Theo dòng sự kiện

Tập huấn lấy mẫu thức ăn chăn nuôi

07/08/2020, 17:21

TNNT - Trong 2 ngày 6-7/8/2020, Trung tâm khảo, kiểm nghiệm và kiểm định chăn nuôi phối hợp với Công ty Cổ phần chứng nhận và Giám định VinaCert tổ chức khóa đào tạo nghiệp vụ lấy mẫu thức ăn chăn nuôi (TCVN 4325:2007).

Giảng viên Nguyễn Văn Giáp -Trung tâm khảo, kiểm nghiệm và kiểm định chăn nuôi đã chia sẻ với học viên quy trình và phương pháp lấy mẫu thức ăn chăn nuôi. Đồng thời giới thiệu về tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi; Những kiến thức cơ bản liên quan đến lĩnh vực thức ăn chăn nuôi; Điều kiện cần có đối với một nhân viên lấy mẫu.

Giảng viên Nguyễn Văn Giáp - Trung tâm khảo, kiểm nghiệm và kiểm định chăn nuôi.

Anh Trần Anh Dũng, học viên tham gia khóa học cho biết: “Sau khóa đào tạo, tư duy và cách nhìn của tôi về hoạt động lấy mẫu đã cụ thể hơn, các bước lấy mẫu cần đảm bảo đúng kỹ thuật, bước nào cũng quan trọng nên nhân viên lấy mẫu không được chủ quan trong bất cứ khâu đoạn nào. 

Đây là yếu tố để mang lại lợi ích cho khách hàng cũng như đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, kiến thức có được giúp công việc của tôi đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật về lấy mẫu thức ăn chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như yêu cầu chất lượng dịch vụ chứng nhận, thử nghiệm, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu của VinaCert”.

Khóa học đã trang bị cho học viên những kỹ năng cơ bản về cách thức lấy mẫu, các công thức tính toán số lượng mẫu tối thiểu, khối lượng mẫu, cách thức lấy mẫu…. Sau 2 ngày tập huấn, anh Triệu Việt Hoàng đã học được cách lấy mẫu cơ bản với loại hạt, bột, thô và lỏng”. Anh chia sẻ: “Về quy trình lấy mẫu, cần đặc biệt chú ý công thức tính mẫu và cách thức lấy mẫu, sao cho có thể lấy đủ mẫu ở các vị trí. Và trong quá trình lấy mẫu, cần hạn chế tối đa sự nhiễm khuẩn cũng như ảnh hưởng tới lô hàng đó". 

Các học viên thực hành lấy mẫu theo hướng dẫn.

Trong đánh giá chứng nhận sự phù hợp của TĂCN, lấy mẫu là khâu quan trọng nhất. Yêu cầu của việc lấy mẫu phải phán ánh mọi đặc điểm chất lượng và phải đặc trưng cho thành phần trung bình của toàn lô hàng; đồng thời, mẫu phải xử lý và bảo quản tốt để giữ nguyên được tính chất ban đầu nhằm đáp ứng việc đánh giá khách quan nhất chất lượng sản phẩm.

Theo quy định, nhân viên lấy mẫu phải được đào tạo về kỹ thuật lấy mẫu TĂCN theo đúng TCVN 4325:2007. Nhân viên lấy mẫu phải có kinh nghiệm thích hợp trong việc lấy mẫu TĂCN; có kiến thức về rủi ro và nguy cơ mà sản phẩm và quá trình lấy mẫu có thể gặp phải.

Bùi Huế

Bình luận