Theo dòng sự kiện

Vai trò của Phòng thử nghiệm trong kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp

26/06/2021, 12:04

TNNN – Kiểm soát được chất lượng các vật tư nông nghiệp thì mới sản xuất được những nông sản đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.


Các chuyên gia của VinaCert đánh giá giám sát điều kiện sản xuất TĂCN của Austfeed Việt Nam. Ảnh TL/TNNN.

Vật tư nông nghiệp là gì?

Vật tư nông nghiệp là tất cả “đầu vào” của sản xuất, bao gồm: đất, nước, giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón hữu cơ và phân bón khác, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, chất xử lý và cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay trên cả nước có tổng số 121 cơ sở sản xuất thức ăn thuỷ sản đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Trong đó, có 58 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Công suất tối đa đạt khoảng 5,2 triệu tấn/năm, trong đó thức ăn cho cá, ếch đạt khoảng 3,5 triệu tấn, thức ăn tôm đạt khoảng 1,7 triệu tấn.

Có 63 cơ sở sản xuất có vốn đầu tư trong nước sản xuất thức ăn, với công suất tối đa ước đạt 4,7 triệu tấn/năm. Ngoài ra, cả nước còn có 63 cơ sở (20 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và 43 cơ sở trong nước) sản xuất nguyên liệu (bột cá, cám gạo, tấm, dầu gạo, bột mỳ, hỗn hợp khoáng, vitamin…) cung cấp thị trường. Các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu chủ yếu phải nhập khẩu, chiếm 70-80%.

Theo Cục Chăn nuôi, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2020 đạt 20 triệu tấn, tăng 5,6 % so với năm 2019. Trong đó thức ăn cho lợn 9 triệu tấn, chiếm 45% (giảm 4,4% so với năm 2019); thức ăn cho gia cầm 10 triệu tấn, chiếm 50% (tăng 11,9% so với năm 2019); các loại khác khoảng 1 triệu tấn, chiếm 5% (tăng 69,8% so với năm 2019).

Cũng trong năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 19,6 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá trị nhập khẩu 5,7 tỷ USD, trong đó: nguyên liệu giàu năng lượng 11, triệu tấn, giá trị nhập khẩu 2,3 tỷ USD; nguyên liệu giàu đạm 7,5 triệu tấn, giá trị nhập khẩu 2,55 tỷ USD, thức ăn bổ sung 660,9 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu 875,6 triệu USD. So với năm 2019, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu giảm 5,7% về khối lượng và giảm 7,8% về giá trị.

Còn theo Cục Trồng trọt, mỗi năm, tổng nhu cầu phân bón cho các loại cây trồng trên cả nước ước tính khoảng hơn 10 triệu tấn các loại, trong đó phân vô cơ khoảng 6 triệu tấn và phân hữu cơ khoảng 4 triệu tấn. Riêng “vựa lúa” ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần khoảng 600 nghìn tấn phân ure/năm, DAP cần 950 tấn/năm, Kali cần khoảng 250 nghìn tấn/năm. Tổng nhu cầu khoảng 1,8 triệu tấn/năm.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu phân bón về Việt Nam trong quý I năm 2021 đạt hơn 1.140 tấn, trị giá hơn 300 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 2,17% về lượng và tăng 11,01% về trị giá.


Thông qua các cuộc đánh giá nội bộ để xác định Hệ thống QLCL thử nghiệm của VinaCert đang áp dụng và duy trì đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của ISO/IEC 17025: 2017, yêu cầu của A2LA và các yêu cầu của pháp luật Việt Nam. Ảnh: TL/TNNN 

Theo Danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được phép sử dụng tại Việt Nam (ban hành kèm Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có hiệu lực từ 25/10/2020), thuốc trừ sâu có 861 hoạt chất với 1821 tên thương phẩm; Thuốc trừ bệnh: 587 hoạt chất với 1282 tên thương phẩm; Thuốc trừ cỏ: 241 hoạt chất với 702 tên thương phẩm;… Tính trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta chi từ 500-700 triệu USD để nhập hóa chất BVTV.

Nếu không kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, thì đây sẽ là điểm nghẽn rất lớn trong nỗ lực hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hội nhập quốc tế.

Vai trò của Phòng thử nghiệm

Ngày nay người ta quan niệm không chỉ bán sản phẩm bằng “giá cả” nữa mà bán bằng cái cao hơn là “giá trị”. Nói theo thuật ngữ chuyên môn, người ta không bán một “hàng hoá” mà bán một “sản phẩm”. Giá trị của sản phẩm kết tinh từ giá cả hàng hoá cộng với sức mạnh công nghệ và sự sáng tạo của con người. Giá trị sản phẩm nghĩa là khách hàng mua sản phẩm vì họ thấy yêu thích một giá trị nào đó mà chỉ có sản phẩm này mới mang đến được. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Chất lượng vật tư nông nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng với ngành nông nghiệp. Đây là yếu tố để tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng của ngành nông nghiệp. Do đó, việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp luôn là chủ đề “nóng” không chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề chung của các nước trên thế giới.

