Theo dòng sự kiện

Sử dụng nấm để đạt được mục tiêu không phát thải cacbon

13/06/2023, 17:39

TNNN – Từ kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học đang cân nhắc đưa nấm vào trong các chính sách bảo tồn và đa dạng sinh học vì vai trò quan trọng trong việc cắt giảm lượng khí thải cacbon.

Nấm rễ cộng sinh (mycorrhizal) được cho là có thể lưu trữ cacbon vì nấm tạo thành mối quan hệ cộng sinh với hầu hết các loài thực vật trên cạn và vận chuyển cacbon, được thực vật chuyển hóa thành đường và chất béo đi vào đất, nhưng cho đến nay vẫn chưa xác định được lượng cacbon thực tế mà nấm lưu trữ.

Theo phát hiện của nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Sheffield ở Anh dẫn đầu, nấm đang lưu trữ hơn một phần ba lượng cacbon sản sinh từ khí thải nhiên liệu hóa thạch mỗi năm cho thấy điều đó rất quan trọng trong bối cảnh các quốc gia tìm cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tiến tới không phát thải cacbon. Nghiên cứu hiện đang được tiến hành để xem xét tăng lượng cacbon mà nấm lưu trữ dưới đất.

Nấm rễ cộng sinh đã hỗ trợ sự sống trên Trái đất trong ít nhất 450 triệu năm và tạo nên mạng lưới rộng lớn dưới lòng đất xung quanh chúng ta, thậm chí phát triển bên dưới các con đường, trong các khu vườn và nhà ở mọi lục địa trên Trái đất.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích tổng hợp hàng trăm nghiên cứu xem xét các quá trình tương tác giữa đất và thực vật để tìm hiểu lượng cacbon được nấm lưu trữ trên quy mô toàn cầu. Phát hiện nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology, tiết lộ ước tính mỗi năm có khoảng 13,12 tỷ tấn CO2 được chuyển từ thực vật sang nấm, biến đất dưới chân chúng ta thành bể chứa cacbon khổng lồ và là đơn vị lưu trữ cacbon hiệu quả nhất trên thế giới. Lượng cacbon được lưu trữ tương đương với khoảng 36% lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch toàn cầu hàng năm, nhiều hơn mức mà Trung Quốc thải ra mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu hiện đang cân nhắc đưa nấm vào trong các chính sách bảo tồn và đa dạng sinh học, do nấm có vai trò quan trọng trong việc cắt giảm lượng khí thải cacbon. Với tốc độ hiện tại, Liên hợp quốc cảnh báo 90% đất có thể bị suy thoái vào năm 2050, sẽ là thảm họa không chỉ đối với việc kiềm soát biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng mà với cả năng suất cây trồng.

Theo https://www.technologynetworks.com

Bình luận