Theo dòng sự kiện

Ghi nhãn hàng hóa theo phương thức điện tử để thúc đẩy phát triển và hội nhập

03/06/2021, 23:24

TNNN – Nghị định 43/2017/NĐ-CP đang được sửa đổi, trong đó nổi bật là bổ sung quy định việc ghi nhãn hàng hóa theo phương thức điện tử.

Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm đưa nền kinh tế của Việt Nam phù hợp với xu thế hiện đại của quốc tế, đặc biệt là việc đảm bảo tính minh bạch về xuất xứ hàng hóa.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã soạn thảo và đang tiếp tục lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Sửa đổi nghị định này là việc làm quan trọng nhằm khắc phục những bất cập về ghi nhãn, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo đó, dự thảo nghị định này được bổ sung quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giới hạn ở phạm vi ghi xuất xứ hàng hóa để phòng chống gian lận thương mại, các nội dung khác ghi theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – TS. Nguyễn Hoàng Linh: Sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP nhằm bổ sung các quy định liên quan đến ghi nhãn hàng xuất khẩu và nhập khẩu; Bổ sung nội dung cho phép một số thông tin trong nhãn được thể hiện theo phương thức ghi nhãn điện tử, qua đó tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới trong ghi nhãn hàng hóa cũng như truy xuất nguồn gốc; Bổ sung quy định để Bộ Y tế có thể hướng dẫn việc ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm.

Sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về “Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa” dự thảo nêu rõ: Đối với hàng hóa lưu thông trong nước, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt, gồm: tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.

Về quy định cho phép thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử, cùng với nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP: “Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát”, dự thảo có bổ sung: “Một số nội dung bắt buộc có thể được thể hiện bằng phương thức điện tử theo quy định của pháp luật”.


Ghi nhãn theo phương thức điện tử đã được Công ty Cổ phần VIFOTEC áp dụng đối với các sản phẩm thuộc Chuỗi an toàn thực phẩm Việt Nam. Ảnh: VIFOTEC

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định bổ sung này sẽ góp phần tạo hành lang thông thoáng hơn cho doanh nghiệp trong thực hiện các quy định về ghi nhãn; Đồng thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo tại Nghị quyết 01 NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh và quản lý, tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền người tiêu dùng.

Cụ thể, trong Nghị Quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2020 có nêu: “Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách thử nghiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhằm phát triển thị trường các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, kinh tế chia sẻ, kinh tế số,... theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai công nghệ, mô hình kinh doanh mới, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp truyền thống, tăng tính thuận tiện trong hoạt động tiêu dùng của nhân dân".

Bên cạnh đó, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP chưa có quy định cho phép các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được sử dụng việc ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử. Chính vì vậy cần phải bổ sung thêm nội dung này tại Nghị định số 43 để tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng công nghệ tiên tiến, ghi nhãn theo phương thức điện tử và truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Việc ghi nhãn theo phương thức điện tử là tự nguyện áp dụng, không bắt buộc đối với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện áp dụng công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ nghiên cứu và quy định chi tiết nhằm tạo hành lang pháp lý cho các nội dung đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ghi nhãn hàng hóa; tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất kinh doanh và quản lý, tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền người tiêu dùng.

Điều này cũng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đáp ứng quy định bắt buộc phải ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện, nguyên liệu, nếu không có nhãn Tiếng Việt.

Liên quan đến các quy định về ghi nhãn đối với nhóm hàng hóa thực phẩm, thực phẩm bổ sung, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm a, b khoản 3 Điều 16 và bổ sung nội dung ghi nhãn tại Phụ lục I (khoản 8, 9, 11 Điều 1 dự thảo).

Cụ thể, bổ sung quy định ghi nhãn về “Thành phần, thành phần định lượng” tại Điều 16 Nghị định 43/2017/NĐ-CP gồm (các phần chữ in nghiêng):

a) Đối với thực phẩm phải ghi thành phần theo thứ tự từ cao đến thấp về khối lượng.

Nếu thành phần là chất phụ gia, phải ghi tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS (nếu có); trường hợp chất phụ gia là hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu thì phải ghi tên nhóm hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu, ghi tên chất (nếu có) và ghi thêm chất đó là chất “tự nhiên”, “giống tự nhiên”, “tổng hợp” hay “nhân tạo.

Đối với trường hợp mã số phụ gia của quốc gia trùng với mã số quốc tế (INS) thì có thể ghi mã số quốc gia thay cho mã số quốc tế (INS).

b) Đối với thuốc dùng cho người, vắc xin, sinh phẩm y tế, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải ghi thành phần và hàm lượng các hoạt chất.”

Dự thảo cũng bổ sung các nhóm 67 Phụ lục I, gồm: “67. Thực phẩm bổ sung, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm: Định lượng, Ngày sản xuất, Hạn sử dụng, phần, thành phần định lượng các chất được bổ sung (hoặc giá trị dinh dưỡng), Thông tin cảnh báo (nếu có), Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản (nếu có), Công bố khuyến cáo về sức khỏe (nếu có), Ghi cụm từ: “Thực phẩm bổ sung”.

Việc ghi giá trị dinh dưỡng chỉ áp dụng đối với các thực phẩm có thành phần dinh dưỡng. Bộ Y tế hướng dẫn lộ trình thực hiện dự kiến khoảng 02-03 năm để một số doanh nghiệp chưa ghi đầy đủ các chỉ tiêu dinh dưỡng có thời gian chuẩn bị. Cách ghi nhãn phù hợp với từng loại thực phẩm, đặc biệt Bộ Y tế sẽ quy định các loại thực phẩm được miễn ghi một số chỉ tiêu dinh dưỡng (sữa hoặc thực phẩm không chứa muối thì không phải ghi hàm lượng muối hay nước uống đóng chai hay các thực phẩm không có giá trị dinh dưỡng sẽ không phải ghi hàm lượng muối, đường, năng lượng, loại trừ các sản phẩm được miễn tự công bố tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP và các thực phẩm dùng trực tiếp, bao gói đơn giản).

Quy định này rất có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập vào thị trường cung cấp thực phẩm quốc tế (hiện nhiều nước đã quy định bắt buộc ghi nhãn và đều là các thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam), phù hợp với xu thế và nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng tại Việt Nam. Đồng thời, phù hợp với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (người tiêu dùng cần được biết thông tin đầy đủ về sản phẩm để lựa chọn sản phẩm phù hợp; thống nhất hướng dẫn để tránh tình trạng ghi nhãn dinh dưỡng của mỗi doanh nghiệp khác nhau).

Hiện nay, theo quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp phải áp dụng GMP trong sản xuất thực phẩm, trong đó có đầu tư hệ thống máy móc tự kiểm nghiệm đạt GLP hoặc thuê dịch vụ kiểm nghiệm nên các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nhỏ) đều đáp ứng được yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm.

Khi doanh nghiệp công bố hàm lượng dinh dưỡng theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về thông số kỹ thuật, dung sai và giá trị khoảng dung sai thể hiện trên nhãn thì sẽ bảo đảm tính minh bạch và khi cơ quan nhà nước kiểm tra, kiểm nghiệm sản phẩm doanh nghiệp tuân thủ đúng sẽ không bị xử lý nếu hàm lượng dinh dưỡng dao động xung quanh ngưỡng công bố.

Phúc Anh

Bình luận