCN và các nhiệm vụ KHCN được thanh tra đều chưa thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ việc công khai thông tin nhiệm vụ KHCN. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là chưa có chế tài xử phạt đối với việc thực hiện quy định về công khai thông tin nhiệm vụ KHCN. Do đó, cần bổ sung hình thức xử phạt đối với hành vi "không thực hiện công khai hoặc công khai thông tin nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước không đúng quy định".
Theo dự thảo, vi phạm quy định về đăng ký thông tin nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước được đề xuất bổ sung phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước không đúng quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Dự thảo Nghị định bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi chuyển giao công nghệ nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ nhằm phù hợp với quy định và xu hướng khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, chuyển giao.
Cụ thể, bổ sung Khoản 3 Điều 25 buộc đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với hành vi chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
Dự thảo cũng bổ sung Khoản 11, Khoản 12 và Khoản 13 vào Điều 4 biện pháp khắc phục.
Theo đó, tổ chức cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp như: Buộc công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ; buộc báo cáo tình hình hoạt động khoa học và công nghệ; buộc đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
Riêng đối với lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ KH&CN cho biết, sau khi Nghị định số 119/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước, trong năm 2018, Bộ KH&CN đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định.
Cụ thể là Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành; Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020”.
Các văn bản này đã có nhiều điểm mới, tuy nhiên cần quy định rõ các hành vi vi phạm trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính, do vậy, việc bổ sung các hành vi mới vào Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là yêu cầu cấp thiết.
Ngày 31/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP “về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp”, tại Nghị quyết số 119/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 119/2017/NĐ-CP.
Trong quá trình áp dụng Nghị định số 119/2017/NĐ-CP đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc cần phải được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như sau:
1. Mức xử phạt thấp, không đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm trong buôn bán phương tiện đo (Điều 9);
2. Quy định mức xử phạt chưa hợp lý với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, hành vi sản xuất hàng hóa vi phạm về chất lượng (Điều 19) có mức xử phạt thấp hơn hành vi buôn bán hàng hóa vi phạm về chất lượng (Điều 20);
3. Mức phạt khác nhau đối với cùng hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn: hành vi vi phạm về ghi nhãn phương tiện đo, chuẩn đo lường (các Điều 5, 6 và Điều 7) và vi phạm quy định về nhãn hàng hóa (Điều 30 và Điều 31);
4. Một số biện pháp xử phạt bổ sung không hợp lý như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận hợp chuẩn, giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, chứng chỉ công nhận; chứng chỉ kiểm định tại Điều 2, Điều19;
5. Một số hành vi vi phạm cần có biện pháp xử phạt bổ sung để bảo đảm tính răn đe, xử lý dứt điểm hành vi vi phạm như: Hành vi thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động theo quy định; thực hiện đánh giá sự phù hợp ngoài lĩnh vực đã đăng ký (Điều 21); Hành vi sản xuất, pha chế xăng dầu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận; Hành vi sử dụng giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu đã hết hiệu lực (Điều 29);
6. Một số biện pháp khắc phục hậu quả không khả thi trong thực tế như: Buộc thu hồi chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn; Buộc thu hồi quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo đã hết hiệu lực (Điều 7, Điều 10);…
Mời bạn đọc xem Tờ trình và toàn văn Dự thảo tại đây.
TNNN