Nghiên cứu về virus corona chủng mới
TNNN - Một nghiên cứu của Trung Quốc nêu giả thuyết virus corona chủng mới có thể lơ lửng trong không khí và lan xa hơn so với “khoảng cách an toàn” mà các cơ quan y tế đang khuyến cáo.
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, cuộc chiến đấu chống lại dịch bệnh đang được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng khoa học quốc tế. Chỉ tính riêng 10 ngày đầu tháng 02 năm nay, đã có gần 80 bài về virus corona chủng mới được đăng hoặc chấp nhận đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế của nhà xuất bản Elsevier, Springer Nature. Các nhà xuất bản đều công khai những bài viết này, ngay cả khi chưa được xuất bản chính thức.
Các nhà khoa học Trung Quốc nêu giả thuyết rằng virus có thể tồn tại nhiều ngày trên các bề mặt, làm tăng nguy cơ lây bệnh cho người nào chạm vào rồi đưa tay lên mặt.
Thời gian tồn tại phụ thuộc vào nhiệt độ và bề mặt, chẳng hạn ở nhiệt độ 37 độC, virus có thể tồn tại 2-3 ngày trên bề mặt kính, vải, kim loại, nhựa và giấy.
Nghiên cứu được bình duyệt (peer-reviewed) và đăng trên tạp chí Practical Preventive Medicine, được thực hiện dựa trên một cụm lây nhiễm ngày 22/1 ở Hồ Nam trên một xe buýt, cho thấy virus vẫn lơ lửng trên xe sau khi người nhiễm ban đầu đã rời khỏi xe, theo South China Morning Post.
Nghiên cứu trên xe buýt có camera
Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo rằng virus corona có thể tồn tại hơn 5 ngày trong phân người và dịch cơ thể.
“Lời khuyên của chúng tôi là phải đeo khẩu trang liên tục (suốt các chuyến tàu xe)”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Trong nghiên cứu, bệnh
nhân nhiễm bệnh ban đầu, tạm gọi là “A”, đã không đeo khẩu trang khi lên ngồi hàng ghế thứ hai (tính từ đuôi xe) của chuyến xe đường dài. Nhiều hành khách cũng không đeo khẩu trang, vì tại thời điểm đó, chính quyền chưa tuyên bố dịch bệnh.
Theo quy định ở Trung Quốc, các chuyến xe đường dài phải lắp camera an ninh, cho các nhà nghiên cứu cơ hội tái hiện lại quá trình lây lan của virus từ bệnh nhân “A” trên chuyến xe mà các cửa sổ đều đóng kín.
Camera an ninh trên xe cho thấy “A” không tương tác với các hành khách khác trên chuyến xe bốn tiếng.
Đến thời điểm xe dừng ở thành phố tiếp theo, virus đã lây từ “A” sang 7 người khác, bao gồm cả người ngồi gần “A” lẫn người ngồi cách “A” 6 hàng ghế, tức cách khoảng 4,5 m, theo Hu Shixiong, trưởng nhóm nghiên cứu.
7 bệnh nhân này sau đó đều được phát hiện dương tính, bao gồm một bệnh nhân không có triệu chứng bệnh.
Sau khi những hành khách này xuống xe, nhóm khác lên xe khoảng 30 phút sau. Một hành khách ngồi ở hàng ghế trên cùng cũng bị lây bệnh. Ông Hu nói bệnh nhân này nhiều khả năng đã hít phải các giọt dịch mà các bệnh nhân từ nhóm trước đã thở ra.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu nêu khả năng virus có thể ở trong không khí ít nhất 30 phút.
“Lý do có thể là ở trong không gian kín, không khí lưu chuyển chủ yếu do dòng khí từ điều hòa. Không khí nóng bay lên có thể đưa các giọt dịch đi khoảng cách xa hơn”, nghiên cứu cho biết.
Lây tiếp cho xe buýt thứ 2
Sau khi xuống xe, bệnh nhân “A” lên một xe buýt con và đi thêm một giờ, làm lây bệnh cho hai hành khách khác cũng ngồi cách xa 4,5 m. Đến khi nghiên cứu được hoàn tất vào giữa tháng 2, “A” đã lây bệnh cho 13 người.
Phát hiện này khiến những khuyến nghị hiện nay có thể phải xem xét lại. Chẳng hạn, việc lây lan qua không khí của Covid-19 đang được coi là giới hạn, vì các giọt dịch từ đường hô hấp được cho là sẽ nhanh chóng rơi xuống.
Vì vậy, giới chức y tế Trung Quốc khuyến cáo mọi người đứng cách nhau 1m, trong khi cơ quan kiểm dịch Mỹ (CDC) nói khoảng cách an toàn là khoảng 1,8 m.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng trong các hành khách có đeo khẩu trang, không ai bị nhiễm bệnh, thêm bằng chứng cho thấy đeo khẩu trang giúp phòng bệnh, theo nhóm nghiên cứu.
“Khi đi trên các phương tiện công cộng đóng kín như tàu điện ngầm, xe hơi, máy bay, bạn nên đeo khẩu trang liên tục, đồng thời giảm thiểu chạm tay vào các chỗ nhiều người chạm, và tránh đưa tay lên mặt trước khi rửa tay”, nhóm nghiên cứu nói.