Vật tư nông nghiệp không chỉ là những vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất mùa vụ, đời sống của người nông dân; ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, thương hiệu, trong đó mối quan ngại lớn nhất là những tác động nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh rằng, tư duy và  chiến lược của ngành nông nghiệp hiện nay không phải là “sản xuất nông nghiệp” mà là “kinh tế nông nghiệp”. Do đó, có kiểm soát tốt chất lượng các loại vật tư thì ngành nông nghiệp mới tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá trị gia tăng cao và tạo đà cho sự phát triển bền vững.


Sơ chế rau tại Công ty Cổ phần VIFOETC. Ảnh: TNNN/Vũ Hải.

Với nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp, Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert luôn đồng hành với sự phát triển của ngành nông nghiệp. Cùng với nỗ lực trong áp dụng, vận hành Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, ISO 9001:2015,… hệ thống Trung tâm phân tích, thử nghiệm của VinaCert đã nhận được sự quan tâm đầu tư đồng bộ của Ban Lãnh đạo về nguồn lực trang thiết bị, và con người.

Theo đó, với việc thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực thử nghiệm, đào tạo kỹ năng,… năng lực của các kiểm nghiệm viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và yêu cầu quản lý chất lượng của Cơ quan quản lý Nhà nước.

Trên cơ sở các nguồn lực đó và để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, các Trung tâm phân tích, thử nghiệm của VinaCert đã triển khai rất nhiều các nghiên cứu về xây dựng quy trình, phương pháp thử nghiệm mới đối với nền mẫu vật tư nông nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng “Trong chuỗi giá trị, một ngành hàng được minh hoạ bằng mô hình “đường cong nụ cười” thì bán “hàng hoá thô” nằm ở điểm mang lại giá trị thấp nhất. Phần có giá trị cao hơn là “sản phẩm”, sau đó là cung ứng “dịch vụ” kèm theo và phần mang lại giá trị cao nhất là mang đến “sự trải nghiệm”. Để tạo ra giá trị gia tăng cao, người ta còn chăm chút thiết kế mẫu mã bắt mắt, xây dựng thương hiệu uy tín, nghiên cứu, cải tiến liên tục, tạo nhiều kênh tiếp thị, cách thức phân phối đa dạng. Đó là những điều mà khi bán hàng hoá thô, thường không chú ý đến hoặc khó tạo ra giá trị gia tăng đột biến”.

Lấy ví dụ về việc xây dựng phương pháp thử mới liên quan đến chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nền mẫu rau củ quả, Phòng thử nghiệm phải nghiên cứu, viện dẫn yêu cầu từ các tiêu chuẩn trong nước, tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, sau đó đánh giá tính khả thi và triển khai thực hiện với các yêu cầu: Giới hạn phát hiện mong đợi, Giới hạn định lượng, Giới hạn tuyến tính, Khoảng đo, Độ chọn lọc, Độ lặp lại, Độ tái lặp, Biện pháp xác định giá trị sử dụng, Đánh giá sự tương đương.

Theo Ban Đảm bảo Chất lượng thử nghiệm (QA), trong năm 2020, chỉ tính riêng Phòng thử nghiệm của VinaCert tại Hà Nội đã phát triển được khoảng 70 phương pháp thử mới, góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ thử nghiệm đến khách hàng, cũng như phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về chất lượng các sản phẩm vật tư nông nghiệp.

Các phương pháp thử đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng của Việt Nam và quốc tế. Kết quả thử nghiệm được Khách hàng sử dụng làm căn cứ để công bố hợp chuẩn, hợp quy. Đồng thời, là căn cứ để các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành quyết định cho nhập khẩu, xuất khẩu, hay đề nghị tái xuất một lô hàng vật tư nông nghiệp.


Khách hàng thăm quan Phòng thử nghiệm 1 của VinaCert tại Hà Nội. Ảnh: TNNN/Vũ Hải.

Hiện tại, VinaCert có năng lực thực hiện hơn 400 phương pháp thử thuộc chỉ tiêu phân tích các lĩnh vực thực phẩm, thủy sản, sản phẩm thủy sản, nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, nước uống, nước sinh hoạt, nước thải, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;… Các phép thử VinaCert thực hiện đều đã đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ, được A2LA công nhận và cơ quan nhà nước chỉ định.

Đây cũng là cơ sở để trong nhiều năm qua, các cơ quan quản lý chuyên ngành của nhà nước đã tin tưởng chỉ định, ủy quyền và mở rộng cho VinaCert thực hiện ngày càng nhiều chỉ tiêu trên các lĩnh vực: Thử nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Đình Lâm

Bình luận