Theo dòng sự kiện

Sửa Thông tư về xuất xứ hàng hoá là bước đệm giúp thực thi EVFTA thuận lợi hơn

24/03/2020, 10:53

TNNN - Theo chuyên gia, việc sửa đổi quy định liên quan tới xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn khi EVFTA chính thức được thực thi.

EVFTA và những rào cản cần vượt qua

Ngày 12/2/2020 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA. Hiệp định này còn chờ Quốc hội Việt Nam thông qua, dự kiến vào tháng 6 năm nay. Nếu Quốc hội thông qua và Việt Nam kịp làm thủ tục thông báo với Liên minh châu Âu, thì có thể ngay từ thời điểm 1/7/2020, EVFTA chính thức đi vào thực thi.

Được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví như “đường cao tốc quy mô lớn”, giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và người dân hai bên. Đối với Việt Nam, tuyến đường cao tốc này sẽ đưa hàng hóa trong nước đến châu Âu và đón dòng hàng chất lượng cao, vốn đầu tư từ hướng ngược lại.

Tại cuộc tọa đàm “EVFTA – Cao tốc hiện đại nối liền Việt Nam - EU” vừa diễn ra, có ý kiến cho rằng, mặc dù EVFTA là thị trường minh bạch, rộng lớn và nhiều thuận lợi, nhưng bên cạnh đó, cũng không ít khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam để tuân thủ những quy tắc khác nhau về hàng rào kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ... của Liên minh châu Âu.


Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, doanh nghiệp sẽ phải vượt qua nhiều rào cản khi EVFTA được thực thi. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có 2 vấn đề phải phân biệt một cách rõ ràng đó là quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn kĩ thuật, hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quy tắc xuất xứ là điều kiện để doanh nghiệp có thể được hưởng ưu đãi thuế quan. Nếu hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ vẫn có thể được xuất khẩu sang châu Âu như bình thường nhưng không được hưởng những ưu đãi này.

Nhóm thứ hai là về các tiêu chuẩn kỹ thuật hay hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm. Đấy là nhóm các quy định áp dụng chung cho tất cả và nếu hàng hóa không đáp ứng được những yêu cầu đó thì không thể nhập khẩu vào EU. Đây là những rào cản khiến cho hàng hóa của mình khó vào được EU.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc do dịch COVID-19 nhưng việc hàng hóa ấy có thể được chuyển đi những thị trường khác để bán với giá cao thì rất khó có thể thực hiện được bởi những hàng hóa đó không được thiết kế, sản xuất theo một hướng bảo đảm những yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh san toàn thực phẩm.

"EU là một khối, các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản là giống như nhau về tất cả. Trong bối cảnh như thế, chúng ta còn dễ đáp ứng hơn là 27 nước mỗi nước một yêu cầu khác nhau.

Cuối cùng, tất cả những điều mà chúng ta đang nói ở đây là những điều kiện, yêu cầu tối thiểu, bắt buộc mà EU đặt ra. Chúng ta còn chưa nói đến các yêu cầu của khách hàng EU, nó còn cao hơn các yêu cầu tối thiểu của các cơ quan nhà nước nhiều. Vì thế, các doanh nghiệp khi chúng ta nỗ lực cải thiện được chất lượng, mẫu mã và rất nhiều những yếu tố khác nữa thì nó không chỉ là vượt qua hàng rào bắt buộc của các cơ quan nhà nước phía EU để vào được thị trường EU mà nó còn là quá trình để chúng ra chinh phục khách hàng", bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.

Đạt được quy tắc xuất xứ là điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan

Cũng tại cuộc tọa đàm, có ý kiến đề cập tới việc Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn tất dự thảo sửa đổi Thông tư về xuất xứ hàng hóa để có thể ban hành trong tháng 5, trước khi EVFTA trình Quốc hội thông qua (dự kiến vào tháng 6 năm nay). Theo đánh giá, Thông tư về xuất xứ hàng hóa được sửa đổi, hoàn thiện sẽ có tác động không nhỏ trong trường hợp EVFTA đi vào thực thi.

