Hội thảo QMFS2021+1 sẽ diễn ra vào ngày 14/10/2022
TNNN - Đây là lần thứ 6 Hội thảo Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm diễn ra và là lần thứ 3 Công Ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert vinh dự đồng hành, phối hợp tổ chức.
Quang cảnh phiên toàn thể Hội thảo QMFS 2019. Ảnh TL
Hội thảo Khoa học Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm (Quality Management and Food Safety – QMFS) được Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Trường Đại học Bách khoa Hà nội tổ chức định kỳ hai (02) năm một lần nhằm nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và tăng cường hợp tác liên ngành trong lĩnh vực Quản lý Chất lượng và An toàn Thực phẩm.
Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp cùng gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ, công bố những kết quả nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực an toàn thực phẩm với các chủ đề chính: (1) Các vấn đề mới nổi về an toàn thực phẩm trong bối cảnh đại dịch Covid-19; (2) Nghiên cứu phát triển sản phẩm nông sản thực phẩm; (3) Phương pháp và kỹ thuật phân tích kiểm soát an toàn thực phẩm; (4) Quản trị chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị thực phẩm an toàn; (5) Hệ thống quản lý chất lượng trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và đồ uống; (6) Kết hợp an toàn thực phẩm trên hệ thống thực phẩm; (7) Công nghệ và đổi mới về chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm.
Ngoài các nội dung trình bày tại phiên toàn thể và phân ban Kỹ thuật, QMFS 2021+1 còn có Hội nghị bàn tròn về Chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm/An toàn thực phẩm; các workshop về Probiotics với chủ đề “Xu hướng thay thế kháng sinh trong chăn nuôi đảm bảo an toàn chuỗi thực phẩm” và workshop “Triển vọng tương lai của protein từ thực vật”.
Ông Nguyễn Hữu Dũng giới thiệu những lợi ích của Chuỗi an toàn thực phẩm Việt Nam (VFSC). Nhờ áp dụng công nghệ Block Chain, sản phẩm nông nghiệp hoàn toàn có thể truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc “Từ trang trại đến bàn ăn”. Ảnh TL
Đây là địa chỉ kết nối các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm và các lĩnh vực liên quan. Những vấn đề đặt ra từ QMFS 2021+1 là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách trong việc phát triển thị trường thực phẩm nói riêng, quản lý chất lượng thị trường nông sản nói chung.
Với 15 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp, VinaCert đã được các Tổ chức công nhận quốc tế công nhận năng lực cung cấp dịch vụ chứng nhận sự phù hợp đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn ISO/IEC 17021-1:2015; ISO/IEC 17065:2012; ISO/TS 22003:2013; Hiệp hội Công nhận Phòng thử nghiệm Hoa Kỳ (A2LA) công nhận phù hợp Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 - Yêu cầu chung về năng lực của Phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn - trong cung cấp dịch vụ thử nghiệm sản phẩm hàng hóa.
VinaCert đã hoạch định chiến lược về lĩnh vực thử nghiệm và chứng nhận chất lượng hàng hóa phục vụ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, nông sản và các dạng sản phẩm chế biến sau thu hoạch,… Chiến lược ấy luôn luôn đồng thời với nhiệm vụ phục vụ cơ quan quản lý nhà nước về thử nghiệm, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đảm bảo tính chính xác, tin cậy, kịp thời, chuyên nghiệp…
Phúc Anh