Họ cũng đề nghị cải thiện vệ sinh trên tàu xe và thay đổi điều hòa sao cho tối đa hóa lượng không khí sạch được đưa vào. Các bề mặt bên trong cần được tẩy trùng 1-2 lần/ngày.
Nhiều câu hỏi cần giải đáp thêm
Một bác sĩ ở Bắc Kinh có tham gia chẩn đoán, điều trị Covid-19 cho rằng nghiên cứu vẫn có những câu hỏi chưa giải đáp được. Chẳng hạn, các hành khách ngồi ngay cạnh nguồn bệnh lại không bị lây, dù họ đã đối mặt với hàm lượng chất dịch cao nhất mà bệnh nhân “A” thở ra.
“Kiến thức của chúng ta về cách virus lây lan vẫn còn hạn chế”, ông nói với South China Morning Post.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 9/3 cảnh báo rằng nguy cơ từ việc Covid-19 bùng phát trở thành đại dịch toàn cầu là "rất thật", nhưng nhấn mạnh dịch bệnh vẫn có thể được kiểm soát.
"Mối đe dọa về đại dịch đã trở nên rất thật", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên trong buổi họp báo ngày 9/3.
Trước đó, South China Morning Post cũng trích dẫn một nghiên cứu mới khác của các nhà khoa học Đại học Tôn Dật Tiên, thành phố Quảng Châu, nói virus corona gây bệnh Covid-19 được cho là lan truyền nhanh nhất ở nhiệt độ dưới 10 độ C.
"Nhiệt độ có thể thay đổi đáng kể tốc độ lây lan của Covid-19. Và có thể có một nhiệt độ tối ưu để virus lây lan", nghiên cứu này, được công bố vào tháng trước, chưa qua bình duyệt (peer-review), cho biết.
Nghiên cứu này nêu giả thuyết virus corona "đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ cao", sẽ giảm khả năng lây lan của nó ở các nước có nhiệt độ cao hơn, trong khi "các quốc gia và khu vực có nhiệt độ thấp nên áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt".
Tuy nhiên, nghiên cứu riêng của nhóm các nhà khoa học, trong đó có nhà dịch tễ học Marc Lipsitch từ Trường Y tế Công cộng T.H Chan của Đại học Harvard, nhận thấy điều kiện nhiệt độ ẩm có thể khiến việc lây nhiễm kéo dài và tốc độ lây nhiễm gia tăng - từ các tỉnh lạnh và khô ở Trung Quốc, cho đến các khu vực có khí hậu nhiệt đới như khu tự trị người Choang tỉnh Quảng Tây, hoặc Singapore.
"Chúng ta phải giả định rằng virus tiếp tục có khả năng lây lan", Mike Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói. "Sẽ là hy vọng hão huyền khi nói rằng, đúng rồi, nó sẽ biến mất giống như bệnh cúm... chúng ta không thể đưa ra giả định đó. Đồng thời cũng không có bằng chứng cho giả định đó".
Nghiên cứu tại Đại học Harvard cho thấy virus corona có thể lây nhiễm nhanh chóng trong các điều kiện độ ẩm khác nhau, nếu không áp dụng các biện pháp tích cực chống virus lây lan.
Theo New York Post, nghiên cứu sơ bộ được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Bắc Kinh và Viện Pasteur tại Thượng Hải thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho thấy virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã tiến hóa thành 2 loại, được chỉ định là L và S.
Kết quả này được dựa trên những phân tích từ 103 bộ gen của SAR-CoV-2, qua đó xác định 149 đột biến về chủng virus và tìm ra hai loại virus chính gây nên đại dịch COVID-19 hiện nay.
Loại L, loại mạnh hơn, thường phổ biến trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát tại Vũ Hán - tâm chấn của đại dịch COVID-19 lần này. Loại L chiếm khoảng 70% các chủng được phân tích.
Khoảng 30% các chủng còn lại có liên kết với loại S, được đánh giá là tác động ít mạnh mẽ hơn. Khi loại L giảm dần tỉ lệ phát tán kể từ đầu tháng 1, cũng là lúc loại S - một phiên bản được coi là gốc gác của SARS-CoV-2, trở nên phổ biến.
Các nhà khoa học cho rằng, chính các biện pháp phòng chống và kiểm soát nhanh chóng, toàn diện đối với dịch bệnh COVID-19 của cơ quan chức năng đã giúp làm giảm tần số lây nhiễm của virus SAR-Cov-2 loại L.
"Những nỗ lực can thiệp của con người có thể đã gây ra áp lực chọn lọc mạnh mẽ với loại L, loại virus mạnh hơn và lan rộng nhanh hơn. Mặt khác, loại S có thể đã chịu áp lực chọn lọc yếu hơn, dẫn đến sự gia tăng trong việc cân bằng tương đối giữa 2 loại virus này", các nhà khoa học nhận định.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học cho rằng, cần thêm nhiều hơn nữa những nỗ lực nhằm đảm bảo phát hiện cả 2 loại virus này càng sớm càng tốt để giảm thiểu sự lây lan trong cộng đồng.
Nguồn: Zing.VN và báo Điện Biên Phủ
Ảnh bìa:Internet