Theo dòng sự kiện

EVFTA thúc đẩy Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu

20/05/2020, 10:18

TNNN - Hiệp định Thương mại tự do EVFTA được kỳ vọng chính là nền tảng quan trọng cho mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước EU.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được đánh giá có vai trò quan trọng, góp phần đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” trong chuỗi liên kết với các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới; tạo thuận lợi cho hàng hóa và dịch vụ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo đà cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19.

|
Hiệp định Thương mại tự do EVFTA được kỳ vọng chính là nền tảng quan trọng cho sự trở lại thời gian hoàng kim trong quan hệ giữa hai bên Việt Nam - EU.

EU - đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam

Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do EVFTA. Tiếp đó, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được công bố chiều 18/5/2020, dự kiến ngày 20/5/2020, Quốc hội sẽ nghe báo cáo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và phê chuẩn vào ngày 28/5.

EU hiện là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD.

Với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao nhất trong số các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây của Việt Nam, EVFTA được kỳ vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế nước ta, đồng thời góp phần đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới liên kết với các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới; tạo thuận lợi cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tạo đà cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19.

Nói theo cách của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì “trước đây, Phố Hiến đã trở thành nơi giao thương, hội tụ thương mại giữa châu Âu và Việt Nam, là thời gian hoàng kim trong quan hệ giữa hai bên. Bây giờ, hiệp định EVFTA chính là nền tảng quan trọng cho sự trở lại của thời hoàng kim đó”.

Cú hích tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19

Chia sẻ về những lợi ích mà EVFTA mang lại, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, ông Lương Hoàng Thái cho biết, các cam kết giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU sẽ là lợi thế rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hậu dịch bệnh để khai thác thị trường 18.000 tỷ USD.

Theo tính toán, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Những ngành hiện nay có thể tận dụng sớm cơ hội mà EVFTA mang lại là dệt may, giày dép, nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, thủy sản…

Tuy nhiên, để con số đó trở thành hiện thực thì quyết tâm cải cách để thực thi Hiệp định sao cho hiệu quả mang tính chủ động mang ý nghĩa quyết định. Bối cảnh kinh tế thế giới đang có thay đổi rất nhiều và rất nhanh so với trước đây càng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có cách tiếp cận mới, thay đổi phù hợp với hoàn cảnh thì mới có thể tận dụng được các cơ hội mà các FTA thế hệ mới mang lại.

Khác với nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ có Mexico là thị trường truyền thống cung ứng, EU không có nền kinh tế nào ở gần để đáp ứng nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng mới. Vì vậy, EU đã lựa chọn một số thị trường khác nhau để kết nối dưới hình thức Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Với tư cách là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực có FTA với EU, Việt Nam ở vị trí rất tốt để là một trong những nơi tiếp nhận chuỗi cung ứng mới thông qua xây dựng chuỗi cung ứng bền vững kết nối hai bên. Từ đó chúng ta có cả quan hệ kinh tế cũng như quan hệ khác với EU ở mức cao hơn.


Khi EVFTA có hiệu lực, chúng ta không chỉ kỳ vọng ở một số mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày mà sẽ vươn lên những mặt hàng khác với hàm lượng công nghệ cao hơn.

Ông Thái nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những đối tác tin cậy, đủ khả năng, đủ sức cạnh tranh để cung cấp hàng hóa cho đối tác thương mại. Tất nhiên, những đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản sẽ lựa chọn cả những đối tác khác nữa nhưng Việt Nam đứng ở vị thế rất tốt.

Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã cải cách kinh tế và những chỉ số gần đây như năng lực cạnh tranh, khả năng cung ứng của nhiều mặt hàng đều được cải thiện. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các mặt hàng như trang thiết bị y tế mà rất nhiều nước hạn chế xuất khẩu thì Việt Nam thể hiện là một đối tác tin cậy trong tất cả mối quan hệ quốc tế đó.

Thời gian tới, chúng ta không chỉ kỳ vọng ở một số mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày mà sẽ vươn lên những mặt hàng khác với hàm lượng công nghệ cao hơn.

Diễn biến của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến nhiều nước trên thế giới ưu tiên nâng cao nội lực để tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài. Vào thời điểm này, kể cả xu hướng đó gia tăng thì EVFTA vẫn giữ được vị thế của mình.

Lý giải thêm về điều này, ông Thái cho hay, kể cả trước đây, khi đại dịch chưa xảy ra thì các nước cũng đã đặt vấn đề là nội lực đóng vai trò quyết định. Nhưng để tận dụng được nội lực thì yếu tố quan trọng là chúng ta phải tận dụng được cơ hội ngoại lực đem lại. Trong nền kinh tế thế giới hiện nay, không nền kinh tế nào có thể đứng độc lập. Điều này thúc đẩy việc thiết kế lại chuỗi cung ứng hiện tại chứ không thể chấm dứt hoàn toàn việc các nước phụ thuộc lẫn nhau về chuỗi cung ứng.

Nói cách khác, sự phụ thuộc lẫn nhau là xu thế không thể đảo ngược. Rõ ràng chuỗi cung ứng có thể thay đổi nhưng đối tác nào có thể đi đầu trong việc xây dựng chuỗi cung ứng có tính đảm bảo, tin cậy lẫn nhau thì chuỗi cung ứng đó sẽ tiếp tục được củng cố và tăng cường.

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/hiep-dinh-evfta-cu-hich-tang-truong-kinh-te-sau-dai-dich-covid-19-d174152.html

Bình luận