Về vấn đề này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, nếu không đáp ứng được quy tắc xuất xứ này thì chúng ta sẽ hưởng thuế phổ thông như tất cả các nước khác. Nếu như chúng ta đạt được quy tắc xuất xứ, nghĩa là có một sản xuất nhất định ở Việt Nam thì khi đó sẽ được hưởng ưu đãi, tùy các nhóm mặt hàng mà quy tắc xuất xứ này khác nhau.

Trong quá trình đàm phán, chúng ta xác định mục tiêu không phải là đấu tranh để áp dụng quy tắc xuất xứ dễ, bởi trong nhiều trường hợp nếu áp dụng quy tắc xuất xứ dễ quá thì giá trị gia tăng sản xuất để hưởng ưu đãi đó rất thấp. Nên chúng ta cố đạt được điểm cân bằng, nghĩa là với quy tắc xuất xứ đó làm sao doanh nghiệp cố gắng có thể đáp ứng được nhưng không quá dễ dãi để lợi ích thu được đi vào các doanh nghiệp, đi vào nền kinh tế của chúng ta.


Việc sửa quy định về xuất xứ hàng hóa là một trong những bước giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tham gia EVFTA. Ảnh minh họa

Trong quá trình chuẩn bị để Hiệp định đi vào thực thi, một trong những điều kiện quan trọng là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quy tắc xuất xứ. Thứ nhất để doanh nghiệp hiểu thế nào là được hưởng, thứ hai được hưởng thì phải làm những thủ tục nào. Ví dụ, mẫu xin phép để có chứng nhận xuất xứ như thế nào, điều này sẽ được thể hiện trong thông tư. Với mỗi hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương sẽ ban hành một thông tư như vậy.

Hiện nay thông tư đã được dự thảo, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan để mọi người được biết sớm quy tắc xuất xứ cụ thể như thế nào mới được đi vào thị trường EU. Điều này rất quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc ở khâu ban hành để có hiệu lực. Theo đúng quy trình bình thường, một thông tư chỉ có hiệu lực 45 ngày sau khi được ký. Với Hiệp định thương mại tự do với EU, về mặt pháp lý phải chờ Quốc hội phê chuẩn, sau đó Bộ Công Thương ban hành thông tư và chờ 45 ngày sau thì thông tư mới có hiệu lực.

Nếu chúng ta đặt mục tiêu 30 ngày sau khi Quốc hội phê chuẩn, sau đó có trao đổi thư, tức là khoảng hơn 1 tháng sau, như vậy thông tư có hiệu lực muộn hơn so với thời gian chúng ta dự tính. Hiện nay, các cơ quan đang bàn về mặt pháp lý để điều chỉnh vấn đề này.

Có hai phương án: Một là có thể Bộ Công Thương ban hành thông tư này trước khi Quốc hội phê chuẩn, tuy nhiên điều này rất khó vì chưa có tiền lệ về mặt pháp lý. Cách thứ hai có thể xem xét hiệu lực như thế nào để khi Quốc hội phê chuẩn có thể quy định hiệu lực ngay và có những linh hoạt về thời gian kể từ ngày Hiệp định được ban hành và công bố công khai đến khi thông tư có hiệu lực pháp lý. Điều này cũng hợp lý vì dự thảo thông tư và nội dung Hiệp định hiện nay đã được công bố công khai, doanh nghiệp có thể làm quen trước.

"Nếu như có những linh hoạt này thì Hiệp định có thể đưa vào thực thi và doanh nghiệp có thể tận dụng được ngay lợi ích. Vì nếu như thông tư không có hiệu lực thì doanh nghiệp không thể xin được mẫu chứng nhận xuất xứ và như vậy cũng không thể hưởng ưu đãi. Chúng tôi đang bàn với các cơ quan để cố xử lý bất cập này trong hệ thống pháp luật của chúng ta", ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/sua-thong-tu-ve-xuat-xu-la-buoc-dem-giup-thuc-thi-evfta-thuan-loi-hon-d171427.html

Bình luận